11/01/2019 08:38 GMT+7

Khi người Mông ăn Tết Nguyên đán

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Thông tin người Mông ở 4 xã tại Sơn La và Hòa Bình chuyển sang ăn Tết Nguyên đán từ Tết Kỷ Hợi 2019 khiến nhiều nhà nghiên cứu nuối tiếc.

Khi người Mông ăn Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Từ năm 2016, các bạn trẻ người Mông tại Hà Nội mỗi năm vẫn tổ chức sự kiện “Tết Mông xuống phố” nhằm quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của người Mông. Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 13-1 tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội - Ảnh: KHANG A TỦA

Còn với người Mông, một số cũng muốn người Mông ăn tết cùng lịch với Tết Nguyên đán bởi hoàn cảnh, đời sống xã hội đã rất khác, không còn phù hợp để thực hành đầy đủ Tết Mông như truyền thống.

Một số khác có chút tiếc nuối và chỉ mong sao sự đổi thay này xuất phát từ chính nguyện vọng của người dân, chứ không phải từ một mệnh lệnh hành chính, không tạo ra sự đổ vỡ trong văn hóa của họ.

Hơn 90% dân ủng hộ ăn Tết Nguyên đán?

Mới đây, một văn bản của UBND xã Pà Cò với nội dung thông báo kết quả hội nghị tiếp giáp 4 xã Lóng Luông, Vân Hồ của H.Vân Hồ (Sơn La) và các xã Pà Cò, Hang Kia của H.Mai Châu (Hòa Bình) đã được ban hành. Theo đó, bốn xã này sẽ không ăn Tết Mông truyền thống mà ăn Tết Nguyên đán cùng cả nước, bắt đầu từ Tết Kỷ Hợi 2019.

Ông Sùng A Màng - chủ tịch UBND xã Pà Cò - giải thích trước đây người Mông ăn tết vào tháng 11 hoặc 12 âm lịch, tùy vào tình hình mùa màng từng năm để kịp phát nương rẫy, trồng lúa, thu hoạch cây thuốc phiện và bắt vợ để cưới sau tết.

Nhưng giờ đây nam nữ cưới nhau quanh năm, người dân không trồng cây thuốc phiện nữa và các gia đình có người đi xa học hành làm ăn lại được nghỉ theo lịch Tết Nguyên đán.

Chủ tịch UBND xã Pà Cò khẳng định bỏ Tết Mông, ăn Tết Nguyên đán không làm mất bản sắc văn hóa bởi "nội dung, phong tục, tập quán trong Tết cổ truyền người Mông vẫn giữ nguyên, không bỏ chi tiết nào.

Chỉ thời gian ăn tết có sự thay đổi để thuận lợi cho các cháu học hành về nghỉ tết". Ông cho biết tỉ lệ người dân ủng hộ chuyển sang ăn Tết Nguyên đán là trên 90%.

Bà Hà Thị Hòa - trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin H.Mai Châu - cho biết chuyện "bỏ" Tết người Mông không phải là chủ trương từ cấp huyện, tỉnh, mà do các xã tự liên kết với nhau tổ chức hội nghị quy ước.

Và hội nghị này đưa ra nhiều quy ước, trong đó có việc chuyển từ ăn Tết của người Mông sang ăn Tết Nguyên đán.

Khi người Mông ăn Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Hoa mận trắng mùa xuân của người Mông - Ảnh: Cao Kỳ Nhân

Hãy để chính người dân chọn lựa

Vừa trở về xã Pà Cò ăn Tết cổ truyền của người Mông bên gia đình và đang chuẩn bị tham gia sự kiện Tết Mông xuống phố vào cuối tuần này ở Hà Nội, một bạn trẻ người Mông chia sẻ: "Tết Mông theo lịch nông nghiệp chỉ hợp với những bản thuần nông, chứ không còn phù hợp với đời sống ở khu của tôi.

Dân quê tôi muốn chuyển sang ăn Tết Nguyên đán là để khi ăn tết có thể tụ họp đông đủ thành viên trong gia đình. Bởi các bạn trẻ Mông hiện nay ra thành phố học tập và làm việc nhiều, họ nghỉ tết theo lịch tết của người Kinh, nếu dân vẫn ăn Tết Mông truyền thống thì những người trẻ này cũng không thể về nhà sum họp dịp tết. Lý do chỉ thế thôi".

Cô khẳng định: "Nếu dân không thông qua thì không có một cán bộ nào dám ép".

Trong khi đó, G.A.P. - sinh viên người Mông ở xã Lóng Luông đang theo học tại Hà Nội - cũng vừa có vài ngày ăn Tết Mông cùng gia đình. Một số hộ dân ở Lóng Luông vẫn ăn Tết cổ truyền dù đã mang một tinh thần khác, nghi lễ và lễ hội đã giản tiện đi nhiều.

Tỏ ra thông cảm với việc một số người Mông muốn chuyển qua ăn Tết Nguyên đán, một bạn trẻ người Mông giấu tên cho biết người Mông ở quê bạn (Yên Bái) cũng đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán từ 6-7 năm nay.

"Văn hóa sẽ luôn tiếp biến, luôn thay đổi bởi con người - chủ thể của văn hóa - có khả năng học, thích ứng và thay đổi sao cho phù hợp với thời cuộc. Nhưng để tránh những đổ vỡ trong quá trình chuyển đổi thì mọi quyết định nên được chính người dân chọn lựa" - bạn trẻ nói.

Khi người Mông ăn Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Tết cổ truyền của người Mông thì trùng với mùa hoa mận - Ảnh: Cao Kỳ Nhân

Đa dạng văn hóa quan trọng như đa dạng sinh học

Thông tin bốn xã người Mông chuyển qua ăn Tết Nguyên đán từ năm nay đã khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khá bức xúc.

TS Mai Thanh Sơn - chuyên gia về người Mông tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN - nói đây là một văn bản vi phạm các Công ước quốc tế về quyền văn hóa, về đa dạng văn hóa và về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã được Quốc hội VN phê chuẩn. Đồng thời, nó cũng vi phạm Luật di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua năm 2001 và sửa đổi năm 2009, bởi chiếu theo Luật di sản văn hóa thì Tết cổ truyền của người Mông rõ ràng là di sản văn hóa phi vật thể, là đối tượng phải được bảo vệ.

Ông Sơn cũng chỉ ra rằng văn bản thông báo này của UBND xã Pà Cò không đúng về quản lý nhà nước. Ông nói trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở là phải lo bảo tồn di sản, vận động người dân bảo tồn di sản, tạo điều kiện cho người dân bảo tồn di sản, chứ không phải là họp dân để lấy ý kiến dân có đồng ý bỏ tết cổ truyền của họ hay không.

Khi người Mông ăn Tết Nguyên đán - Ảnh 4.

Bé gái Mông trên lối nhỏ mùa xuân - Ảnh: CAO KỲ NHÂN

Trong trường hợp người dân có thật sự không muốn ăn tết cổ truyền của họ thì việc của chính quyền cơ sở là phải báo cáo lên cấp trên để giải quyết. "Trách nhiệm trước tiên của họ là phải bảo tồn văn hóa đã, chứ không phải là ra cái văn bản "giết" văn hóa này" - người được đồng nghiệp gọi thân mật bằng cái tên Sơn "Mông" nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN - chia sẻ về mặt quản lý văn hóa thì "ở trên không ép ở dưới", các cấp quản lý không được ép dân ăn tết nào và bỏ tết nào. Nếu người Mông ở 4 xã trên muốn bỏ tết truyền thống thì cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tôn trọng quyền của người dân.

Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn cũng lưu ý những lựa chọn của người dân nên được thực hiện khi người dân có sự hiểu biết, được thông tin đầy đủ rằng quyết định của mình giúp ích hay có hại với việc bảo tồn.

Còn nếu như cộng đồng mù mịt thông tin, ý kiến cộng đồng không được đưa ra dựa trên sự hiểu biết thì ý kiến đó cũng cần được cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại. Theo viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, sự đa dạng văn hóa cũng quan trọng như đa dạng sinh học.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đi kiểm tra

Liên quan đến chuyện 4 xã người Mông chuyển sang ăn Tết Nguyên đán, ông Vũ Việt Dũng - cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - hôm 9-1 cho biết quan điểm của bộ là cơ quan nhà nước không nên can thiệp vào lựa chọn văn hóa của người dân.

Nếu người Mông muốn chuyển sang ăn Tết Nguyên đán thì cán bộ cần tôn trọng lựa chọn của dân. Nhưng nếu có dư luận rằng người dân các xã trên đã không được hỏi ý kiến trước khi cán bộ địa phương ban hành văn bản trên thì cục sẽ sớm tổ chức đoàn kiểm tra.

Mùa hoa mận trắng của người Mông bản Phiêng Cành Mùa hoa mận trắng của người Mông bản Phiêng Cành

TTO - Những ai từng đi Mộc Châu dịp xuân về dường như không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mùa hoa mận trắng, và luôn nhớ về không khí đón Tết truyền thống của người Mông.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên