19/09/2023 10:30 GMT+7

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 3: Mẹ giúp con bước ra khỏi vỏ sò tự ti

Trẻ tự ti thường rất ngại bước ra khỏi "vỏ ốc" của mình. Có thể đó là những việc rất bình thường đối với những đứa trẻ bình thường, nhưng với trẻ tự ti thì rất khó khăn...

Các hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ tự tin thể hiện khả năng của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ tự tin thể hiện khả năng của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không thể tả được tôi vui cỡ nào. Tôi còn vui hơn nữa khi con trai tuyên bố vậy là con cũng không tệ lắm phải không mẹ?

Chị Ngọc Phượng

Tăng cường giao tiếp với người lạ

Biết con mình nhút nhát từ khi bé chuẩn bị vào lớp 1, vợ chồng chị Thu Uyên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tăng cường cho con ra ngoài chơi. Cứ cuối tuần, bé Minh được cha mẹ chở đến công viên hoặc nhà thiếu nhi.

Sau khi chơi hết các trò chơi miễn phí, bé Minh thường muốn chơi đến các trò chơi có bán vé. Để tập cho con sự mạnh dạn, chị đưa tiền cho con để bé tự đi mua phiếu trò chơi. Lần đầu tiên, bé mếu máo: "Con không biết nói làm sao?".

Sau khi được mẹ hướng dẫn, bé Minh lò dò từng bước đến quầy bán vé, rồi lại đột ngột chạy ngược lại vì "quên mất phải nói gì". Chị Uyên vẫn kiên nhẫn hướng dẫn và nói với con nếu con không mua được vé, cậu bé sẽ không có cơ hội để chơi những trò chơi bán vé, vì mẹ sẽ không làm giúp bé.

"Con đến mua vé là cô bán vé sẽ rất vui. Con nhìn xem có nhiều bạn như con. Có em còn bé hơn con cũng tự làm đấy", chị khích lệ.

Cuối cùng thì bé Minh cũng mua được vé. Nếu bố mẹ tự mua vé cho con thì cả nhà đã chơi xong trò chơi rồi. Mặc dù mất nhiều thời gian chờ đợi, chị Uyên rất vui vì bé Minh đã mang được vé về. Những việc nhỏ như vậy nhưng rất đáng kể với gia đình chị.

Vài lần sau đó, Minh cũng được giao mua vé. Dù đỡ sợ hơn, bé vẫn ngại ngần, luôn muốn thoái lui. Nhưng thấy mẹ quá "rắn" nên cậu không còn cách nào khác phải làm điều không thích.

Chị Uyên cho biết không chỉ mua vé, bé Minh luôn được mẹ giao việc tự kêu đồ ăn, thức uống, tự trả tiền mỗi khi đi chơi, hay đi ăn ở nhà hàng. Con cũng tự chọn mua đồ dùng học tập, đồ dùng lặt vặt ở gần nhà.

Chị cho con tham gia các lớp kỹ năng ở nhà thiếu nhi, trại hè, nhưng không phải chỉ nộp tiền rồi phó mặc cho con theo lớp, theo trại hè. Với mỗi việc, chị thường có nhiệm vụ giao cho Minh. Những việc nhỏ như nhớ tên các bạn cùng nhóm, chủ động làm một việc gì đó... Nhiệm vụ sẽ khó dần lên, mở rộng hơn.

Trẻ cần được khích lệ, giúp đỡ để phát triển bản thân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trẻ cần được khích lệ, giúp đỡ để phát triển bản thân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chơi thể thao: giải pháp hữu hiệu

Chị Ngọc Phượng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng phải đồng hành trong một thời gian dài với cậu con trai nhút nhát, tự ti. Việc gì cậu bé Gia Khang cũng có phản ứng "con học không được đâu", "con không làm được", "con không thể học giỏi"...

Chị Phượng nhận thấy tự ti là trạng thái thường trực, điều đó sẽ khiến cậu bé học sa sút. Càng ép sẽ càng khủng hoảng hơn. Chị nghĩ đến việc chọn một thứ gì đó con có thể làm được để khích lệ con làm thật tốt. Đó là điểm tiếp cận đầu tiên để giúp con thay đổi.

Chị đăng ký cho con học đàn piano. Sau mỗi buổi con học, chị lại nhờ con... chỉ lại cho mình. "Mẹ cũng muốn học mà không có thời gian tới lớp, hay con chỉ cho mẹ. Mẹ con mình sẽ cùng tập được không?", chị đề nghị. Lúc đầu Gia Khang lúng túng và cũng cho rằng mình không thể giúp mẹ được. Nhưng với sự khéo léo, người mẹ đã dẫn dắt để Khang quên mất sự tự ti. Cậu bé hăng hái chỉ cho mẹ và vui khi thấy mẹ... tiến bộ.

Nhưng với các môn học năng khiếu, không phải bé nào cũng hợp, cũng có thể theo đuổi lâu dài. Học đến một ngưỡng nào đó, chị Phượng biết con khó đi sâu nên lại muốn cho con thử những môn khác như học võ, học cờ vua, bóng rổ. Chị muốn con thử, trong lúc đó mình có thể quan sát xem cậu bé có khả năng theo lâu dài một môn thể thao hay năng khiếu nào. Nói một cách khác, cái gì có thể giúp cậu hứng khởi, say mê và cuối cùng là tự tin vào bản thân.

Hành trình của hai mẹ con chuyển từ khóa học võ sang cờ vua... Quan sát con, chị Phượng nhận thấy bé Gia Khang dễ dàng bị suy sụp chỉ bởi một câu chê của thầy, hay thất bại trong một cuộc đấu với các bạn. Mỗi thất bại, cậu lại lún sâu hơn vào sự tự ti. Cậu bé nghĩ mình không làm được gì, không ai cần cậu và trầm trọng hơn cậu còn sợ tiếp tục chỉ làm mẹ thất vọng.

Cách thử nghiệm quá nhiều thứ mà chưa nghiên cứu trước, không phải giải pháp tốt. Thậm chí còn phản tác dụng. Chị Phượng quyết định tham vấn một số chuyên gia, huấn luyện viên thể thao để có sự đánh giá trước. Chị cũng chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách cùng con đọc về những tấm gương vượt khó. Những người tưởng chỉ là người tàn phế mà đã làm được kỳ tích. Chị bảo với Gia Khang bản thân bố mẹ cũng gặp nhiều thất bại, khó khăn, nhưng khi quyết tâm và có kế hoạch cụ thể để nỗ lực thì sẽ làm được.

Lần đó, chị thận trọng hơn khi tìm hiểu về bóng bàn. Một lần làm như tình cờ rủ con vào nhà văn hóa. Chị xin cho hai mẹ con chơi thử bóng bàn. Cô huấn luyện viên bóng bàn ở đó quan sát và nhận xét Gia Khang có phản ứng tốt khi di chuyển.

Nghiên cứu về môn bóng bàn, chị Phượng cũng thấy nó rèn cho trẻ khả năng vừa tập trung cao độ vừa linh hoạt, sự khéo léo và quyết đoán. Đó là những yếu tố có thể giúp trẻ tự tin. Chị quyết cho con theo bóng bàn. Lần này, chị bàn bạc kỹ với giáo viên và cũng chia sẻ những vấn đề của Gia Khang. Mẹ và cô cũng có kế hoạch cụ thể từng bước để cậu bé tiến bộ với môn thể thao này. Cuối học kỳ 1 năm lớp 6, Khang thi đấu bóng bàn cấp trường và đạt được giải tư.

Chị Phượng nhớ lại: "Không thể tả được tôi vui cỡ nào. Tôi còn vui hơn nữa khi con trai tuyên bố vậy là con cũng không tệ lắm phải không mẹ?". Sau đó Khang được giải bóng bàn cấp quận. Cùng với ba bạn nữa, Khang bước lên bục nhận giải. Đó là khoảnh khắc tôi rất hạnh phúc. Không phải vì con có giải mà vì sự tự tin của con. Khang của tôi đã hoàn toàn khác".

Như dự đoán của chị Phượng, thành công trong bóng bàn của Khang chỉ là bước khởi đầu. Khi thấy mình cũng "có giá trị", cậu bé hoạt bát, sôi nổi hơn trong giao tiếp với các bạn ở lớp. Cậu cũng thích đi học hơn và chủ động trong việc học tập. Lúc này, chị lại xây dựng kế hoạch cùng con chinh phục các môn học, trước hết là các môn con thích.

Hành trình trở thành "cậu bé bóng bàn" là kinh nghiệm đáng kể để Gia Khang vượt qua những khó khăn của các môn văn hóa. Khi cậu bé chủ động, thì những điểm mạnh, yếu cũng dễ bộc lộ để chị Phượng có thể hỗ trợ con bằng các cách khác nhau một cách hiệu quả hơn.

Cuối năm lớp 6, Gia Khang đạt được thành tích học sinh giỏi, đặc biệt môn toán tiến bộ vượt bậc, điểm bình quân đạt 8,1: "Từ lớp 1 đến lớp 5, bé nhà tôi chưa bao giờ đạt được học sinh giỏi vì bài kiểm tra cuối học kỳ 2 môn toán toàn 6, 7 điểm. Ngay cả học kỳ 1 năm lớp 6, con cũng chỉ đạt học sinh khá. Điều lớn nhất không phải là danh hiệu học sinh giỏi mà chính là con tôi đã bắt đầu tự tin vào bản thân", người mẹ đúc kết.

----------------------

Kỳ tới: Yêu bản thân mình

Người mẹ dặn con: Yêu bản thân có thể là ích kỷ nhưng cũng có thể là cách để bảo vệ mình, biết mình muốn gì và có các lựa chọn đúng đắn.

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 2: Con muốn bán vé số và có bạn gái ở lớp 6Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 2: Con muốn bán vé số và có bạn gái ở lớp 6

Phúc lên lớp 6 được hơn hai tháng thì chị Dung nghe con nói thích một bạn gái. Hơi sốc nhưng chị quyết định giữ bình tĩnh để nghĩ cách chia sẻ với con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên