Một container vận tải màu trắng lớn xuất hiện bên ngoài tòa nhà lắp ráp và kiểm tra tên lửa tại Trung tâm vũ trụ Imam Khomeini - Ảnh: Planet Labs
Đài CNN ngày 8-1 dẫn lời các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (MIIS) ở Monterey cho biết hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao do công ty tư nhân Mỹ Planet Labs chụp ngày 4, 6 và 7-1 chỉ ra rằng các hoạt động tại Trung tâm Vũ trụ Imam Khomeini ở Iran phù hợp với các bước chuẩn bị phóng vệ tinh như nước này đã thực hiện vào năm 2017.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có một container vận tải lớn màu trắng có thể được dùng để vận chuyển các bộ phận của tên lửa trước khi lắp ráp chúng lại. Những bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy mật độ giao thông bất thường tại khu vực tòa nhà lắp ráp và xe tiếp nhiên liệu.
Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc rằng công nghệ Iran dùng để phóng vệ tinh trên từng được áp dụng cho sản xuất tên lửa đạn đạo và có năng lực hạt nhân cũng như khả năng chuyển đổi thành tên lửa tầm xa có khả năng chạm đến lãnh thổ nước Mỹ.
Truyền thông Iran gần đây cũng bóng gió về một vụ phóng vệ tinh sắp xảy ra và những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Iran có thể dùng tên lửa đẩy Simorgh để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Giàn phóng di động và xe tiếp nhiên liệu tại Trung tâm vũ trụ Imam Khomeini - Ảnh: Planet Labs
Tuần trước ông Pompeo đã kêu gọi Iran hủy bỏ các vụ phóng vệ tinh đã được lên kế hoạch và cảnh báo hành động phóng vệ tinh có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới.
"Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc và để các chính sách phá hoại của Iran gây mất ổn định và an ninh thế giới" - ông Pompeo tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng các vụ phóng là vi phạm nghị quyết 2231 năm 2015 của Hội đồng Bảo an LHQ về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran và kêu gọi Iran "không tiến hành bất cứ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế để triển khai vũ khí hạt nhân".
Hãng tin AFP cho biết Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ các cáo buộc của ông Pompeo. Ông Zarif nói rằng cả các vụ phóng lẫn các vụ thử tên lửa của nước này đều không vị phạm nghị quyết 2231.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận