16/09/2017 11:00 GMT+7

Khi người dân không coi thường bão dữ!

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ

TTO - Cơn bão số 10 năm nay đã gây những thiệt hại không nhỏ với đồng bào miền Trung. Nhưng cái quan trọng hơn là không có những cái chết oan ức như những năm trước, bởi cái cốt yếu vẫn là ý thức mỗi người dân.

Khi người dân không coi thường bão dữ! - Ảnh 1.

Khi cơn bão số 10 đổ bộ vào miền Trung, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã liên tiếp có những cảnh báo nguy hiểm. 

Tiếp đó, Thủ tướng đã có công điện khẩn thực thi các biện pháp ứng phó với bão số 10 gửi các địa phương bị ảnh hưởng của bão. Và đích thân Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại miền Trung để kiểm tra công tác ứng phó trước khi bão vào.

Các địa phương của miền Trung cũng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp như "cấm biển", di dời hàng ngàn dân ở các vùng xung yếu, giúp dân chèn chống nhà cửa... Ngành giáo dục của các tỉnh miền Trung cũng nhanh chóng cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. 

Tất cả vì tính mạng của người dân.

Có mặt ở nơi cơn bão đi qua là huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ông chủ tịch huyện nói rằng trước ngày 15-9 tức trước ngày bão vào, cuộc họp trực tuyến các cơ quan cấp trên đã có những chỉ đạo ráo riết về phòng chống bão. 

Huyện đã yêu cầu tất cả các xã, các ban ngành của huyện phải trực 24/24 giờ, dừng tất cả các cuộc họp, các hoạt động không quan trọng để tập trung sẵn sàng xử lý các tình huống trước và sau khi bão đổ bộ...

Tất nhiên, đó chỉ là những chỉ đạo về mặt hành chính nếu như người dân vùng tâm bão đi qua không ý thức được việc phải tự bảo vệ mình. Nói điều này bởi đã không ít lần có những cái chết thương tâm vì cú "hồi mã thương" của bão. 

Mấy năm trước ở Đà Nẵng, khi bão quét qua, trời quang mây tạnh, người dân tưởng đã an toàn nên leo lên mái tôn để kiểm tra nhà cửa. Và khi họ đang cheo leo trên mái nhà thì những cơn gió dữ từ hoàn lưu bão quăng quật họ xuống đất. Có trường hợp bị tôn cắt cổ tử vong.

Còn nhớ cách đây 4 năm, cũng là cơn bão số 10 mang tên Wutip đổ bộ vào miền Trung khiến 12 người thiệt mạng, 2 người mất tích, 225 người bị thương, hơn 193.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, 500 căn nhà sập… 

Cơn bão số 10 năm nay đã gây những thiệt hại không nhỏ với đồng bào miền Trung. Nhưng cái quan trọng hơn là không có những cái chết oan ức như những năm trước.

Tất nhiên, cái cốt yếu vẫn là ý thức mỗi người dân chứ không từ những chỉ đạo hành chính. Khi cơn bão đi qua, chúng tôi gặp ông Lê Văn Trang ở Bố Trạch (Quảng Bình) khi ông đang đứng trước ngôi nhà bị bão giật sập ngói hiên phía trước. 

Ông dặn có chụp hình thì đứng ở ngoài sân, đừng vào gần nguy hiểm. Ông Trang chia sẻ rằng nghe bão to nên ông đi lên mấy cơ quan nhà nước để lánh. Về thấy nhà tốc vậy nhưng chưa dám vào vì không biết nó có còn chắc chắn hay không. 

"Gió bão đâu có giỡn chơi được, lỡ ra đường tôn bay, cây gãy biết đường nào mà tránh chú nờ" - ông Trang chia sẻ.

Bão với người miền Trung đã quen như cơm bữa. Nhiều người ở đây vẫn đùa cay đắng: Dân miền Trung nghèo về vật chất nhưng "giàu" về sự chịu đựng, nhất là thiên tai. 

Nhà có thể tốc mái, vườn sắn ngập úng, đàn gà có thể tan tác… nhưng còn người là còn tất cả. Và người miền Trung vẫn lạc quan rằng: "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên