25/06/2020 11:57 GMT+7

Học phí thấp, chất lượng đào tạo y khoa sẽ thụt lùi

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Đây là ý kiến các trường đào tạo y dược nêu ra tại TP.HCM trong hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe diễn ra sáng 25-6.

Học phí thấp, chất lượng đào tạo y khoa sẽ thụt lùi - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng học phí thấp sẽ tạo bước lùi trong đào tạo y khoa - Ảnh: M.G.

Mất giảng viên, khó nâng cao chất lượng giảng dạy, mất mã ngành, thụt lùi so với các nước trong khu vực... là những nguy cơ nhóm trường sức khỏe gặp phải khi mức học phí quá thấp như hiện nay.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng học phí dự kiến của trường có nhiều mức và cao nhất là 70 triệu đồng/năm chứ không phải đổ đồng tất cả cả các ngành. Thực tế với mức học phí này, trường vẫn còn phải bù lỗ, chưa tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Theo ông Tuấn, đó là chi phí cần thiết để đào tạo sinh viên. Chất lượng đào tạo và trải nghiệm của sinh viên khi học ở trường là cốt lõi để trường xây dựng học phí như vậy.

"Thời gian qua trường đầu tư rất nhiều cho sơ sở vật chất, đội ngũ và chương trình đào tạo. Sinh viên được nhiều trải nghiệm như lớp học nhóm nhỏ, trung tâm mô phỏng (trung tâm mô phỏng số 1 Việt Nam), chương trình đào tạo phối hợp với Trường Y Havard xây dựng. Đội ngũ giảng viên khá hùng hậu. Nếu đối đãi không tốt thì khó giữ chân được họ" - ông Tuấn nói thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hiện nay, sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2020, nếu trường đại học không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn đào tạo y khoa thế giới, sinh viên sẽ không được tham gia kỳ thi này.

"Học phí thấp khiến các trường khó thực hiện việc này và đó là bước lùi đối với đào tạo y khoa của Việt Nam" - ông Tuấn nói thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết thời gian qua, trường cố gắng giữ chân được giảng viên nhưng với tình hình hiện nay, việc này sẽ càng khó khăn hơn.

Thực tế có một số giảng viên đã chuyển công tác. Nhiều người khác, kể cả thành viên ban giám hiệu, cũng bị bên ngoài lôi kéo, mức lương họ trả gấp 10 lần của trường. 

"Nếu không có thay đổi về học phí, nguy cơ trường mất mã ngành đào tạo rất lớn do không đủ giảng viên. Học phí như nay mà đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là bất khả thi" - ông Xuân nói.

Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến về mức thu học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến về mức thu học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM

TTO - Ngay sau khi Trường ĐH Y dược TP.HCM thông báo tăng học phí, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến về mức thu học phí của trường này.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên