28/11/2012 20:45 GMT+7

Huy động tổng lực dẹp trộm cướp

GIA MINH - MỸ THƯƠNG
GIA MINH - MỸ THƯƠNG

TT - Trung tá Vũ Như Hà, phó chánh văn phòng Công an TP.HCM, cho biết trong bốn ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, Công an TP đã khám phá 45 vụ phạm pháp hình sự, bắt 50 đối tượng, trong đó có 40 vụ trộm cướp.

Cướp giật táo tợn trên đường phố Sài GònTáo tợn chặt tay người đi đường cướp tài sảnĐừng để cướp lộng hành!Lời khai ban đầu của nhóm cướp táo tợn

R590Yn6C.jpgPhóng to
Công an TP.HCM thông báo với báo chí về việc thực hiện đợt cao điểm chống tội phạm - Ảnh: M.Đức

Tuy nhiên, đây chỉ là số vụ việc bị lực lượng công an bắt giữ, còn số vụ chưa khám phá hoặc người bị hại không trình báo thì nhiều hơn.

Tăng cường tuần tra, hóa trang mật phục

Phân tích nguyên nhân vì sao số vụ cướp trên đường phố có dấu hiệu tăng, trung tá Hà nói: “Tài sản của các vụ cướp giật thường là điện thoại, máy tính xách tay, đồ trang sức... Nói chung là những vật dụng nhỏ, dễ tiêu thụ. Loại tài sản này dễ chiếm đoạt, hành động nhanh và khả năng tẩu thoát cũng cao hơn nên được nhiều đối tượng lựa chọn”.

Theo trung tá Hà, Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự và an toàn xã hội tăng cường kiểm tra, đồng thời chịu trách nhiệm chính rà soát, quản lý địa bàn từng khu vực, kiểm tra các khu nhà trọ, khách sạn để phát hiện những đối tượng khả nghi.

Phân tích về hành động của các đối tượng trộm cướp ngày càng man rợ, trung tá Hà nói: “Để nói về nguyên nhân vì sao tội phạm nói chung ngày càng trẻ, hành động man rợ hơn thì cần có nghiên cứu tổng quát từ nhiều khía cạnh, của nhiều ngành khác nhau. Chỉ riêng lực lượng công an, thông qua một hoặc một số vụ việc để đánh giá sẽ là phiến diện”. Trung tá Hà cũng thẳng thắn thừa nhận: “Nơi nào lơ là việc quản lý địa bàn, tuần tra kiểm soát thì ở đó sẽ tập trung nhiều tội phạm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

Trung tá Hà nhấn mạnh: khu vực trung tâm TP, các khu vực tập trung du khách đông là nơi thường xảy ra cướp giật tài sản. Những nơi như quốc lộ, các khu dân cư đang xây dựng, vùng ven, khu công nghiệp cũng là địa điểm làm ăn của bọn cướp. Mỗi “điểm nóng” này, Công an TP đều chỉ đạo áp dụng từng biện pháp cụ thể.

Theo đó, lực lượng hình sự sẽ hóa trang tuần tra mật phục, công an xã phường sẽ cùng bảo vệ dân phố tuần tra, kiểm tra hành chính về đêm. Cảnh sát quản lý hành chính tăng cường kiểm tra nhà trọ, khách sạn, các địa điểm kinh doanh nhạy cảm. Đặc biệt là cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát 113 cũng sẽ thường xuyên theo dõi các đối tượng có dấu hiệu khả nghi.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 27-11, trung tá Nguyễn Nhật Thành - đội trưởng đội hình sự Công an Q.1 - cho biết muốn dẹp được nạn trộm cướp cần phải có giải pháp đồng bộ, không thể làm từ ngọn là bắt giữ, xử lý.

Theo trung tá Thành, thời gian qua, diễn biến các vụ cướp giật trên địa bàn Q.1 có nhiều thay đổi so với trước. Nếu trước đây cướp giật chủ yếu là các băng nhóm có tổ chức, tập trung thành nhóm để đi cướp giật, có người giật, người cản địa... thì hiện nay cướp giật đã thay đổi hẳn. Có thể chỉ một hoặc hai đối tượng, không đi xe “độ” chạy lòng vòng kiếm “con mồi” mà ăn mặc lịch sự, đi xe bình thường, chọn đúng thời gian, địa điểm ít người chú ý nhất để ra tay.

Có khi các đối tượng mặc lịch sự như khách đi dự tiệc đợi sẵn, chờ “con mồi” sơ hở là ra tay. Hơn 70% nạn nhân các vụ cướp giật là phụ nữ. Tại Q.1, công an bắt giữ nhiều đối tượng cướp giật là học sinh, sinh viên và những người có việc làm ổn định, điều này là hiện tượng hoàn toàn mới.

Giải pháp được Công an Q.1 đề cao trong phòng chống cướp giật là công tác phòng ngừa xã hội. Theo trung tá Thành, mỗi người dân cần có ý thức tự bảo quản tài sản của mình, đi ra đường không nên vừa đi vừa nghe điện thoại, không để những vật có giá trị cao nơi dễ lấy. Người dân cũng cần có ý thức đấu tranh với tội phạm, không nên chỉ đứng nhìn gây tội ác, mặc cho nạn nhân kêu cứu.

Nói tới trách nhiệm của cơ quan chức năng, trung tá Thành cho biết Công an Q.1 đã tổ chức lực lượng tuần tra công khai gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động phối hợp với công an các phường kiểm tra hành chính công khai các đối tượng khả nghi. Nếu phát hiện nghi vấn, đối tượng chưa gây án cũng lập hồ sơ để đội hình sự đối chiếu thông tin với các địa phương, qua đó thực hiện việc phòng ngừa từ xa.

Cảnh sát khu vực phải nắm rõ quy luật hoạt động, đặc điểm nhận dạng, phương thức gây án để cung cấp cho đội hình sự lập kế hoạch truy bắt. Nhiệm vụ đeo bám, theo dõi và truy bắt là trách nhiệm của đội hình sự, trong đó nòng cốt chống cướp giật là tổ hình sự đặc nhiệm. Các trinh sát hình sự đặc nhiệm cũng thực hiện hóa trang mật phục có trọng tâm trọng điểm, kiên quyết truy đuổi và bắt giữ khi đối tượng gây án, không bắt được tại chỗ thì theo dõi, bắt “nguội”.

Trung tá Thành còn nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là công an toàn TP phải dẹp những điểm tiêu thụ tài sản trộm cướp được, tập trung chủ yếu là các điểm cầm đồ, tiệm mua bán hàng điện tử cũ. Đa số đối tượng trộm cướp không bán cho người thường, phải có băng nhóm, đường dây tiêu thụ”.

Bắt đối tượng đập đầu phụ nữ cướp tài sản

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.2 (TP.HCM) vừa ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hồ Minh Triết (26 tuổi, ngụ Q.8) để điều tra về hành vi cướp tài sản. Tối 26-11, Triết mang theo hai con dao và một gậy sắt vào khu vực làm thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái (Q.2) tìm người để cướp tài sản. Phát hiện chị N.T.T.D. (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mang theo túi xách (bên trong có khoảng 26 triệu đồng) vào nhà vệ sinh, Triết theo sau lưng dùng ống sắt đánh vào đầu nạn nhân và giật túi xách.

Khi chị D. hô hoán, Triết tiếp tục rút dao tấn công nhưng bị bảo vệ phát hiện nên trốn sang nhà vệ sinh nam, cắt tay tạo hiện trường giả để chối tội. Bảo vệ đã bàn giao Triết cho công an phường. Tại cơ quan công an, Triết khai nhận hành vi phạm tội và cho biết đi cướp để lấy tiền trả nợ cờ bạc.

S.BÌNH

GIA MINH - MỸ THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên