15/05/2015 10:27 GMT+7

Học sinh miền núi lo về đề thi THPT quốc gia

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Vào đúng thời điểm nước rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp đi kiểm tra.

Học sinh một tỉnh miền núi với trường mới - Ảnh: TTO

Bộ trưởng đã đối thoại với lãnh đạo, giáo viên, học sinh tại Hà Giang về kỳ thi này, trong các ngày từ 10 đến 14-5.

Thào Mi Dính (học sinh lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên Yên Minh, Hà Giang) bày tỏ lo lắng: “Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay so với năm trước là thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ phải thi chung đề với thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH.

Vì thế chúng em rất lo lắng, không biết đề thi có quá khó so với trình độ của chúng em không? Việc ôn tập phải như thế nào để có thể đạt yêu cầu mới của đề thi năm nay”.

Đề thi khó quá với học sinh miền núi?

Tương tự với băn khoăn của Thào Mi Dính, em Trần Thị Yến, một học sinh Trường Dân tộc nội trú Yên Minh, cũng mong muốn có định hướng cụ thể hơn về nội dung ôn tập hoặc có các bộ đề thi mẫu để học sinh tham khảo vì “kỳ thi có nhiều điểm mới quá khiến chúng em lo lắng!”.

Lo lắng của học sinh Hà Giang cũng là băn khoăn của các thầy cô giáo. Cô Trần Bích Thúy, phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Yên Minh, nhận xét: “Đề thi mẫu (đề thi minh họa) khá khó, có những câu nếu giáo viên không hướng dẫn thì học sinh không thể nào làm được. Rất mong Bộ GD-ĐT có đề thi phù hợp cho học sinh mỗi vùng miền với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT” - cô Thúy đề nghị.

Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên  Trường THPT Dân tộc nội trú Yên Minh, cũng cho biết nhiều thầy cô giáo lúng túng trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập trước một kỳ thi có quá nhiều đổi mới. Cô Nhung cho rằng với những học sinh ở vùng khó khăn như Hà Giang thì cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi tới.

Trao đổi lại với các thầy cô và học sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: Với kỳ thi sử dụng kết quả cho hai mục đích nên đề thi sẽ có những câu hỏi khó để đảm bảo mục đích sàng lọc, xét tuyển ĐH-CĐ. Tuy nhiên vẫn sẽ có một tỉ lệ câu hỏi vừa sức với học sinh trình độ trung bình. Vì thế nếu những học sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp rồi tiếp tục học nghề thì có thể yên tâm.

“Tôi rất hiểu học sinh ở vùng khó khăn điều kiện học tập còn thiếu thốn, hoàn cảnh cũng không cho phép các em có nhiều thời gian ôn tập. Vì thế lãnh đạo bộ đã chỉ đạo bộ phận xây dựng đề thi phải tính toán để có tỉ lệ câu hỏi phù hợp với học sinh vùng khó khăn, đảm bảo để học sinh trình độ trung bình nếu ôn tập tốt có thể đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT” - ông Luận chia sẻ và khẳng định đề thi năm nay sẽ “không đánh đố học sinh, cũng sẽ không có những câu hỏi yêu cầu thuộc lòng nhiều số liệu, kiến thức thuần túy”.

Ông Phạm Vũ Luận khuyên học sinh nên sử dụng hai tài liệu: đề thi minh họa từng môn học và đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 để hình dung về hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT năm nay, tránh tâm lý lo lắng, bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi này.

Hơn 4.000 thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT

Theo ông Vũ Văn Sử, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, kỳ thi năm nay có 2.489 thí sinh dự thi tại cụm do trường ĐH chủ trì, còn lại 4.014 thí sinh đăng ký dự thi tại cụm do Sở GD-ĐT chủ trì với mục đích chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang, cụm thi địa phương ở đây có 12 điểm thi với 156 phòng thi. Việc bố trí điểm thi đảm bảo nguyên tắc  tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Trao đổi lại với lãnh đạo tỉnh Hà Giang và lãnh đạo Sở 

GD-ĐT, ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh việc tổ chức kỳ thi phải được tính toán trên cơ sở giảm tốn kém, khó khăn cho học sinh và phụ huynh.

“Các thầy cô giáo, nhà trường và địa phương có thể sẽ vất vả hơn nhưng học sinh phải được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Cụ thể những học sinh năm trước phải tham dự nhiều đợt thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ thì năm nay chỉ phải thi một đợt. Học sinh không có nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ sẽ được tạo điều kiện dự thi ở điểm gần nhất so với nơi cư trú” - ông Luận nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng kêu gọi các địa phương cố gắng điều chỉnh các nguồn kinh phí từ ngân sách để bổ sung cho việc tổ chức kỳ thi, nhất là kinh phí chi cho việc hỗ trợ học sinh khó khăn để các em có thể dự thi.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên