14/10/2023 09:24 GMT+7

Khi mùa gió bấc về

Hằng năm, cứ vào độ cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch, khi lúa mùa ngoài đồng bắt đầu trĩu hạt oằn bông, bông lúa cong trái me thì mùa gió bấc lại về.

Khi mùa gió bấc về cũng là lúc lúa ngoài đồng oằn bông - Ảnh T.T.D.

Khi mùa gió bấc về cũng là lúc lúa ngoài đồng oằn bông - Ảnh T.T.D.

Ban đầu gió chỉ se se lạnh, càng về cuối tháng, nhất là gần tết âm lịch, trời càng trở rét lạnh. Ký ức tuổi thơ tôi không thể quên, mùa gió bấc là mùa đã gợi cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu, trẻ dại.

Hồi đó, ngày bấc, ba tôi ra ruộng để thăm cái sa hứng cá xem nửa đêm có con cá lóc, cá trê nào bị gió bấc thổi làm lạnh mà chạy trú, vướng phải nằm phơi bụng trên cái vạt sa, xong ba đi thăm thêm mấy cái bù lu trút cá con và tép. Cá thì con nào con nấy còn tươi roi rói, tép thì búng nhảy tanh tách.

Má tôi lui cui trút cái lu đựng cá ra thúng để quẩy đến chợ cho kịp bán vào lúc sớm khi mặt trời chưa mọc lên, lúc đó thì anh em tôi cọ quậy không tài nào ngủ được mà nằm cuộn tròn trong cái mền vá víu đủ chỗ, cái lạnh như cắt xé thịt da.

Anh em tôi ôm cứng nhau cũng không ấm được, tất cả đều thức giấc lồm cồm ngồi dậy trên cái ván gỗ, nhanh chân nhảy xuống đất, chạy ùa ra cái đống un ba tôi đốt sẵn để hơ cho đỡ lạnh.

Anh em tôi đứa thì đưa hai bàn tay hơ trên lửa rồi xoa xoa vào nhau, úp hai tay lên hai gò má cho ấm, đứa thì đốt con cúi rồi chu mỏ thổi phù phù cho bắt lửa, hay để bắt lửa cháy nhanh thì nắm đuôi con cúi bó từ rơm nhau quay quay trên không trung vài vòng là lửa bùng cháy liền. Lúc đó mặc sức mà hơ cho ấm.

Đống un là một đống bùi nhùi gom lại gồm rơm nhau, gốc rạ, lúa lép, chẽn lúa gãy được mẹ tôi quét ra từ đống lúa chín sớm mới đập, đem về phơi trên nền sân gạch.

Đống un to như cái gò mối thường để ở một góc sân, khi đống un được đốt lên khói phảng phất mùi thơm mùa lúa mới.

Ở quê tôi, nhà nào hình như cũng có đống un, nó có công dụng sưởi ấm vào sáng sớm trước khi người lớn đi ra ruộng làm, trẻ con đi chăn trâu hay đi học.

Khi mùa gió bấc về, bọn trẻ trong xóm chúng tôi lo sợ việc tắm rửa với nước trong lu như một cực hình vì nước lạnh như nước đá.

Chúng tôi chỉ thích rủ nhau đi tắm suối, tắm đìa vào buổi trưa vì được tung tăng bơi lội thỏa thích, vừa được lượm mấy trái trâm bầu hay trái cà na chín trôi theo dòng nước mà bỏ vào miệng ăn một cách ngon lành.

Mùa gió bấc làm chúng tôi không thể quên. Cái lạnh của mùa gió bấc có cảm giác như thấu tận xương tủy, môi ai cũng thâm tím, nứt nẻ, miệng ai mà thở mạnh một chút là ra "khói".

Ngày nay, ở nông thôn ruộng nương dần chuyển đổi cơ chế cây trồng, không còn cảnh nông dân thu hoạch lúa mang về nhà phơi khô rồi đem quạt, kiểu lúa cho sạch đem đổ vào bồ cất giữ, còn rác thì gom lại thành đống để đốt, để hơ cho ấm khi gió bấc về.

Mùa lúa bây giờ thu hoạch gần như quanh năm, gặt lúa bằng máy gặt liên hợp cho nhanh.

Tôi chợt thầm nghĩ: Giá mà bây giờ cái đống un mùa gió bấc vẫn còn để mọi người có dịp được sum hợp, sưởi ấm, quây quần bên nhau, chuyện trò vui vẻ trong khung cảnh đất nước thanh bình, ngập tràn tình thương yêu chân tình, bình dị, chơn chất của bà con xóm giềng.

Trung thu và một niềm vui có thể sắp biến mấtTrung thu và một niềm vui có thể sắp biến mất

Mùa trung thu, những lồng đèn thủ công vẫn còn đó, nhưng nép bóng lặng lẽ ở góc nhỏ, phía sau những chiếc lồng đèn phát nhạc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên