10/07/2018 09:17 GMT+7

Khách ngày càng giảm, tàu lửa lại càng tăng giá vé

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - 5 tháng đầu năm nay, lượng khách đi tàu lửa đạt 3,5 triệu khách, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa đều tăng trưởng.

Khách ngày càng giảm, tàu lửa lại càng tăng giá vé - Ảnh 1.

Tàu lửa tăng giá vé khiến hành khách phải cân nhắc khi chọn đi lại bằng phương tiện này - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách đi tàu sụt giảm là do giá vé cao.

Hành khách cân nhắc

Chị N.T.M., ngụ Q.7 (TP.HCM), cho biết giá vé tàu lửa năm nay tăng so với những năm trước dù chất lượng phục vụ vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Cụ thể, tàu SE4 vào ngày 4-7-2017, giá vé tuyến Sài Gòn - Tuy Hòa (Phú Yên) loại giường nằm, khoang 6 điều hòa tầng 2 có giá khoảng 623.000 đồng/vé, nhưng cùng ngày năm nay tăng lên 682.000 đồng.

Giá vé cao nhất của tàu SE2 loại giường nằm tuyến trên trong những ngày đầu tháng 7 này ở mức 939.000 đồng/vé.

Ở chiều ngược lại, giá vé tàu từ Tuy Hòa đi Sài Gòn từ đầu tháng 5 đến nay cũng tăng từ gần 600.000 đồng lên 775.000 đồng/vé với loại giường nằm tầng 2, khoang 4.

"Trong khi đó, tôi đặt vé ôtô giường nằm cũng chỉ khoảng 200.000 đồng, còn đặt vé máy bay cho một chiều đi trước khoảng 10 ngày giá cũng từ 500.000 đồng/vé.

Tàu lửa tăng giá vé khiến tôi phải cân nhắc lựa chọn loại phương tiện cho mỗi lần về quê, chứ không còn ưu tiên đi tàu như trước nữa" - chị M. nói.

Các tuyến tàu từ Sài Gòn đi Tháp Chàm (Ninh Thuận) cũng ở mức 290.000 đồng đến 309.000 đồng/vé ngồi mềm điều hòa, trong khi các năm trước chỉ hơn 200.000 đồng/vé.

Đối với các loại tàu chất lượng như SNT2, SE2..., giá vé loại ghế mềm điều hòa khá cao, từ 362.000 đồng đến 400.000 đồng/vé. Với loại giường nằm 652.000-744.000 đồng/vé.

Ngoài lý do giá vé tăng, việc các đoàn tàu đi và đến chậm giờ cũng ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt VN trong 16 ngày đầu tháng 6-2018, tỉ lệ tàu khách Thống Nhất xuất phát đúng giờ chỉ đạt 85,6% (113/132 đoàn tàu), nhưng có tới 64/132 đoàn tàu chậm giờ (chiếm 48,5%). Riêng các đoàn tàu khu đoạn, có tới 144/288 đoàn chậm giờ.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, các đoàn tàu chậm giờ là do quá trình chạy tàu theo biểu đồ mới từ 15-5-2018 xuất hiện một số "chuệch choạc". Cụ thể như việc chờ tàu về chậm, công tác chuẩn bị không kịp, sự cố hỏng hóc nhiều...

Chi phí đẩy giá vé

Trả lời Tuổi Trẻ về việc giá vé tàu lửa tăng cao, đại diện cả hai công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn và Hà Nội (phụ trách vận tải đường sắt) đều cho rằng giá vé đã được ban hành từ đầu năm 2018 chứ không phải bây giờ mới tăng.

Hai doanh nghiệp này phải tăng giá vé để bù đắp chiều chạy rỗng và các chi phí nhiên liệu, trả lãi, vốn vay ngân hàng đối với các dự án đóng mới phương tiện.

Đại diện hai công ty trên cho rằng việc tăng giá vé tàu đã được nghiên cứu và tính toán để thị trường có thể chấp nhận được. Cụ thể, giá vé được xây dựng linh hoạt, đa dạng theo ngày lễ, mùa hè, đầu tuần, cuối tuần, giờ xuất phát đẹp và có tăng, có giảm theo từng cung chặng.

Đại diện Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn còn nhấn mạnh một trong những yếu tố buộc doanh nghiệp phải tăng giá vé là do giá nhiên liệu liên tục tăng. Đến nay, giá nhiên liệu đã tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo một cán bộ ngành đường sắt, hiện nay trong cơ cấu giá thành, mức phí mà doanh nghiệp vận tải đường sắt phải trả cho Nhà nước và công ty mẹ là Tổng công ty Đường sắt VN chiếm tỉ lệ khá cao. 

Do đó, với phần doanh thu ít ỏi còn lại, các doanh nghiệp vận tải khó có thể giảm sâu giá vé.

Theo tính toán của cán bộ trên, năm nay dự kiến doanh thu của Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn phải tăng trưởng hơn 8% so với năm trước mới có thể cân đối được tài chính.

Như vậy, với áp lực tăng doanh thu buộc doanh nghiệp vận tải đường sắt phải điều chỉnh tăng giá vé khiến cho tàu lửa ngày càng giảm tính cạnh tranh so với các loại hình vận tải khác.

Giảm 10% giá vé một số đoàn tàu

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn vừa cho biết đã giảm 10% giá vé tất cả loại chỗ đối với tàu SPT4 và SPT3, từ ngày 7-7 đến hết ngày 12-8.

Công ty cũng giảm 10% giá vé loại ghế ngồi đối với nhiều đôi tàu như SE21/SE22; NH1/NH2; SE26; SQN2; SNT2, 4, 6; SE25; SQN1...

Còn từ nay đến ngày 12-8, đối với khách mua vé tập thể từ 20-50 người sẽ được giảm 3% giá vé, từ 51-100 người được giảm 5% giá vé, từ 101 người trở lên giảm 7% giá vé.

Công ty cũng giảm 10% giá vé đối với học sinh đi thi tốt nghiệp THPT; đi thi và nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và thân nhân đi cùng từ nay cho đến ngày 31-12.

Nhà nước vẫn độc quyền, đường sắt sẽ tự rơi vào khủng hoảng Nhà nước vẫn độc quyền, đường sắt sẽ tự rơi vào khủng hoảng

TTO - Nếu năm 2010 có 11,2 triệu khách đi tàu hỏa thì đến năm 2017 con số này chỉ còn 9,5 triệu lượt. Đường sắt vẫn là độc quyền nhà nước nên không có cạnh tranh và rất có thể sẽ tự rơi vào khủng hoảng.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên