Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Lloyds, kể từ tháng 7 năm ngoái, đã có ít nhất 3.000 cá nhân đã bị lừa mua phải vé giả, dẫn đến thiệt hại lên tới hơn 1 triệu bảng Anh (1,24 triệu USD).
Trung bình, mỗi nạn nhân bị lừa mất 332 bảng (413 USD), thậm chí trong một số trường hợp, số tiền bị lừa lên tới hơn 1.000 bảng Anh (1.243 USD).
Nạn nhân thường bị tiếp cận qua các quảng cáo hoặc bài đăng giả mạo trên mạng xã hội, trong đó 90% trường hợp được báo cáo cho biết đã tìm mua vé qua Facebook.
Báo cáo cho biết các trò lừa đảo thường lợi dụng đánh vào tâm lý của các Swifties (người hâm mộ Taylor Swift) khi rao bán vé giảm giá hoặc tại các buổi diễn đã "cháy vé" với giá cao hơn.
Theo đó, nạn nhân được yêu cầu trả trước tiền mua vé, nhưng sau khi thanh toán xong, những kẻ lừa đảo sẽ biến mất. "Tiền mất tật mang", người hâm mộ vừa không có vé xem ca nhạc, vừa bị mất tiền.
Giám đốc phòng chống gian lận của Ngân hàng Lloyds, bà Liz Ziegler khuyên người tiêu dùng nên thận trọng, đặc biệt khi được yêu cầu thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng từ các cá nhân bán lại vé.
Bà cũng khuyến nghị chỉ nên mua vé từ các nền tảng có uy tín và được ủy quyền, có sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng để tăng cường bảo vệ chống gian lận.
Theo thống kê của Lloyds, số lượng các vụ lừa đảo liên quan đến việc mua bán vé xem các buổi biểu diễn âm nhạc đã tăng 158% kể từ mùa hè năm ngoái, trong đó có các chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng như Beyonce, Coldplay và Harry Styles.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận