Máy bay chở khách thải gần 1 tỉ tấn CO2 mỗi năm
Thế giới có 25.000 máy bay thương mại, mỗi năm chở khoảng 4 tỉ hành khách, đốt cháy gần 100 tỉ gallon dầu máy bay phản lực và thải ra gần 1 tỉ tấn carbon dioxide, theo Hãng tin Bloomberg.
Trải qua 7 thập niên mở rộng gần như không bị kiểm soát, ngành hàng không ít phải quan tâm đến khí thải. Nhưng giờ đây, khi đồng hồ môi trường đã điểm, ngành hàng không bắt đầu tính đến việc "cai" nhiên liệu hóa thạch.
Và lúc này, các nhà lãnh đạo hàng không nói lên "một sự thật khó chịu": chi phí thay nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu bền vững sẽ đổ lên vai hành khách.
Theo tính toán của Tập đoàn McKinsey & Co, để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, ngành hàng không cần đầu tư vốn khoảng 5.000 tỉ USD. Gần như toàn bộ số tiền trên được đầu tư vào sản xuất nhiên liệu bền vững và sản xuất năng lượng tái tạo.
“Không còn cách nào khác!", ông Willie Walsh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, nói.
Tuy nhiên có một thực tế "khó nhằn": Các máy bay thương mại được chuyển giao ngày nay có thể vẫn bay được đến năm 2050. Mặt khác, các thiết kế mới chạy bằng pin hoặc hydro sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập niên, mới thành hiện thực.
Vì vậy lựa chọn tốt nhất hiện tại là dùng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn.
Giá vé máy bay tăng vọt
Dù vậy việc thay dầu máy bay phản lực bằng nhiên liệu tạm thời ít ô nhiễm hơn cũng sẽ làm giá vé máy bay thương mại đắt hơn rất nhiều.
Theo dữ liệu từ báo cáo môi trường của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, các biện pháp bền vững sẽ làm tăng thêm 73 USD/chỗ ngồi/một chiều trên chuyến bay đường dài, chẳng hạn từ Singapore đến Dubai hoặc New York đến Paris.
Tại Liên minh châu Âu, các quy định sắp có hiệu lực sẽ khiến giá vé tăng gần như ngay lập tức. Quy tắc mới của ReFuel EU (sáng kiến nhiên liệu hàng không bền vững châu Âu) sẽ yêu cầu các hãng hàng không sử dụng 2% hỗn hợp nhiên liệu hàng không bền vững từ nay đến năm 2025, tăng lên 6% vào năm 2030 và đạt 70% vào năm 2050.
Năm 2023, Tập đoàn hàng không Pháp - Hà Lan Air France-KLM đã tăng gấp đôi khoản phụ phí bắt buộc để giúp chi trả cho nhiên liệu xanh hơn, lên mức từ 2 euro (2,20 USD) đến 24 euro mỗi vé trên các chuyến bay từ Paris và Amsterdam.
SAF - thường được gọi là nhiên liệu sinh học - đắt hơn gấp đôi so với nhiên liệu máy bay thông thường, vì vậy chi phí hàng không sẽ tăng lên, theo ING Bank.
Mỗi loại nhiên liệu sinh học có phương pháp sản xuất, chi phí và tác động giảm thiểu carbon riêng.
Nhiên liệu làm từ các nguồn như dầu thải và chất béo đang được bắt đầu sử dụng, nhưng số lượng có hạn. Các nguyên liệu đầu vào khác bao gồm lâm sản và phụ phẩm nông nghiệp.
Nhà cung cấp nhiên liệu thay thế SkyNRG cho biết trong một báo cáo hồi tháng 5 rằng châu Âu sẽ cần xây dựng 150 nhà máy lọc dầu SAF vào năm 2050, trong khi Mỹ cần 250 nhà máy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận