14/08/2016 12:53 GMT+7

Cấm bia rượu sau 22g, nên không?

LÂM HOÀI - MAI HOA - ĐOÀN CƯỜNG
LÂM HOÀI - MAI HOA - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa đề nghị phòng CSGT tại 4 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng có kế hoạch kiểm soát người uống rượu bia lái xe sau 22g.

Khu phố Tây balô trên đường Bùi Viện (TP.HCM) sau 0g vẫn nhộn nhịp Ảnh: T.T.D.
Khu phố Tây balô trên đường Bùi Viện (TP.HCM) sau 0g vẫn nhộn nhịp - Ảnh: T.T.D.

Chỉ đạo này nằm trong kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp 71 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9.

Đà Nẵng là nơi đầu tiên đưa vấn đề này ra công luận và ngay tức thì người dân bày tỏ ý kiến. Tương quan lực lượng trong việc ủng hộ, phản đối chủ trương này là 5-5.

Ông Huỳnh Tấn Vinh (chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng):

Không ảnh hưởng tới du lịch

Tôi nghĩ việc cấm các nhà hàng, quán ăn uống bán rượu bia khi quá 22g dù ảnh hưởng đối với một số khách du lịch nhưng nếu Đà Nẵng đã hướng đến xây dựng TP an toàn hơn, văn minh hơn thì chẳng thà mình hi sinh nhu cầu một số nhỏ đó.

Hoạt động vui chơi cứ mở cửa hoạt động 24/24 giờ, còn không bán rượu bia cũng không bị ảnh hưởng gì.

Ở nhiều nước, một số TP lớn sau 22g người ta cũng không bán bia rượu. Nếu bán thì bị phạt. Việc đó cũng không ảnh hưởng đến du lịch của họ.

Trong khi nếu tiếp tục bán lại gây ra những hệ quả khác như tai nạn giao thông, an toàn trật tự xã hội, đánh nhau... Những hệ quả nặng nề này còn tác động đến du lịch rất lớn, vì thế thà không bán bia rượu vào giờ đó tốt hơn.

Chị Nguyễn Hương Giang (chủ cửa hàng hải sản ở Hà Nội):

Khách say rồi tôi không bán

Là người bán hàng ăn ở phố ẩm thực về đêm nhưng bản thân tôi không quá quan tâm nhiều về chủ trương này, cũng không ủng hộ hay phản đối.

Về đêm muộn, những thực khách tìm đến quán tôi thường là đã uống nơi khác, họ đến đây chỉ để ăn miến, cháo, phở, đồ hải sản chứ ít khi uống, mà họ có gọi đồ uống tôi cũng không bán.

Tôi luôn quán triệt cho nhân viên là không bán bia rượu cho khách say. Thực tế cũng có một số vụ gây gổ, mất an ninh trật tự ở phố này do say xỉn gây ra.

Quan trọng hơn là cái tâm mình không cho phép, lỡ họ say xỉn đi về dọc đường bị tai nạn hay gây tai nạn cho người khác thì mình sẽ rất hối hận. Dĩ nhiên khi từ chối bán tôi đã gặp không ít khách phản ứng, nhưng nghĩ cho thấu đáo là thà mất một ít khách còn hơn lương tâm không thoải mái.

* Anh Nguyễn Doãn Đạt (27 tuổi, nhân viên ngân hàng):

Hà Nội nên cấm, nhưng Sài Gòn... phải khác

Có lần tôi ra Hà Nội, ngồi nhậu với bạn đến khoảng 22g thì quán phải đóng cửa. Nói là đóng cửa nhưng thật ra đóng cửa lại nhậu... bên trong.

Lần khác tôi ra lúc 12g đêm, đi tìm quán uống bia nhưng không thấy. Như vậy không khí rất buồn, nhưng tôi nghĩ như vậy cũng đúng bởi Hà Nội là trung tâm chính trị, phải làm vậy để đảm bảo an ninh.

Nhưng còn TP.HCM là trung tâm kinh tế thì phải khác. Thử tưởng tượng ở Sài Gòn mà 22g các hàng quán đều phải đóng cửa, tắt đèn hết thì buồn lắm. Nếu TP quy hoạch 4-5 khu ăn nhậu riêng cũng hay. Nhưng Sài Gòn rộng quá, chỉ quy hoạch thành một vài khu ăn nhậu về đêm thì rất khó.

Nhìn vào mặt tích cực thì chuyện ăn nhậu về đêm đã tiêu thụ lượng bia rất lớn, rồi còn các mặt hàng thực phẩm, hải sản và nhiều thứ khác nữa. Tất cả tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhiều người, nhiều ngành.

Nếu nói ăn nhậu khuya gây ra tội phạm thì phải có điều tra cụ thể nguyên nhân của từng sự vụ, bởi nếu không nắm được bản chất thì dù cấm nhậu tội phạm vẫn diễn ra.

Anh Ngô Văn Hùng (chủ cửa hàng ăn uống ở Hà Nội):

Mất sinh kế của nhiều người

Tạ Hiện là phố ẩm thực buổi tối. Dọc phố này mỗi tối có hàng trăm tiệm ăn uống nhẹ như nem chua rán, nem cuốn, nộm, chân gà luộc, nướng, lạc luộc, khô mực nướng, khoai tây chiên...

Tuyến phố này tập trung hàng nghìn thực khách mỗi đêm, trong đó hầu hết là giới trẻ và khách nước ngoài. Đồ uống yêu thích của họ ngoài trà chanh, nước giải khát thì một lượng lớn là các loại bia hơi, bia chai. Đặc thù của nhóm khách này là chủ yếu sinh hoạt về đêm, từ 21-24g hằng ngày.

Nếu nói cấm bán rượu bia sau 22g sẽ “làm khó” những người kinh doanh ở phố Tạ Hiện (và tất cả những tuyến phố khác có dịch vụ ăn uống về đêm), ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của rất nhiều người.

Thực tế kinh doanh gần 5 năm ở đây, tôi nhận thấy dù rất đông đúc, tấp nập, có người uống bia rượu sau 22g nhưng ở đây cách uống là thưởng thức, nhấm nháp cho vui chứ hiếm khi có tình trạng nhậu nhẹt say xỉn hay ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Một chủ cửa hàng ăn ở Hà Nội: Rất vô lý

Nếu cấm bán bia rượu sau 22g thì khi khách yêu cầu mà mình không bán là họ sẽ phản ứng gay gắt ngay. Thực tế đã có nhiều khách phản ứng như vậy. Quy định này nếu thành thực tế chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của rất nhiều người dân.

Kiểm soát bia rượu đã có pháp luật quy định. Ai có nồng độ cồn trong người mà điều khiển xe đã có CSGT xử phạt, ai gây mất an ninh trật tự đã có công an, chính quyền can thiệp. Người kinh doanh vốn đã vất vả mưu sinh lại phải gánh thêm trách nhiệm này là không nên. Rất vô lý.

Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn là nếu cấm thì cấm như thế nào, bằng hình thức nào, ai giám sát? Cấm được chỗ này có cấm được chỗ khác không để đảm bảo công bằng. Rồi hình thức phát hiện, chế tài xử lý, xử phạt như thế nào... tôi thấy rất phức tạp.

Nếu người bán hàng không có ý thức thì cấm chỗ này sẽ mọc ra chỗ khác, còn thực khách khi đã ghiền nhậu thì cấm chỗ này người ta nhậu chỗ khác, cấm ở vỉa hè thì người ta nhậu ở trong hẻm, cấm ở quán bình dân thì nhậu ở chỗ kín đáo...

Như vậy quan trọng vẫn là ý thức của người sử dụng bia rượu và cách xử phạt của luật pháp, chứ áp dụng quy định này cũng không thể đạt được mục đích.

Bà Trần Thị Thanh Hương (TP.HCM):

Cấm tất cả cũng không hay

Khu nhà tôi có mấy quán ăn, quán bia mở về đêm, nhiều bữa cũng thấy rất phiền. Nhưng đó là sinh kế của người ta, với lại không phải lúc nào họ cũng gây gổ. Có những quán hầu hết là khách nước ngoài, phải trễ trễ cỡ 9-10g khuya họ mới tới.

Nếu cấm thì họ biết đi đâu, không khéo lại đến những tụ điểm tệ nạn xã hội khác thì tính sao? Vì vậy nếu đánh đồng tất cả, rồi cấm tất cả 100% các quán bia mở sau 22g thì chắc là không được ổn lắm, mặc dù tôi ủng hộ chuyện hạn chế ăn nhậu.

Theo tôi, chuyện ồn ào, mất trật tự, tệ nạn về đêm đâu chỉ riêng chuyện ăn nhậu mà ra. Ở những quán gội đầu, cà phê đèn mờ, karaoke ôm mở cửa thâu đêm... còn phức tạp hơn, nên nếu chỉ cấm có ăn nhậu không thì cũng nửa vời.

TS Hà Thị Thanh Bình (ĐH Luật TP.HCM):

Lợi ích công phải được đề cao

Thật ra nếu xét về nghĩa rộng, việc cấm kinh doanh bia rượu sau 22g sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh.

Quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng về nguyên tắc, tự do cũng phải trong khuôn khổ pháp luật và pháp luật vẫn có thể hạn chế quyền đó vì lợi ích công cộng.

Nhà quản lý một khi đưa ra được lý do để giải thích cho mục đích công của mình mới có thể đưa ra những quy định như vậy.

Các nước trên thế giới cũng quy định về giờ mở - đóng cửa đối với các cửa hàng. Mỗi nước có những quy định khác nhau nhưng về cơ bản, người ta sẽ yêu cầu chủ kinh doanh tự đăng ký giờ mở - đóng cửa.

Nghĩa là pháp luật vẫn được quyền can thiệp. Ở đây, nguyên tắc lợi ích công cộng phải được đề cao.

Đại tá Lê Ngọc (trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng):

Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đề xuất còn tùy vào thực tế

Đà Nẵng hiện vẫn chưa có phương án gì mà vẫn ở dạng ý tưởng tham khảo, tùy tình hình thực tế mới bàn bạc, đề xuất thực hiện như thế nào cho hợp lý. Ví dụ, có thể nghiên cứu đề xuất sau 24g thì hợp lý hơn chẳng hạn.

Tới đây, CSGT Đà Nẵng sẽ mở đợt tuyên truyền rộng rãi ở các nhà hàng, quán rượu quy định xử phạt mới về vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Ngày 16-8, CSGT triển khai ra quân đo nồng độ cồn tại các chốt giao thông quan trọng ở Đà Nẵng.

LÂM HOÀI - MAI HOA - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên