Các đại biểu Quốc hội trong một lần bỏ phiếu tín nhiệm với 48 chức danh - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói đây là những lời phát biểu "đầy cảm xúc" trong không khí thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm. Nhìn lại chặng đường đã qua, bà Ngân đánh giá mỗi đại biểu, mỗi cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri là hành động vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Luật phải đứng về lợi ích của nhân dân
Trong phần phát biểu cuối cùng về hoạt động Quốc hội, các đại biểu đều đánh giá cao những đổi mới, đột phá của hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ này khi đã chuyển từ tham luận sang thảo luận và tranh luận. Đồng thời, Quốc hội khóa này tiếp tục gần dân, sát dân và có nhiều đổi mới trong lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, không ít đại biểu dành trọn thời gian để chỉ ra những điều còn tồn tại trong việc xây dựng và ban hành luật với sự mong mỏi là Quốc hội khóa tới khắc phục tốt hơn. Về tổng quan, các đại biểu đã chỉ ra bốn nhóm vấn đề cần phải thay đổi để luật thực sự đứng về lợi ích của nhân dân.
Một là, quy trình soạn thảo luật phải chuyên nghiệp hơn, cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà làm luật, tăng cường các đại biểu chuyên trách. Hai là, cần tăng cường giám sát của Quốc hội trong việc thực thi luật, giám sát trong lĩnh vực tư pháp.
Ba là, xây dựng luật cần đảm bảo liêm chính, tránh lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan được giao soạn thảo luật và phải đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết. Cuối cùng, luật phải có tính lâu dài, loại bỏ tình trạng luật đã ban hành phải sửa đổi tốn kém thời gian và ngân sách.
Loại bỏ lợi ích nhóm trong xây dựng luật
Đề cao sự liêm chính trong xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng nếu có liêm chính, những văn bản pháp luật sẽ được xây dựng khách quan, luật sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các luật đã ban hành. Nếu mất đi liêm chính, luật sẽ "quy định lợi ích thô thiển" của một số bộ, ngành, đặc biệt cơ quan được giao soạn thảo.
Theo ông Bộ, dù ít nhưng trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận xây dựng luật vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý. Dẫn chứng hệ lụy cho việc thiếu liêm chính trong xây dựng luật, ông Bộ kể ra các "khuyết tật" sẽ kéo theo là mâu thuẫn, chồng chéo với các luật, là công cụ để hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành nhưng xung đột với lợi ích của nhân dân.
Cũng liên quan đến lợi ích trong xây dựng luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thẳng thắn đề nghị phải đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân.
Cần thay đổi cách lấy phiếu tín nhiệm
Điểm lại chặng đường đã qua, nữ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định các đại biểu đã "làm tròn bổn phận của mình trước nhân dân". Bà Mai đã dành trọn thời lượng phát biểu để nói về việc lấy phiếu tín nhiệm đã mang lại hiệu ứng tích cực, song qua tiếp xúc cử tri, người dân đã hỏi đại biểu: "Bà có thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính thực chất không?".
Trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, nữ đại biểu đã bày tỏ sự thấu hiểu với cử tri khi cho rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn, lo lắng của người dân và cử tri chờ đợi nhiều hơn thế. Từ đó, Quốc hội cần đánh giá lại hoạt động này.
Cụ thể, việc để 3 mức là tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp sẽ khó lượng hóa, so sánh trong việc đánh giá kết quả giữa những người được lấy phiếu. Đồng thời, bà Mai cũng đề nghị xem xét lại số lần phiếu tín nhiệm, nên thực hiện hai lần một nhiệm kỳ để đánh giá những tiến bộ thay vì chỉ một lần như hiện nay.
Nói những lời cuối cùng sau 20 năm gắn bó với Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc mong mỏi một ngày không xa, người dân được vào Quốc hội không những tham quan mà được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.
Luật phải sửa, bổ sung nhiều quá
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chỉ ra một đặc điểm bộc lộ "tuổi thọ" của luật quá ngắn khi trong 72 luật đã thông qua trong nhiệm kỳ này có hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung. Ông Ngân cho rằng đã là luật phải mang tính ổn định lâu dài chứ thời gian qua có những luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi.
Đối với vấn đề ủy quyền lập pháp, ông Ngân chỉ ra thực trạng Quốc hội thường giao Chính phủ quy định chi tiết, song có giám sát việc quy định chi tiết đó chưa? Nêu câu hỏi này, ông Ngân tự trả lời: "Có, nhưng còn rất ít, rất khiêm tốn". Vì vậy, ông Ngân đề nghị Quốc hội phải tăng cường giám sát việc ủy quyền lập pháp để những văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư phải phù hợp với luật mà được Quốc hội thông qua và phù hợp thực tế cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận