10/08/2011 08:55 GMT+7

Không nghiêm

NGUYỄN VỸ DU
NGUYỄN VỸ DU

TT - Ai cũng biết vấn đề lao động nước ngoài ở VN là vấn đề không mới. Theo tin mới nhất, hiện nay ở VN có 74.000 lao động là người nước ngoài. Và theo quy luật của thị trường lao động, mỗi năm con số lao động nước ngoài vào VN tăng khoảng 20.000 người (VN Economy 3-8-2011).

Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép

Trong con số lao động nhập khẩu tăng thêm này, chắc chắn không chỉ có số lao động kỹ thuật nhiều ngành nghề mà VN đang thiếu, đang cần do tăng trưởng của luồng đầu tư nước ngoài (và pháp luật VN không cấm nhập khẩu) mà còn có một lượng lao động khác là lao động phổ thông (còn gọi là lao động chui vì không được pháp luật cấp phép do lẽ loại lao động này ở VN quá dư thừa).

Số lao động chui này đang đổ vào VN theo chân các dự án, các gói thầu EPC (hiểu theo nghĩa tắt là các tổng thầu tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) có mặt trên khắp đất nước, từ Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây nguyên đến tận Cà Mau.

Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, trong số 1.728 lao động Trung Quốc đang làm việc tại đây, có đến 1.051 người không có giấy phép. Tại dự án bôxit Nhân Cơ (Đắk Nông), trong số 269 lao động Trung Quốc đang làm việc chỉ có 67 người có giấy phép (Tuổi Trẻ ngày 9-8). Trong chuyến đi thực tế mới đây tại Ninh Bình của ông Lê Quang Trung, cục phó Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho thấy trong số 2.400 lao động nước ngoài ở tỉnh này, chỉ có 500 người có giấy phép (VN Economy 3-8-2011).

Những con số này nói lên tình trạng lao động chui là người nước ngoài ở VN không phải là ít và không phải là mới có đây, mà đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua nhưng không được các cơ quan quản lý của ta quan tâm giải quyết rốt ráo, trong khi luật pháp về lao động quy định rất rõ cách xử lý với lao động chui (trục xuất).

Vài năm nay, báo chí liên tục nêu lên hiện tượng lao động chui này. Do nhận thấy việc quản lý số lao động chui này khá phức tạp, ngày 17-5 Thủ tướng phải ban hành chỉ thị 734 để chấn chỉnh công tác sử dụng và quản lý lao động nước ngoài trong các dự án, gói thầu EPC nhằm đưa nó theo đúng pháp luật về đấu thầu và lao động. Chỉ thị này có trước các con số nêu ra trên đây, do đó nó chứng tỏ dù đã có chấn chỉnh nhưng việc thừa hành pháp luật trong lĩnh vực này vẫn chưa thay đổi.

Có thể, vì nhiều lý do, nhà thầu nước ngoài chuộng lao động đồng hương hơn lao động bản địa. Nhưng khi đến làm việc ở VN, các chủ thầu này buộc phải chấp nhận và tôn trọng luật pháp VN. Chủ đầu tư lại càng không được dễ dãi. Là đại diện hợp pháp cho Nhà nước ta (đa số các gói thầu EPC được ký với doanh nghiệp nhà nước), những người này đã không tôn trọng luật pháp nước nhà khi làm ngơ chấp nhận hiện trạng lao động nước ngoài làm chui trong dự án mình quản lý.

Và đáng trách hơn là các cơ quan được Nhà nước giao phó cai quản lĩnh vực thực hiện pháp luật lao động, từ bộ cho đến các sở địa phương, khi họ bỏ quên vai trò tiên phong của mình trong thừa hành pháp luật. Không thể nói là không biết hay không thấy, hay tại bị này nọ, hiện trạng lao động chui tồn tại nhức nhối bao lâu nay ở nước ta không chỉ là một biểu hiện bất phục luật pháp nước sở tại của các chủ doanh nghiệp nước ngoài, mà còn là biểu hiện bất phục của các đơn vị thừa hành pháp luật VN!

NGUYỄN VỸ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên