08/08/2017 16:33 GMT+7

Indonesia mua máy bay Nga bằng dầu cọ, cà phê

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Quốc gia vạn đảo Indonesia muốn lấy 11 máy bay tiêm kích Su-35 của Nga và trả bằng dầu cọ, trà và cà phê để né cấm vận.

Su-35 được xếp vào tiêm kích thế hệ thứ 4++ và được quảng bá có nhiều ưu điểm vượt trội trong bối cảnh tiêm kích thế hệ 5 vẫn còn chưa được phổ biến - Ảnh chụp màn hình

Phía Indonesia cho rằng việc trao đổi ngang kiểu này sẽ giúp né được các lệnh trừng phạt quốc tế đang nhắm vào Nga, bao gồm từ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Tập đoàn Rostec của Nga và công ty PT Perusahaan Perdagangan của Indonesia là hai bên trực tiếp ký biên bản ghi nhớ về việc này hồi tuần rồi. Các chi tiết về thời gian và giá trị hàng hóa trao đổi chưa được xác định.

Hôm qua (7-8) Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita xác nhận: "Việc đổi ngang dưới sự giám sát của chính phủ hai nước hi vọng sẽ sớm được hiện thực hóa thông qua việc trao đổi 11 tiêm kích Su-35 của Nga lấy nhiều mặt hàng xuất khẩu của Indonesia, khởi đầu từ trà, cà phê, dầu cọ và các sản phẩm quốc phòng chiến lược khác".

Trên thực tế, theo người phát ngôn Bộ Thương mại Indonesia Marolop Nainggolan, "ý tưởng đổi ngang đã được đề xuất từ năm ngoái. Một vài người gợi ý nên đổi các hàng hóa thế mạnh của Indonesia để lấy máy bay".

Hãng thông tấn AFP nhận định rằng thỏa thuận lần này có thể mở đường cho các thỏa thuận song phương giữa Nga và Indonesia về hàng không dân dụng, năng lượng.

Nhiều khả năng nó có thể được đề cập trong chuyến thăm Indonesia kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 8-8, của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Bộ trưởng Lukita cho rằng ở một khía cạnh nào đó các lệnh trừng phạt của phương tây nhắm vào Nga lại là một tin tốt cho Indonesia.

Một khi Matxcơva chật vật tìm kiếm cơ hội xuất khẩu từ các thị trường mới, Jakarta sẽ trở thành điểm đến hàng đầu.

Năm 2003, vào thời điểm Indonesia còn bị Mỹ và EU cấm vận mua bán vũ khí, quốc gia này đã ký hợp đồng mua 16 tiêm kích Su-27 và Su-30 của Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên nước Nga chấp nhận chuyện đổi vũ khí lấy nông sản. Hình thức này đã giúp vũ khí Nga hiện diện trong quân đội nhiều nước.

Ở giai đoạn hậu Liên Xô, trước tình hình tài chính khó khăn, Matxcơva đã sử dụng khí tài quân sự để trả nợ nước ngoài, điển hình như việc các xe tăng T-80 và xe chiến đấu BMP-3 được chuyển cho Hàn Quốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên