27/08/2023 07:04 GMT+7

Khách chậm đóng lãi, tiệm cầm đồ bán luôn xe của khách?

Nhiều người cầm xe máy tại các tiệm cầm đồ. Do khó khăn hoặc do quên đóng lãi, sau 1 - 2 tháng, chủ xe đến chuộc lại xe thì được thông báo là xe đã bị thanh lý.

Khách chậm đóng lãi, tiệm cầm đồ có được bán xe? - Ảnh 1.

Các chủ xe cho rằng tiệm cầm đồ tự ý bán xe mà không thông báo với mình là không đúng. Vấn đề này pháp luật quy định như thế nào?

Chậm đóng lãi, bị thanh lý xe

Do cần xoay tiền làm ăn, ông Đoàn Thanh Tâm (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cầm chiếc xe máy hiệu Honda SH 150i tại cửa hàng dịch vụ cầm đồ H.A.II (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) với giá 100 triệu đồng. Thời gian cầm từ 30-1-2023 đến 1-3-2023, lãi suất thỏa thuận.

Bên cạnh đó, hợp đồng cũng quy định nếu bên B (ông Tâm) để quá thời gian quy định mà không đóng lãi hoặc chuộc tài sản trên thì bên A (cửa hàng cầm đồ - PV) có quyền thanh lý tài sản để thu hồi vốn. 

Và bên B phải có trách nhiệm lo các thủ tục cần thiết để sang tên tài sản thế chấp đó cho người mua tài sản bên A.

Ông Tâm cho biết sau khi cầm xe, do đang khó khăn nên ông Tâm không đóng lãi suất khi đến tháng và mong cửa hàng thông cảm, ông sẽ cố gắng thu xếp xong công việc sớm để trả gốc và lãi một lần.

"Do chưa thu xếp được công việc và do chủ quan vì tài sản xe giá trị cao hơn rất nhiều so với tiền cầm và lãi suất nên tôi để thời hạn kéo dài hơn bốn tháng. Tháng 6-2023, tôi đến chuộc xe thì được cửa hàng thông báo đã bán xe của tôi. Tôi không đồng ý vì xe tôi có giá trị cao hơn số tiền tôi đã vay và tôi cũng chưa đồng ý để cửa hàng bán xe", ông Tâm nói.

Anh T. (ngụ quận Tân Bình) cũng gặp trường hợp tương tự. Tháng 6-2023, do cần tiền gấp nên anh cầm xe máy tại một cửa hàng cầm đồ ở quận Gò Vấp với giá 4,5 triệu, lãi suất 300.000 đồng/tháng. Do bận công việc nên anh T. quên đóng lãi hằng tháng. Đến tháng 8-2023, anh liên hệ tiệm cầm đồ thì biết xe mình đã bị thanh lý.

Tự ý bán xe là vi phạm pháp luật

Theo luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), cầm cố tài sản thông qua việc ký hợp đồng vay và thế chấp tài sản với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một loại giao dịch dân sự về cầm cố tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Mặc dù tên gọi của hợp đồng do công ty dịch vụ cầm đồ đề tên là "hợp đồng vay và thế chấp tài sản", nhưng tài sản của bên cầm cố phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và giao cho công ty dịch vụ cầm đồ nắm giữ, thì đây vẫn là hợp đồng vay và có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là cầm cố tài sản chứ không phải là thế chấp tài sản.

Theo quy định tại điều 300 và 303 Bộ luật Dân sự hiện hành, bên nhận cầm cố có quyền tự bán tài sản cầm cố nếu giữa các bên có thỏa thuận cụ thể về phương thức xử lý tài sản cầm cố đến hạn thực hiện nghĩa vụ được đảm bảo mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Tuy nhiên, trước khi xử lý tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản cầm cố cho bên cầm cố; dựa trên thỏa thuận về giá tài sản với bên cầm cố, hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản để xác định giá trị tài sản cầm cố theo quy định tại điều 306 Bộ luật Dân sự. Và việc thanh toán tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố phải được thực hiện theo quy định tại điều 307 Bộ luật Dân sự.

Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại điều 308 của bộ luật này.

Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.

Do đó, trong trường hợp này, việc tiệm cầm đồ không thông báo trước cho người cầm cố xe về việc sẽ tự bán chiếc xe đang cầm cố và cũng không có thỏa thuận về giá của chiếc xe để tự bán là đã vi phạm quy định pháp luật. Nên chủ xe không có nghĩa vụ phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua xe.

Chủ xe có quyền yêu cầu tiệm cầm đồ trả lại tài sản và thanh toán các khoản tiền vay, lãi suất, chi phí bảo quản xe, nếu có, cho tiệm cầm đồ.

Chủ xe không hợp tác, khó sang tên đổi chủ

Một cán bộ cảnh sát giao thông công tác mảng đăng ký xe cho biết việc sang tên, đổi chủ xe phải tuân thủ quy định, phải có hợp đồng mua bán, cụ thể là chủ xe phải ký hợp đồng mua bán với người mua lại xe hoặc giữa chủ tài sản và tiệm cầm đồ phải có ủy quyền được cơ quan chức năng chứng thực.

"Dù hợp đồng thế chấp tài sản có ghi điều khoản bên cầm đồ được thanh lý nhưng nếu hợp đồng đó không được cơ quan chức năng chứng thực thì vẫn không có giá trị pháp lý. Việc thanh lý xe này vẫn phải thông qua chủ xe", cán bộ cảnh sát giao thông giải thích.

Theo chuyên gia pháp lý, nếu chủ xe không đồng ý bán xe thì việc sang tên xe sẽ không thực hiện được, do xe máy là phương tiện bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan quản lý có thẩm quyền. Người mua lại tài sản này sẽ là người gặp rủi ro nhất khi đưa phương tiện này tham gia giao thông.

Cầm đồ trá hình: một đồng vốn, sáu đồng lãiCầm đồ trá hình: một đồng vốn, sáu đồng lãi

Hồ sơ được ghi là cầm đồ nhưng bên cho vay không cần giữ món đồ nào. Vay 5 triệu đồng nhưng chỉ nhận được 750.000 đồng, và lãi suất tính ra hơn 600%/năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên