16/08/2016 09:37 GMT+7

​Khi vũ trụ chong đèn, thành phố cấm rượu bia?

HOÀNG LINH
HOÀNG LINH

TTO - Ở những nơi được coi là đáng sống thì không nên có các quy định hạn chế những quyền bình thường của công dân.

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục - Ảnh: tư liệu

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên đưa kế hoạch cấm rượu bia sau 22 giờ mỗi ngày ra công luận. Bước đầu, Đà Nẵng sẽ bố trí CSGT chốt chặn gần nơi ăn nhậu để kiểm tra mấy ông say xỉn điều khiển xe gây tai nạn. Nhiều người bày tỏ ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối. 

Thật ra, ý tưởng cấm đoán này không hề mới. Ngày 23-7-2014, bàn về dự thảo lần 2 dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, tổ biên tập của Bộ Y tế đề nghị ba phương án cấm bán rượu bia sau 22g.

Phương án 1 là cấm bán rượu, bia trong khoảng 22g hôm trước đến 6g hôm sau tại một số địa điểm nhất định và có lộ trình do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn khu phố Tây nơi khách du lịch đến nhiều thì cho phép bán sau 22g.

Phương án 2, thời gian và địa điểm cấm sẽ do chủ tịch UBND tỉnh, thành quy định. Một số địa phương như TP.HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa sẽ triển khai trước. Trên cơ sở đó, quy định sẽ được nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện.

Phương án 3, hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác, chưa định thời gian cấm bán trong dự thảo luật.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Trang (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết tổ biên tập có xu hướng ưu tiên phương án 1. Đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Theo bà Trang, tuyên truyền giáo dục, truyền thông là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Trong sáu tháng đến một năm đầu, cơ quan chức năng sẽ kết hợp vừa thanh tra vừa phổ biến, đôn đốc. “Khi đã tuyên truyền mà vẫn vi phạm thì xử phạt thật nghiêm” - bà Trang nhấn mạnh.

Trước lo ngại ảnh hưởng đến ngành du lịch, bà Trang cho rằng thực tiễn quốc tế chứng minh việc cấm bán rượu bia từ 22g đến 6g hôm sau không làm giảm lượng khách du lịch đến quốc gia đó. Thái Lan hay Singapore - những nước du lịch nổi tiếng - là ví dụ cụ thể.

Theo ban soạn thảo, lý do chọn quy định cấm sau 22g vì sau thời điểm đó cơ thể không dung nạp tốt rượu bia, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng sức khỏe.

Đại diện Bộ Y tế quyết tâm đanh thép đến vậy nhưng mấy năm trôi qua, đề xuất này vẫn nằm trong ngăn kéo.

Trong khi đó mới đây, chủ tịch Hà Nội đã có phát biểu theo hướng ngược lại. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, tổ chức ở Hội An ngày 9-8, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định về chủ trương gỡ bỏ quy định “giờ giới nghiêm” đối với các địa điểm vui chơi.

Lãnh đạo thành phố cho rằng vui chơi ban đêm được nhiều du khách đánh giá là “đặc sản” của thủ đô. Hà Nội đang rà soát, bàn bạc phương án để thực hiện.

Thông tin trên đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ dư luận, tuy nhiên một số ý kiến cũng lo ngại việc mở rộng thời gian kinh doanh có thể phát sinh hoạt động vui chơi, giải trí không lành mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, ở Việt Nam chưa có thành phố nào thông báo để các khu vui chơi hoạt động thâu đêm.

“Đây là chủ trương mà chúng tôi đã trông chờ từ lâu, kiến nghị nhiều lần trong các đề án nghiên cứu mà chưa được chấp thuận. Dù hơi muộn nhưng Hà Nội vẫn là nơi đi đầu cả nước về tư duy mới, phát triển du lịch”, ông Lương nói.

Thực tế một số địa phương đã quản lý linh động như TP. HCM với các khu phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện…

Chuyên gia nghiên cứu du lịch cho biết: “Các nước như Thái Lan, Singapore, Philippines… người ta không giới hạn thời gian khách du lịch chơi đêm. Bởi càng mở rộng thời gian, sẽ tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm thú vị về đêm. Du khách sẽ mở hầu bao chi tiêu nhiều hơn, tăng hiệu quả kinh doanh du lịch”.

Theo những người làm việc trong ngành du lịch, việc bãi bỏ quy định cấm vui chơi sau 0g sẽ kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách cũng như phát triển sản phẩm du lịch vui chơi giải trí. Điều này sẽ thu hút được thị trường khách du lịch trẻ tuổi, đa dạng hóa đối tượng khách du lịch đến với thủ đô.

Tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. 70% số vụ tai nạn giao thông tại nước ta có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong thời gian 18-24 giờ. Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình; trong đó có bạo lực tình dục.

Vì thế, việc hạn chế lạm dụng bia rượu là cần thiết. Tuy nhiên, hạn chế, ngăn cấm người say rượu bia, điều khiển phương tiện giao thông phải bằng biện pháp kiểm tra, kiểm soát chứ không thể từ đó mà cấm tất cả mọi người.

Bởi muốn cấm thì phải bắt đầu từ luật. Mà luật thì chưa cấm uống rượu bia sau 22g. Không ai có quyền ban ra sắc lệnh như vậy khi mà Hiến pháp không hạn chế hành vi này của công dân. Và cũng không cớ gì trong điều kiện bình thường, một thành phố đáng sống lại ra các quy định hạn chế những quyền bình thường của công dân.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả ở ô bình luận dưới bài viết.

HOÀNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên