09/06/2018 13:27 GMT+7

Mắt trước bão

NGUYỄN TUẤN ĐỨC
NGUYỄN TUẤN ĐỨC

TTO - Một câu chuyện nhẹ nhàng, lắng đọng của một bạn trẻ làm người tình nguyện. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Mắt trước bão - Ảnh 1.

Bà già nheo đôi mắt hằn những vết chân chim chi chít chạy dài theo đuôi mắt, ngó lên trời xanh quang đãng cả ngày dài. 

Trưa đầu tháng chín, những vầng mây trắng dày hơn thường lệ, không khí oi nồng, bức nực hơn mọi khi, người cứ nôn nao, bứt rứt...

Chiều hoàng hôn buông, những đám mây hồng vàng mỡ gà rọi thẳng đỉnh đầu, bà đã thôi nhìn trời, nhìn mây nữa, miệng đọc vanh vách: "Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa. Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa. Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống". Chẳng cần phải xem dự báo thời tiết, bà cũng biết một cơn bão nữa lại chuẩn bị đổ vào bờ.

Năm nay, mùa bão lại sắp về rồi. Bọn bạn chắc có lẽ đang rục rịch để đi đâu đó. Còn tôi chắc sẽ ở lại. Tôi sẽ ở lại vì sợ khoảnh khắc bà lão ngồi trước cửa hàng tạp hóa gần nhà văn hóa xã đôi mắt ngóng đợi chợt mờ đi, thất thểu ra về...

Ngay chiều đó, bà ra đồng, dáo dác nhìn những vạt lúa hè thu còn chưa gặt, đôi mắt mờ đục vì tuổi tác thêm phần nặng trĩu. 

Chồng đã chết, con cái đã rời mảnh đất cỗi cằn đi các thành phố lớn lập nghiệp, sinh con đẻ cái, cũng chẳng còn mấy khi về quê. 

Bà ở lại nơi này với con gái út đã đi lấy chồng cách đây hơn 40 cây số. Cô ấy cũng phải lo việc bên chồng, chẳng thể giúp bà thu hoạch mấy vạt lúa.

Tôi gặp bà vào ngày theo đoàn tình nguyện về xã giúp người dân thu hoạch lúa vụ chạy bão hai năm về trước. 

Không khí thật sự khẩn trương, đến nỗi người dân ngỡ ngàng, há hốc vì đó là lần đầu mà đoàn đến giúp đỡ xã này. 

Bà nhìn chúng tôi thật lâu, đôi mắt già hiu hiu buồn đó sáng lên nhưng vẫn đầy ánh ngờ vực, phân vân: liệu đám nhỏ này làm được trò trống gì?...

Cái năm đó đầu tháng chín, tôi và các bạn đã hẹn nhau từ trước sẽ làm một chuyến du lịch nước ngoài. 

Nhưng đột xuất đoàn thể kêu gọi Đoàn thanh niên đi tình nguyện, không thể né tránh, dù trong lòng không hào hứng lắm nhưng chúng tôi vẫn phải xách đồ lên khẩn trương về xã giúp bà con gặt lúa.

Qua cơn bão, lũ bạn đi du lịch trở về. Chúng kể cho tôi nghe những vùng đất mới lạ, những trải nghiệm mới của bản thân mình, những điều hay ho của nước bạn. 

Còn với tôi, đó là những ngày khẩn trương, gấp gáp chạy đua với thời gian, với hung thần bão tố để cứu lúa. 

Những điều tôi có được qua một cơn bão là giúp những đôi mắt buồn rầu, lo lắng, thất thần trước thiên tai, có phần nghi hoặc với đoàn chúng tôi đã nở những nụ cười tươi tắn rạng rỡ trước giờ bão ập bờ. 

Nghe bọn bạn kể tôi chỉ cười, vì những ngày vừa qua đó của tôi chẳng có gì hấp dẫn, mới mẻ so với những gì mà các bạn kể.

Bão. Dường như những cơn bão chưa bao giờ buông tha mảnh đất bắc miền Trung của tôi. Bọn bạn lại rủ rê tôi thêm một chuyến đi xa nữa, ở nhà mà làm gì, mưa bão buồn chết, đi cho biết đó biết đây, ru rú ở nhà bao giờ mới mở rộng tầm nhìn được. 

Tôi từ chối lời mời. Trong đầu vào những ngày mưa bão sắp đến này cứ chỉ nhớ đến ánh mắt của bà lão kia sẽ ra sao nếu tôi không đến.

Tháng chín năm ngoái, chúng tôi đến muộn một chút vì cần tập trung số lượng người đông hơn. Vừa mới đến xã, bà đã ngồi ngay nhà bán tạp hóa cạnh nhà văn hóa xã, chốc chốc thò cổ ra, nheo mắt ngó nghiêng.

Đôi mắt bà rạng rỡ hẳn lên khi bắt gặp chúng tôi, kèm theo đó là những cử chỉ dỗi hờn: "Chi chi mà mấy chú đến muộn rứa. Đài báo bạo (bão) từ bựa tê rồi nả (bữa giờ rồi đó)".

Cả đoàn cười ồ. Tôi cầm lấy bàn tay nhăn nheo, sạm đầy tàn nhang mà miết mãi. Cái khoảnh khắc nhìn vào mắt bà, tôi biết những người như bà cần chúng tôi nhiều lắm. Làm sao tôi có thể để bà một mình đối chọi với bão mà chạy về những phương an toàn, đẹp đẽ đây?

Năm nay, mùa bão lại sắp về rồi. Bọn bạn chắc có lẽ đang rục rịch để đi đâu đó. Còn tôi chắc sẽ ở lại. 

Tôi sẽ ở lại vì sợ cái khoảnh khắc bà lão ngồi trước cửa hàng tạp hóa gần nhà văn hóa xã đôi mắt ngóng đợi chợt mờ đi, thất thểu ra về...

Đã có lúc bọn bạn hỏi tôi: "Sao tuổi trẻ của mày chán vậy? Mày cứ phí hoài tuổi trẻ của mày mất thôi". Tôi không trả lời, trong đầu chỉ nghĩ tuổi trẻ của tôi sẽ dùng để cống hiến một phần cho cuộc sống của con người, mảnh đất này trở nên tươi đẹp hơn.

Từ ngày 5 đến 8-6, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Ngọc Kiêm (Gò Vấp, TP.HCM); Nguyễn Văn Minh (Nha Trang); Phạm Nguyên Ngọ, Nguyễn Vĩnh Minh Khôi (An Giang); Ngô Hoài An, Nguyễn Thị Thủy Tiên, Phạm Minh Dũng (quận 9, TP.HCM); Lê Hiền Hòa (Bạc Liêu); Nguyễn Thị Thanh Thủy (Bà Rịa - Vũng Tàu); Vũ Văn Cách (Lâm Đồng); Phạm Ngọc Trỷ (Quảng Bình); Trần Mai Phương (Bến Tre); Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa); Lê Thị Trang; Thanh Vân (Trà Vinh); Nguyễn Hà Hải Yến (Đồng Tháp); Bùi Thị Hồng (Bình Phước); Vo Sach; Nhanh Đặng (Phú Yên); Lê Thị Kim Thoa (quận 5, TP.HCM); Nguyễn Văn Công, Dương Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thùy Hương (Đồng Nai); Nguyễn Hồng Nhung (quận 11, TP.HCM); Phạm Bá Nhiễu (quận 3, TP.HCM); Trần Khánh An, Thái Mỹ Phước (quận 6, TP.HCM); Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ); Đào Thị Hà, Đoàn Xuân Nhung (quận Tân Bình, TP.HCM); Thái Hoàng (quận Tân Phú, TP.HCM); Nguyễn Thị Kim Quy (quận Phú Nhuận, TP.HCM); Thu Giang, Phạm Đình Phong (Hà Nội).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Trân trọng.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Mắt trước bão - Ảnh 5.
NGUYỄN TUẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên