18/06/2019 13:38 GMT+7

Kể những câu chuyện mùa thi để thí sinh... chừa

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra. Đây là kỳ thi quan trọng với mỗi học sinh đã qua 12 năm đèn sách.

Kể những câu chuyện mùa thi để thí sinh... chừa - Ảnh 1.

Học sinh khối 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Những mẩu chuyện về những kỳ thi đã qua - tưởng là cũ, nhưng nếu sĩ tử không để ý lưu tâm, có khi nhận lại một kỳ thi nhiều tiếc nuối không phải từ sức học của mình.

1. Chỉ làm "phận sự" của mình. Hồi ấy, thi tốt nghiệp THPT vừa có thí sinh học chương trình cũ, vừa có thí sinh học chương trình thí điểm phân ban. Đề thi vì vậy có phần tự chọn để phù hợp với chương trình thí sinh được học (quy chế ghi rõ, thí sinh chọn một trong hai đề để làm, làm cả hai bài thi sẽ bị loại).

Nh. - một học sinh nhanh nhẹn, giỏi, đề thi tốt nghiệp với Nh. là chuyện nhỏ. Làm xong bài thi, còn thời gian, Nh. chẳng biết làm gì nên... làm thêm câu tự chọn không dành cho mình. Lúc làm, Nh. nghĩ chỉ để thử sức mình thôi. Chấm thi, bài của Nh. bị phát hiện, gia đình Nh. lo lắng chờ án kỷ luật. Cấp thẩm quyền lúc đầu quyết định hủy bài thi của Nh., thầy trò buồn rười rượi. Cuối cùng, Bộ GD-ĐT... "ân xá", Nh. có bài học nhớ đời.

2. Chú ý giờ giấc sinh hoạt. Năm đó, học trò khối 12 trường tôi thi tốt nghiệp phải đi xa, hồi ấy thầy trò làm gì có điện thoại di động, điều kiện sinh hoạt không mấy tươm tất. Q. cùng H. khăn gói đi thi, quá trình học mấy khi bạn bè được ở chung với nhau.

Thuê nhà nghỉ xong, đến trường thi làm thủ tục, hai bạn rì rầm suốt đêm. Hết buổi thi đầu tiên, vội đi ăn cơm rồi về để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi thi thứ hai. Cả hai lăn ra ngủ mê mệt, 14h30 bắt đầu tính giờ làm bài, Q. và H. vẫn ngủ say, đến gần 16h mới thức dậy, cả hai ôm nhau khóc chờ kỳ thi năm sau.

3. Kiềm chế cảm xúc. M. là học sinh có lực học chắc, thi tốt nghiệp với bạn không có gì khó khăn, mấy buổi thi đầu bạn làm bài suôn sẻ. Buổi trưa (chiều đó thi môn hóa), bị người thân mắng, M. cãi lại. Hay chuyện, ba đánh đòn M., im lặng, M. đến trường thi.

Giờ làm bài M. ngồi yên, cán bộ coi thi gặng hỏi, M. lắc đầu, không nói gì. Việc của M. được báo cáo lên lãnh đạo hội đồng coi thi (hồi ấy chưa gọi là điểm thi như bây giờ), thầy cô xuống phòng thi động viên M. làm bài nhưng M. nhất quyết không! M. trượt tốt nghiệp. Hết giận rồi, M. dự thi vào năm sau.

4. Chuyện năm nào cũng có: cái điện thoại. S. học khá, năng nổ với hoạt động tập thể của trường, của lớp. S. ấp ủ trở thành nhà thiết kế thời trang. Thầy cô ai cũng động viên và tin ước mơ của S. sẽ thành hiện thực.

Nơi thi xa nhà S. hơn trăm kilômet, S. không đi cùng với nhà trường mà đi riêng với gia đình. Buổi thi toán, S. làm khá tốt, lúc nộp bài, người nhà nóng lòng nên gọi điện thoại di động cho S., điện thoại trong túi áo khoác rung lên, S. bị lập biên bản và đình chỉ thi.

S. sốc nặng (bạn giận mình vì trước kỳ thi nhà trường thường xuyên nhắc điều này), quy chế thi nghiệt ngã. Về nhà, S. tự nhốt mình trong phòng, ngủ và tỉnh dậy là khóc. S. tìm quên bằng cách đến giúp các soeur chăm nom trẻ mồ côi, mấy tháng sau em bình tâm trở lại.

Gác việc thi, S. học may bên ngoài và học thêm ở mẹ. Mấy năm sau gặp lại tôi, S. kể em có công việc ổn định, thu nhập khá. Nhớ lại chuyện cũ, S. với giọt nước mắt lăn dài trên má.

5. Gặp sự cố, hãy tìm trợ giúp. Trước giờ thi mấy phút, T. bị đau bụng (do buổi thi sáng, em ăn quà vặt ở cổng trường). Xin cán bộ coi thi ra ngoài vào nhà vệ sinh, T. luống cuống, dơ áo quần, T. ngượng nên ngồi luôn ở đó. Cán bộ coi thi trong phòng chờ T. mãi chẳng thấy đâu, giờ phát đề thi đã điểm, lãnh đạo điểm thi, thanh tra thi nháo nhác tìm T..

Cuối cùng phát hiện T. đang trong nhà vệ sinh. Biết lý do, thầy trưởng điểm thi nhanh chóng nói thầy thư ký (có vóc người giống T.) cho T. mượn bộ áo quần để T. thay và vào phòng thi kịp giờ thi. T. đậu, hú vía, T. nhắn nhủ các bạn, có tình huống bất ngờ chớ ngại ngùng, báo ngay với thầy cô, các bạn sẽ được trợ giúp.

6. Nói không với tất cả tài liệu trái phép. Đang sử dụng máy tính bỏ túi để làm bài, bỗng giám thị đến yêu cầu V. đưa máy cho thầy kiểm tra, mảnh giấy được dán phía sau ghi một số công thức..., V. lí nhí xin lỗi. Muộn mất rồi, V. bị lập biên bản do sử dụng tài liệu.

Cuối buổi thi, V. được thông báo bị đình chỉ thi các môn tiếp theo. Khép lại mọi chuyện, V. thẫn thờ ra về, hối hận lúc này quá muộn màng.

Thi là thử thách lớn đối với thầy trò, mùa thi tạo ra áp lực, căng thẳng và cả mệt mỏi đối với thí sinh. 1.001 tình huống có thể xảy ra trước và trong từng buổi thi. Để không phải sốc, hối hận, ray rứt, thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 cần thực hiện nghiêm 6 điều dưới đây:

- Chấp hành nghiêm quy chế thi; đọc kỹ yêu cầu của đề bài, từng bài thi độc lập hoặc môn thi trong bài thi tổ hợp, từ lúc bắt đầu nhận đề, các bạn có 5 phút để đọc dò.

- Sát ngày thi, tuyệt đối không thức khuya, có thể ngủ quên; đọc - nhớ lịch thi, giờ tập trung thí sinh, thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài - quá 15 phút thí sinh không được vào phòng thi.

- Những ngày thi chớ giận hờn rồi nông nổi, 12 năm đèn sách có mấy ngày quan trọng như ngày thi, giữ cho mình luôn ở trạng thái cân bằng giúp các bạn làm bài thi tốt hơn.

- Tuyệt đối không mang điện thoại di động vào khu vực thi.

- Chớ thử dùng những thực phẩm mà từ trước đến giờ không quen dùng.

- Thí sinh sẽ bị xử lý nghiêm với việc mang tài liệu vào phòng thi, chuyện này là chắc chắn!

Chúc các em một mùa thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

20.000 lượt sinh viên tình nguyện tại bến xe, trường học tiếp sức mùa thi 20.000 lượt sinh viên tình nguyện tại bến xe, trường học tiếp sức mùa thi

TTO - Dự kiến có khoảng 20.000 lượt sinh viên tình nguyện sẽ tiếp sức cho thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia; tân sinh viên về TP.HCM nộp hồ sơ xác nhận nhập học vào các trường đại học, cao đẳng.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên