24/08/2012 19:28 GMT+7

Học trò mồ côi nuôi cháu mồ côi

HÀ XUYÊN
HÀ XUYÊN

TTO - Tin Đinh Văn Đệ ở xóm Làng Đèo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà mồ côi cha mẹ đỗ thủ khoa khối C và là á khoa ở Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) khiến ai cũng bất ngờ.

Bất ngờ vì chàng trai còn là người H’rê.

fQla3u1C.jpgPhóng to
Đệ tranh thủ thời gian chưa nhập học vót tre để lợp lại nhà bếp bị dột - Ảnh: H.Xuyên

Những ngày này, Đệ vẫn phơi mình dưới cái nắng rát da làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi mình, nuôi cháu gái dù ngày nhập học cận kề.

Chàng trai 16 tuổi chồng chất khó khăn

Dừng tay phụ hồ ở công trình, quệt mồ hôi trên gương mặt rắn rỏi, Đệ tự tin bằng mọi cách phải học và làm lụng nuôi cháu. Ba mất năm lên 9 tuổi, một mình mẹ thân gầy làm rẫy, đốn củi nuôi ba chị em nhưng bữa đói bữa no. Gia đình thiếu thốn, năm lớp 8 Đệ nghỉ học lên Đắk Lắk hái cà phê thuê. Tích góp được ít tiền về thăm gia đình, Đệ nghe hung tin mẹ bị bệnh mất trước đó. Đệ ở lại vùng núi Sơn Hà với gia đình chị gái, được thầy cô, nhà trường động viên, hỗ trợ nên Đệ đi học lại.

Đang học lớp 10 Đệ lại bị sỏi thận. Không tiền chữa bệnh, Đệ nghỉ học và lại vào Đắk Lắk làm thuê, kiếm cái ăn trước. Song mỗi khi nhìn bạn cùng lứa đi học, nhớ lớp, thầy cô giáo, Đệ khát khao trở lại trường lớp. Rồi Đệ lại về quê, đi học lại, cắn răng với bệnh tật và đói nghèo, quần quật vừa làm vừa học cho bằng bạn bè. Nhưng sóng gió cuộc đời không buông tha Đệ: gia đình chị gái đổ vỡ, anh chị ly dị và đi tứ tán, bỏ lại đứa cháu gần 3 tuổi cho Đệ nuôi nấng.

Thời gian ấy khó khăn chồng chất khó khăn với chàng trai 16 tuổi. Buổi sáng Đệ đi học, chiều đi phụ hồ, lột vỏ keo, nhổ mì (sắn) thuê. Bất cứ ở đâu, ai kêu việc gì Đệ đều nhận làm. Ngày đi học, đi làm quần quật, tối về nấu ăn, chăm cháu, học bài, đêm nào Đệ cũng chong đèn đến khuya. Cháu Đệ, bé Phương (5 tuổi) gầy còm, thường xuyên đau ốm khiến Đệ thêm vất vả. Đệ nói: “Sợ nhất khi hai cậu cháu cùng bị đau, cực lắm!”.

Lên lớp 12, sáng học, chiều học ở trường nên không đi làm được. Đệ kể những ngày ấy trong túi không có một đồng, đến cây viết cũng phải mượn bạn bè. Những bữa cơm với muối nhiều hơn. Quãng đường từ nhà tới Trường THPT Di Lăng dài hơn 15km, những ngày bụng đói với Đệ mỗi bước chân là một quãng dài đằng đẳng. Xe đạp là niềm ước mơ. Vậy mà vẫn sáng đi trưa về, chiều đi tiếp vì buổi trưa còn phải lo cho cháu ăn.

Canh cánh nỗi lo nuôi cháu

Đệ nói thoát nghèo khó chỉ còn cách học nên cứ cố gắng, nỗ lực hết sức. Sự ham học của Đệ được đền đáp: ba năm cấp III Đệ đều đạt học sinh khá. Những ngày ôn thi đại học ở thành phố Quảng Ngãi, ngày nào cũng ăn mì gói nên chân Đệ phù lên, không thể đi được, lại phải về quê. Ban ngày Đệ vẫn đi phụ hồ, tối về mới học bài. Cật lực cả ngày, mệt nhoài nhưng Đệ vẫn đèn sách sáng đêm. Ông Đinh Văn Ton, già làng ở xóm Làng Đèo, cho biết: “Bà con ở đây thương Đệ như con, vì nó khổ nhưng việc gì làm cũng giỏi, siêng học nữa. Lúc đi phụ hồ bị gãy tay, nằm nhà nhưng nó cũng học bài”.

Đinh Văn Đệ đậu thủ khoa ngành sư phạm văn với 19,5 điểm (chưa cộng điểm khu vực). Niềm vui ngắn chẳng tày gang, nỗi lo đã ập đến. Đệ tâm sự: “Em sẽ vay mượn để đi học, rồi làm thuê làm mướn kiếm tiền, nhưng em lo nhất là cuộc sống cháu Phương những ngày sắp đến”.

HAZqKZ6e.jpgPhóng to
Những ngày qua, Đệ (bìa phải) đi phụ hồ công trình Trường THPT Di Lăng kiếm tiền ăn học - Ảnh: H.Xuyên

Từ bé thiếu thốn nên bé Phương đau ốm liên miên. Năm năm qua, cô bé người H’rê này sống kham khổ bằng tình thương những người hàng xóm Làng Đèo, Đệ càng thêm ái ngại cho cháu mình khi bốn năm đi học đại học phải xa nhà. Đệ nói giờ cháu đang học mẫu giáo tại Sơn Hà nên không thể theo em được, để cháu ở nhà chỉ còn biết trông nhờ bà con hàng xóm.

Và Đệ lo mình có thể đói ăn thiếu mặc để theo trường lớp nhưng nếu cháu Phương không ai chăm sóc thì khó có thể tiếp tục chuyện học hành…

HÀ XUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên