22/12/2016 11:27 GMT+7

Khi cha và con là đồng chí

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Có nhiều gia đình 2-3 thế hệ cùng trong quân ngũ. Không ít trường hợp cả hai cha con đều là đồng chí, có người cùng trong một đơn vị.

*** Error ***
Thượng úy Lương Nguyễn Hữu Phước (trái) trong một buổi ôn luyện trước khi bay - Ảnh: MY LĂNG

Ở Trung đoàn 925 - căn cứ của máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa Su-27, thượng úy Lương Nguyễn Hữu Phước là một trong hai gương mặt phi công trẻ nhất trung đoàn.

26 tuổi, Lương Nguyễn Hữu Phước đã có hơn 230 giờ bay tích lũy. Trước khi về Trung đoàn 925 học lái Su-27, Phước có hai năm học lái máy bay cường kích Su-22 ở Trung đoàn 927.

Phước bảo khi trở về Trung đoàn 925, anh như trở về nhà, bởi đó là đơn vị trước đây cha anh - đại tá Lương Đình Hợi - đã có hàng chục năm gắn bó. Trước khi trở thành phó tham mưu trưởng Sư đoàn không quân 372, đại tá Lương Đình Hợi từng là phi công giáo viên dạy lái máy bay Mig-21, sau lái chiến đấu cơ Su-27, là phó trung đoàn trưởng quân huấn Trung đoàn 925.

Với 30 năm gắn bó, đại tá Đình Hợi là một trong những người bay Mig-21 nhiều nhất Việt Nam và là một trong những người thầy giỏi của nhiều phi công.

Hai cha con phi công

Khi cậu con trai Lương Nguyễn Hữu Phước còn nhỏ, ông hay dẫn con vào sân bay. Đại tá Lương Đình Hợi không thể ngờ những lần theo cha vào đơn vị đã nuôi dưỡng ước mơ bay lên trời xanh trong cậu con trai tự lúc nào, sau này là “đồng chí” của cha, ngay trong đơn vị ông từng gắn bó.

“Nhà mình ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) nên hồi bé hay theo cha lên đây, nhất là những dịp hè. Cứ ăn rồi theo cha ra tuyến bay với các chú, các bác. Cả nhà ăn tết trong đơn vị. Mình rất thích nghe tiếng động cơ tăng lực của Mig-21.

Tiếng nó gầm lớn hơn Su-27, rền hơn, đanh thép hơn. Mình chỉ thích trở thành phi công lái máy bay chiến đấu như cha”, thượng úy Lương Nguyễn Hữu Phước kể.

Tiền thân của Trung đoàn 925 là đơn vị huấn luyện chuyển loại, chuyên đào tạo phi công quân sự lái máy bay Mig-21. Các giáo viên ở đây đều là giáo viên bay Mig-21 nên trình độ bay rất tốt, dày dạn kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Mig-21 và Su-27 là hai thế hệ máy bay rất khác nhau. Thượng úy Lương Nguyễn Hữu Phước nói: “Ba dù là giáo viên giỏi về Mig-21 nhưng cũng không thể chỉ cho mình nhiều vì mỗi loại máy bay đều phải có thầy riêng.

Ông chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm chứ yếu lĩnh động tác, kỹ thuật bay thì mỗi loại khác nhau. Các cuộc nói chuyện của hai cha con thường là về máy bay. Hai cha con hay cùng nhau xem những clip của các phi công trên thế giới bay biểu diễn, cùng thảo luận trò chuyện về động tác kỹ thuật của phi công trong bài bay đó”.

Lương Nguyễn Hữu Phước đang được đào tạo chuyển loại bay ngày trên máy bay tiêm kích Su-27. Phước cho biết đây là máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ tư có hai động cơ, khó hơn những máy bay anh đã từng học.

“Phi công phải thường xuyên rèn luyện, chịu khó nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ. Cái nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, an toàn tuyệt đối. Vì lái xe hỏng hóc còn dừng lại sửa được chứ máy bay bay trên trời thì không thể.

Cho nên đòi hỏi phải có sự tự giác, quyết tâm và đam mê, rèn luyện con người mình. Tôi luôn nhớ lời của cha dặn: cẩn thận, tỉ mỉ, không manh động, tuyệt đối trung thành với những gì được truyền thụ. Càng gắn bó với máy bay, tôi càng thấm thía lời dạy đó”, Hữu Phước nói.

Hữu Phước cho biết khi anh về Trung đoàn 925 thì ba đã chuyển lên sư đoàn công tác, ở tận Đà Nẵng, cách đơn vị khoảng 300km. Đến giờ, ông vẫn ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Nhiều khi ba trực ba tuần mới về nhà thì lại đúng lúc con đang trực ở đơn vị. Bữa cơm gia đình vì thế rất ít khi đầy đủ thành viên.

Chàng phi công 9X nhưng phong thái rất chững chạc chia sẻ: “Ngày xưa tôi cứ ước bữa cơm có đầy đủ ba mẹ và có lúc còn giận ba. Vì ba thường xuyên không ở nhà, trực suốt trong đơn vị. Giờ tôi mới hiểu được đặc thù công việc, thấy thương ba hơn vì ngày xưa vất vả hơn bây giờ nhiều”.

“Bên nội bên ngoại các bác đều là bộ đội, tham gia chiến dịch Trường Sơn. Trong nhà, mình là thế hệ thứ ba theo quân ngũ. Được cất cánh lên bầu trời sướng lắm, càng học lại càng thích" - Lương Nguyễn Hữu Phước tâm sự.

Hai cha con thuyền trưởng Ngô Mạnh Hùng và thiếu úy Ngô Minh Hiếu - Ảnh: MY LĂNG

3 đời là lính hải quân

Với thiếu úy Ngô Minh Hiếu, 22 tuổi, thủy thủ boong tàu Trường Sa 01 (Lữ đoàn 125 hải quân), câu chuyện đến với quân ngũ từ định hướng của người cha - thượng tá Ngô Mạnh Hùng. Thượng tá Ngô Mạnh Hùng hiện là thuyền trưởng tàu đổ bộ 501 (Lữ đoàn 125, Vùng 2 hải quân).

Vị thuyền trưởng này đã từng ra Trường Sa ngay sau sự kiện hải chiến 14-3-1988, đi cắm cột mốc chủ quyền ở đảo Đá Lớn. Hơn 30 năm trong quân ngũ, đã từng kinh qua những trận bão biển kinh hoàng, những cơn dông “chưa bao giờ nhìn thấy trong đời” đến nỗi bật cả dây neo, nghiêng tàu.

Đến nay, thượng tá Ngô Mạnh Hùng là một trong những thuyền trưởng có nhiều huân chương chiến công nhất của Lữ đoàn 125 và có lẽ là cả Quân chủng hải quân, là một trong những thuyền trưởng gắn bó lâu nhất với tàu đổ bộ và là thuyền trưởng nhiều thâm niên nhất Lữ đoàn 125.

Con trai ông, thiếu úy Ngô Minh Hiếu, cho biết vừa trở về sau chuyến đi ra đảo thu quân. Trong chuyến đi này, Hiếu đã đến đảo Đá Lớn là đảo ngày xưa cha anh từng trấn giữ sau sự kiện 14-3-1988.

Đây là chuyến đi biển đầu tiên của Hiếu sau khi tốt nghiệp (tháng 7-2016). Anh chàng hải quân mới toanh đã được “thử sóng” trong chuyến đi kéo dài 19 ngày ấy.

“Ra thực tế mới biết sóng lớn như thế nào, mới biết say sóng như thế nào. Say đến nỗi không dám ăn, uống nước cũng ói. Cả 3 ngày 3 đêm hành trình ra đảo tôi say chỉ nằm một chỗ không dậy nổi. Có ra biển, có gặp sóng mới thấy ba và các chú vất vả như thế nào”, Ngô Minh Hiếu chiêm nghiệm.

Anh chàng bảo khi kể với ba, ông chỉ nói: “Con cứ đi nhiều rồi sẽ quen! Say sóng nhiều sẽ hết sợ! Ba và các chú, các anh cũng vậy thôi...”.

Giữ truyền thống dòng họ, gia đình

Thượng tá Ngô Mạnh Hùng - cha thiếu úy Ngô Minh Hiếu - chia sẻ ông biết lính hải quân sẽ rất vất vả nhưng muốn con trai cũng theo nghiệp mình. Khi Hiếu đậu ĐH Thủy lợi và Cao đẳng Công thương, ông khuyên con nên nhập ngũ, đi học Trung cấp Hải quân.

“Chỉ vì lý do rất đơn giản: dòng họ nhà mình nên giữ truyền thống. Ba của tôi cũng là hải quân. Ông đi bộ đội từ thời chống Pháp rồi chống Mỹ. Ông công tác ở Bộ tham mưu Hải quân, nghỉ hưu với hàm trung tá. Lữ đoàn 125 trước giờ chỉ có 2 đời hải quân. Đến gia đình mình thì chắc là trường hợp đầu tiên có 3 thế hệ là lính hải quân” - thượng tá Hùng nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên