17/05/2009 06:47 GMT+7

Hang Tám Cô và con đường tuổi 20

LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG

TT - Từ di tích phà Xuân Sơn, ngược lên chừng 2km sẽ gặp một tấm biển nhỏ đề “Km 0 - đường 20 Quyết Thắng”. Từ đây tuyến đường huyền thoại năm xưa chạy trong vùng rừng được bảo vệ của khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ Km 0 đến Km15 sẽ gặp một ngã tư mang tên Trạ Ang, nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh nhánh tây và đường 20. Đi thêm chừng 2km nữa sẽ gặp hang Tám Cô - một câu chuyện chiến tranh bi tráng khác mà mỗi khi nhắc lại ai cũng cảm thấy nhói đau nơi lồng ngực.

Kỳ 1: Lèn Hà bi trángKỳ 2: Người “mở đường máu”

WGUAFDR5.jpgPhóng to

Du khách thắp hương tưởng niệm tại di tích hang Tám Cô -Ảnh: Văn Tuấn

9 ngày khắc khoải

Sau bao nhiêu năm kể từ trận bom ngày ấy, câu chuyện này đã được viết lại, dựng thành phim, thành kịch và ở hang đá trên tuyến đường vắng lặng này vẫn có những người dừng chân tưởng nhớ. Chuyện bom ném sập hang và người trong hang hi sinh những năm chiến tranh trên tuyến đường Hồ Chí Minh không nơi nào không có, nhưng chỉ trên đường 20 này, câu chuyện về sự hi sinh của họ thật lẫm liệt.

Chiều 14-11-1972, B.52 ném bom rải thảm tuyến đường 20 từ km 16. Đội thanh niên xung phong 163 của ban 67 đang ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá bên đường trú ẩn. Tiểu đoàn pháo phòng không lập tức tổ chức đánh trả. Cả quãng đường qua Km 16 bị bom cày nát, một loạt bom đã khiến năm chiến sĩ pháo binh hi sinh phía cửa hang và liền ngay sau đó một tiếng ầm khủng khiếp vang lên. Tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. Trong hang có tám thanh niên xung phong đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương và Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ. Tất cả đều đang tuổi 19-20.

d4Qx7X9J.jpgPhóng to

Ông Lê Ngọc Kính: “Không thể kể hết bao nhiêu hi sinh vất vả” -Ảnh: Văn Tuấn

Tan trận bom, phát hiện tiếng kêu cứu của các anh chị em trong hang đá, tất cả các đơn vị có mặt tại hiện trường tập trung trước cửa hang để tìm cách phá đá cứu người nhưng không thể. Những chiếc xe xích tập trung choàng xích để kéo song tảng đá không nhúc nhích. Có ý kiến đề nghị đánh thuốc nổ phá đá nhưng sợ sức ép làm chết mọi người trong hang. Anh em đã luồn ống tuy-dô qua kẽ đá rồi nấu cháo nghiền nát rót qua đường ống để tiếp tế cho anh em cầm cự tìm cách cứu. Nhưng tất cả đều bất lực. Chỉ cách nhau một tảng đá, nghe tiếng gọi của nhau mà đành đoạn nhìn cái chết cướp dần từng đồng đội.

Nhiều ngày trời trong hang đá tuyệt vọng và rồi từng chiến sĩ kiệt sức, hi sinh, đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng gọi thổn thức của các thanh niên xung phong nữa. Sau này nhiều người kể rằng đến ngày 23-11, tiếng kêu cuối cùng mọi người nghe được là tiếng gọi “Mẹ ơi” của một cô gái. Rồi hang đá thành nấm mộ chung cho tám chiến sĩ thanh niên xung phong.

Tám người, bốn nam, bốn nữ nhưng không hiểu vì sao tất cả những người trên tuyến đường 20 đều gọi hang đá ấy là hang Tám Cô. Họ đã nằm ở đó suốt 24 năm cho đến năm 1996, tỉnh Quảng Bình quyết định phá tảng đá lấp cửa hang để đưa hài cốt những liệt sĩ thanh niên xung phong về quê nhà. Bây giờ hang đá khi xưa đã được mở lại lòng hang, trước cửa hang có tấm bia ghi tên tuổi của tám thanh niên xung phong và năm chiến sĩ pháo binh đã hi sinh trong buổi chiều 14-11-1972.

Trong lòng hang, trên bàn thờ các liệt sĩ, một khách hành hương về đây đã đặt tấm đá hoa cương đen khắc mấy dòng chữ ngắn gọn mà âm vang: “Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hi sinh cao cả của các cô. Những cô gái thanh niên xung phong - cầu cho các cô được vĩnh hằng!”. Bên cạnh hang đá, một đền thờ được dựng lên làm nơi tưởng niệm những liệt sĩ bộ đội và thanh niên xung phong nằm lại trên tuyến đường 20.

Cõng thuyền vượt Trường Sơn

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa có quyết định công nhận bảy cụm di tích quốc gia trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước tại Quảng Bình. Bảy cụm di tích được phong lần này là hang Lèn Hà, đồi Cha Quang, đường 20 Quyết Thắng (với các trọng điểm dốc Ba Thang, tổng kho NH, hang Thông Tin, hang Y Tá), đường Ba Trại - ngã ba Thọ Lộc, đường 15 (với các điểm: cầu Ka Tang - khe Rinh - đèo Đá Đẽo), Km 0 đường 10, đường 16 (với các điểm ngã tư Thạch Bàn - suối khoáng Bang - làng Ho).

Đi gặp những nhân chứng của một thời, chúng tôi tình cờ phát hiện những năm ấy đã có một chuyến hàng đặc biệt đi hàng tháng trời trên đôi vai của những thanh niên xung phong. Đó là những chiếc thuyền được cõng gùi vượt núi, vượt đường 20 qua đất Lào rồi từ đó trở thành lực lượng vận tải quan trọng trên những sông suối Trường Sơn. Có 36 chiếc thuyền đã được một đơn vị thanh niên xung phong với hành trình kéo dài hàng tháng trời như thế để đưa từ Quảng Bình vượt Trường Sơn sang tận sông Xê Băng Hiêng đất Lào.

Khi tìm đến nhà ông Lê Ngọc Kính, nay sống ở xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, một thành viên của đại đội 7 thanh niên xung phong huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tham gia gùi 36 chiếc thuyền năm xưa, vừa nhắc tới chuyện cũ, giọng ông chợt nghẹn ngào: “Ừ, có chuyện đó, không thể kể hết bao nhiêu hi sinh vất vả nhưng tui nỏ chộ (không thấy) ai nhắc đến chuyện cõng thuyền này của đại đội 7 cả”.

Và dường như dòng ký ức tuôn trào mãnh liệt quá đã khiến giọng ông từ nghẹn ngào chợt trở nên hào sảng quyết liệt: “Tui nhớ rõ đó là đêm 11-9-1966. Cả đại đội 7 thanh niên xung phong của huyện với 103 người được lệnh tập trung ở gốc cây vông đồng chợ Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh). Mười một giờ đêm được lệnh kéo quân vào khu vực Bang (nay là khu suối khoáng nước nóng nổi tiếng ở Quảng Bình). Vào đến đó, đóng trại ba ngày, không ai biết lý do vì sao, sẽ đi đến đâu, làm nhiệm vụ gì”.

Trời buổi ấy bắt đầu vào mùa mưa, cả đại đội nấp mưa dưới mấy tấm nilông dựng vội làm lán. Qua ngày thứ ba thì được lãnh đạo huyện ủy phổ biến kế hoạch: C7 sẽ chuyển 36 chiếc thuyền đi từ đây sang đất Lào rồi bàn giao cho binh trạm bên ấy dùng đội thuyền này vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. 36 chiếc thuyền này của bà con huyện Lệ Thủy ủng hộ cho chiến trường, thuyền gỗ của bà con vốn dùng để phục vụ sinh hoạt sản xuất, mỗi thuyền dài chừng 10m, chở được 1-2 tấn hàng.

Những dòng sông bên đất Lào thuận lợi cho việc dùng thuyền vận chuyển hàng vào sâu, bí mật bất ngờ, nhưng để đưa đội thuyền này qua đấy quả không dễ dàng. Cứ mỗi thuyền có 16 người khiêng, đi chừng 5-7km thì cất giấu thuyền rồi quay lại khiêng thuyền khác. Khi theo đường 20 lên đến đất Lào, qua trọng điểm ATP thì bị máy bay oanh tạc khi chiếc thuyền cuối cùng đang bám theo cầu treo để lần qua một vực sâu. Con thuyền bị đánh văng khỏi vai, hất tung cả tiểu đội khiêng thuyền xuống suối.

Sau này, chúng tôi tìm gặp bà Phan Thị Duyến, cũng là cựu thanh niên xung phong của đường 20, khi hỏi về ấn tượng sâu sắc của bà trong những ngày trên tuyến và được bà kể lại câu chuyện chiếc thuyền rơi. Mất gần hai tháng trời ròng rã, đội thuyền đã được bàn giao cho đơn vị bạn trên sông Xê Băng Hiêng. Giao thuyền xong, đại đội thanh niên xung phong của ông Kính được bố trí vào đội xe thồ của binh trạm 14. Đoàn thuyền của nhân dân Quảng Bình góp cho chiến trường đã kịp thời phát huy tác dụng ngay sau đó. Nhưng rồi bao nhiêu năm qua, ông Kính bảo không thấy ai nhắc nhớ gì đến.

______________________

Ngày ấy, ở Cù Bai - Hướng Lập (tây Quảng Trị), có một nữ thanh niên xung phong trên đường ra trận đã trao giọt máu của mình cho một già làng với lời nhắn gửi vội: “Bố nuôi giúp con, hoà bình con sẽ tìm về”. Ông đặt tên con là Trường Sơn, và đến bây giờ không thôi chờ đợi.

Kỳ tới:Giọt máu Trường Sơn

LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên