09/08/2011 08:19 GMT+7

Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép

LÊ BÌNH
LÊ BÌNH

TT - Ông Lê Thanh Tòng - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau - cho biết hiện có 1.051/1.728 lao động Trung Quốc đang làm việc không có giấy phép tại dự án Nhà máy Đạm Cà Mau.

Read this on Tuoitrenews.vn

ILNWjE48.jpgPhóng to
Lao động Trung Quốc ở công trường Nhà máy Đạm Cà Mau. 1.051/1.728 người không có giấy phép lao động - Ảnh: C.Q.
Video clip "Nhiều lao động Trung Quốc ở Việt Nam không có giấy phép" - TVO

Số nhân công này do nhà thầu chính của dự án là Công ty cổ phần khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn (Trung Quốc) trực tiếp đưa sang.

Chủ yếu là lao động phổ thông

Theo ông Tòng, khi tiến hành thi công nhà máy, Công ty Ngũ Hoàn đăng ký số lượng lao động cần sử dụng đến cuối năm 2011 là 1.500 lao động trong và ngoài nước, nhưng hiện số lao động tại công trường này hơn 3.700 người, trong đó 1.728 lao động là người Trung Quốc. Số còn lại khoảng 2.000 người là lao động Việt Nam.

Ông Vương Văn Cường - người phụ trách an ninh công trường và quản lý lao động nước ngoài thuộc ban quản lý dự án Cụm khí - điện - đạm Cà Mau (CPMB) - xác nhận trong số 1.051 lao động Trung Quốc chưa được cấp phép này có 440 người làm việc dưới ba tháng (theo quy định không cần cấp phép lao động - PV), số còn lại đang làm thủ tục xin cấp phép lao động. Theo ông Cường, thành phần lao động Trung Quốc tại đây gồm có cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân có tay nghề, lao động phổ thông nhưng phần lớn trong số này là lao động có tay nghề và lao động phổ thông.

Ngoài 140 lao động được bố trí ở nhà công vụ bên ngoài công trường, hầu hết công nhân Trung Quốc còn lại đều ở và sinh hoạt tại các khu nhà tập thể trong công trường. Ông Cường giải thích việc tồn tại tình trạng lao động Trung Quốc làm việc chưa có giấy phép tại đây “do công việc công trường đang gấp. Họ (nhà thầu - PV) có nói ở nước họ làm thủ tục chậm nên việc hoàn tất thủ tục ở đây chậm”.

R3fjINyu.jpgPhóng to
Lao động Trung Quốc trên công trường thi công Nhà máy alumin Nhân Cơ - Ảnh: LÊ BÌNH

Từng xử phạt, đề nghị trục xuất

Ông Lê Thanh Tòng cho rằng lẽ ra phải ưu tiên lao động Việt Nam làm việc tại công trường này, trường hợp lao động Việt không đáp ứng được mới tuyển lao động nước ngoài. “Việc sử dụng lao động như vậy là không hợp lý. Bên đó (nhà thầu chính - PV) chưa có bất cứ văn bản nào gửi cơ quan quản lý địa phương về nhu cầu lao động tại công trường để nơi đây cung cấp lao động tại Việt Nam. Vừa rồi chúng tôi vào làm việc, mấy ảnh (nhà thầu - PV) thừa nhận vấn đề này” - ông Tòng nói.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội Cà Mau, trước khi khởi công dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, sở đã hai lần hướng dẫn về quy định cấp phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sau đó tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh nhiều lần kiểm tra. Qua các lần kiểm tra, sở đã phạt hành chính nhà thầu do có hành vi vi phạm thủ tục sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, thậm chí sở từng đề nghị Bộ Công an trục xuất hơn 10 lao động Trung Quốc tại đây vì lỗi vi phạm trên.

Ông Tòng nêu quan điểm đối với lao động Trung Quốc làm việc dưới ba tháng tại công trường theo quy định không phải xin cấp phép lao động nhưng nhà thầu phải gửi danh sách, hồ sơ những lao động này cho sở nhưng họ không gửi. “Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra và đề nghị cho biết thời gian hoàn thành thủ tục, nộp danh sách thì một anh lãnh đạo CPMB không hứa mà chỉ nói sẽ sớm hoàn thành thủ tục. Ngày 9-8, chúng tôi có báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau về vụ việc trên và đề nghị có đề xuất với cấp trên sửa đổi mức phạt về hành vi vi phạm trong sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam theo hướng đủ sức răn đe. Riêng với nhà thầu, chúng tôi sẽ buộc họ phải thực hiện đúng quy định trong sử dụng lao động nước ngoài” - ông Tòng nói.

Sẽ kiểm tra lao động nước ngoài tại dự án bôxit Nhân Cơ

Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết đầu tuần tới sẽ có đợt kiểm tra người lao động nước ngoài tại dự án Nhân Cơ. Qua đó hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động đúng quy định, thủ tục để xin cấp giấy phép cho lao động nước ngoài đang và sẽ làm việc tại đây theo dự kiến lên đến 700 nhân công lúc cao điểm.

Ông Nguyễn Đức Nguyên, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông, cho biết đến đầu tháng 8, trên công trường xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ đang có 269 lao động nước ngoài làm việc, trong đó 267 người Trung Quốc (133 quản lý, kỹ sư và 154 công nhân kỹ thuật) và hai chuyên gia Úc. Có 252 lao động đăng ký làm việc trên ba tháng. Tuy nhiên, sở chỉ mới cấp giấy phép lao động cho 67 người, trong đó có 22 người từ dự án bôxit Tân Rai (Lâm Đồng) chuyển sang. Hiện vẫn còn 202 lao động Trung Quốc đang làm việc ở dự án Nhân Cơ chưa có giấy phép lao động, trong đó chỉ mới tiếp nhận gần 100 hồ sơ xin cấp giấy phép lao động từ các đơn vị đang thi công tại đây.

Về tình trạng lao động nước ngoài làm việc tại dự án Nhân Cơ chưa có giấy phép, theo ông Bùi Quang Tiến - tổng giám đốc ban quản lý dự án alumin Nhân Cơ, nguyên nhân do thủ tục cấp phép “tương đối rườm rà, đòi hỏi có thời gian”.

LÊ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên