11/08/2016 09:46 GMT+7

Không chấp nhận chuyện quên công khai vẫn “huề cả làng”

C.V.KÌNH ghi
C.V.KÌNH ghi

TTO - Phải công khai hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu bắt buộc, nhưng việc chấp hành lại mang tính đối phó, thậm chí nhiều nơi đã “lờ” luôn.

Việc này không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh. 

Nhiều ý kiến cho rằng không chấp nhận chuyện quên công khai vẫn “huề cả làng”.

Yêu cầu công khai đã được quy định ở tầm nghị định, thể hiện sự nghiêm túc của Nhà nước trong minh bạch hóa việc quản lý và sử dụng tài sản của quốc gia.

Tuy nhiên, đáng lo ngại không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà nhiều bộ cũng chưa tuân thủ nghiêm túc.

Vì sao người ta không công khai? Phải chăng nguyên tắc “bí mật” vẫn lấn át nguyên tắc công khai minh bạch là chủ đạo trong làm ăn kinh tế? Hay việc không công khai sẽ có lợi hơn và người ta vẫn có tâm lý... chờ, bởi nghĩ rằng không công khai cũng chẳng sao.

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước không muốn công khai ắt là có lý do. Thường khi có khuất tất, không rành mạch, “chưa thu dọn được” thì người ta sẽ ngại công bố ra ngoài.

Họ cũng lo ngại những thông tin đó sẽ được các chuyên gia, báo chí, người dân phân tích, mổ xẻ, bất lợi cho doanh nghiệp.

Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, công khai minh bạch sẽ có lợi cho chính doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh, nhưng có thể bất lợi cho người quản lý doanh nghiệp thiếu trách nhiệm.

Vì vậy cần phải giải quyết tận gốc tình trạng không muốn công khai, cũng như tìm cách tăng hiệu quả việc công khai.

Trước mắt, phải xử lý nghiêm những đơn vị, người quản lý không chấp hành những quy định về công khai minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Có thế mới xóa đi tâm lý chờ đợi không làm có sao đâu. Phải xử nghiêm, không chấp nhận “huề cả làng” bởi nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn kiên quyết chưa gửi báo cáo, nhiều bộ cũng chưa thật sự vào cuộc.

Xử nghiêm để thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không thể cứ “bắn chỉ thiên”. Đã có đích, đã có vi phạm, phải xử thôi. Không thể để cho nguyên tắc “trách nhiệm tập thể” tiếp tục làm lá chắn che đỡ thói vô trách nhiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, để tạo thói quen công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng cần xóa đi những mầm mống hình thành tâm lý, thói quen che giấu thông tin.

Việc đầu tiên là cần giảm các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước đầu tư kinh doanh, giảm số lượng cũng như vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giảm độc quyền kinh doanh, giảm sự thao túng “nhóm lợi ích”.

Thứ hai, cần tránh cơ chế “xin cho” bằng cách sửa các luật lệ và quy định tạo khả năng “xin cho” như Luật ngân sách hiện nay, một đạo luật mà tinh thần “hệ thống ngân sách mềm” vẫn còn ngự trị và nguyên tắc “xin cho” vẫn chi phối mạnh mẽ quan hệ phân bổ vốn đầu tư nhà nước.

Thứ ba, các quy định của pháp luật phải rõ ràng, tránh có thể hiểu nhiều cách khác nhau, khiến doanh nghiệp phải sử dụng mối quan hệ để tồn tại.

Thứ tư, nên sớm bỏ chế độ bộ chủ quản doanh nghiệp, vốn là hang ổ của lợi ích nhóm.

Và cuối cùng, cần có chế độ giám sát và hệ thống chế tài nghiêm ngặt, hướng tới trách nhiệm cá nhân.

Có làm đồng bộ các giải pháp như thế thì xã hội mới có thể biết được bức tranh thật về việc sử dụng tài sản quốc gia của các doanh nghiệp nhà nước.

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế VN)

C.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên