18/01/2017 10:30 GMT+7

​Khắc phục chứng tiểu đêm

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Tiểu đêm là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi và là triệu chứng phiền phức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ.

Theo định nghĩa của Hiệp hội Niệu khoa Quốc tế, chứng tiểu đêm được hiểu là tình trạng một người phải tỉnh dậy nhiều hơn một lần vào ban đêm để đi tiểu và tình trạng đó diễn ra trong một thời gian dài. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc chứng tiểu đêm càng tăng (độ tuổi 20 - 50 là khoảng 5 - 15% số người đi tiểu đêm và con số này lên tới trên 50% ở độ tuổi từ 50 trở lên).

Tiểu đêm có tác động rất lớn đến giấc ngủ. Tiểu đêm làm người bệnh phải thức giấc nhiều lần ban đêm để đi tiểu, do vậy thường dẫn đến mất ngủ, lâu ngày dẫn đến mệt mỏi, suy nhược thần kinh. 

Thậm chí, tiểu đêm còn là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác về tim mạch và thần kinh, làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ… PGS.TS. Trần Văn Hinh, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam dẫn chứng, một khảo sát dịch tễ ở Hà Lan ghi nhận tiểu đêm là một trong hai nguyên nhân quan trọng nhất gây rối loạn giấc ngủ ở người trên 50 tuổi. Một nghiên cứu về té ngã trong đêm ở người lớn tuổi chỉ ra rằng, tiểu đêm trên 2 lần tăng nguy cơ té ngã gấp hai lần so với tiểu đêm dưới 2 lần. 

Đặc biệt, tiểu đêm còn làm tăng tỷ lệ tử vong. Nghiên cứu dịch tễ hơn 6.000 người nam và nữ trên 65 tuổi ở miền bắc Thụy Điển cho thấy, tỷ lệ tử vong tăng gấp đôi ở cả nam lẫn nữ tiểu đêm trên 3 lần.

Có nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm. Tiểu đêm ở người cao tuổi có thể là do chức năng sinh lý bị suy giảm (khả năng tái hấp thu kém, bài tiết từ tiết niệu giảm, dẫn đến tình trạng phải đi tiểu nhiều lần hơn, kể cả vào ban đêm) nhưng cũng có thể là do bệnh lý. Tiểu đêm có thể do các bệnh lý như đái tháo đường, đái tháo nhạt, suy tim, suy thận, hội chứng ngưng thở lúc ngủ; nhiễm trùng đường tiểu (viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt), sỏi đường tiết niệu (sỏi niệu quản đoạn chậu, sỏi bàng quang hoặc sỏi tuyến tiền liệt) hoặc phì đại tuyến tiền liệt… 

Ngoài ra, do sử dụng các thuốc lợi tiểu, do chế độ ăn, uống không hợp lý. Nếu ban ngày sử dụng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê thì ban đêm sẽ đi tiểu nhiều, vì đây là những thứ có tác dụng lợi tiểu, kích thích bàng quang gây tiểu nhiều hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, để chữa chứng tiểu đêm, cần giải quyết tốt các nguyên nhân bệnh lý và sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng. 

Ngoài thuốc, cần kết hợp thay đổi lối sống và hành vi. Người cao tuổi nên hạn chế ăn canh trong bữa cơm tối và sau bữa cơm tối đặc biệt là các loại rau, canh có tính chất lợi tiểu như các loại cải…; không nên uống nước nhiều nước về tối, giảm uống rượu bia, các nước uống chứa caffeine. Nên đi tiểu trước khi lên giường đi ngủ buổi tối. Trường hợp tiểu đêm nhiều không rõ nguyên nhân thì phải đi khám chuyên khoa tiết niệu để xác định rõ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chứng tiểu đêm