08/12/2023 05:45 GMT+7

Hàng chục tàu cá Quảng Nam bị ‘ách’ tiền hỗ trợ bám biển

Nhiều tàu cá bị chậm chi hỗ trợ tiền nhiên liệu theo chính sách vươn khơi bám biển khiến chủ tàu lẫn ngư dân ở Núi Thành, Quảng Nam vướng khó. Được biết, số tiền hỗ trợ tàu cá tỉnh này bị ách lại lên tới hàng chục tỉ đồng.

Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam neo đậu tại vịnh An Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam neo đậu tại vịnh An Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Nhiều tàu đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết hỗ trợ giai đoạn 2022 - 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Ngư dân Phạm Xuân Lệ, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), cho biết từ quý 1-2023 tới nay khoản hỗ trợ này bị tắc, chờ mãi chưa thấy giải ngân. Ông Lệ là chủ tàu lưới vây hơn 700CV, đánh bắt thường xuyên trên ngư trường Hoàng Sa.

Do chậm nhận hỗ trợ nhiên liệu, chủ tàu phải vay mượn các nơi để mua trước xăng dầu, lương thực thực phẩm đi biển. Năm nay nghề biển mất mùa, đánh bắt không đạt sản lượng, các chủ tàu rất khó khăn lo trả công cho thuyền viên và xoay xở đại tu, bảo dưỡng tàu.

Ngư dân Nguyễn Thanh Anh (45 tuổi), chủ 6 tàu cá tại huyện Núi Thành, cho biết kể từ năm 2022 tới nay chỉ nhận được kinh phí hỗ trợ 4 tàu, 2 chiếc tàu còn lại vừa thay máy, không được hỗ trợ.

Ông Anh tâm tư nói 6 tàu của ông hành nghề lưới vây và tàu câu xa bờ ở ngư trường chính là Hoàng Sa - Trường Sa. Trong thời điểm hiện nay, nếu không được hỗ trợ sớm thì việc làm nghề sẽ rất khó khăn.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thanh Dũng, cán bộ thủy sản xã Tam Quang, huyện Núi Thành, nói lâu nay chủ tàu dựa vào nguồn này để chi trả cho bạn tàu và chi phí nhiên liệu, vật tư. Việc giải ngân ách lại, đã có tình trạng tàu nằm bờ vì không thể mua nợ nhiên liệu, lương thực thực phẩm trong khi đó đi vay ngân hàng thủ tục khó khăn. Riêng xã Tam Quang có khoảng 40 tàu bị chậm hỗ trợ từ quý 3-2022.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến việc chi tiền hỗ trợ bị ách lại là do cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý một số trường hợp chủ tàu có dấu hiệu gian dối, kê khai sai thông tin để trục lợi chính sách.

Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết hiện nay có rất nhiều tàu hoán cải, thay đổi công suất máy lớn để được hỗ trợ mức cao hơn. Việc áp mức hỗ trợ nào đối với các tàu hoán cải máy cũng chưa có hướng dẫn cụ thể (trước đây những tàu này không thuộc diện hỗ trợ).

"Chúng tôi rất đau đầu việc này, đã cố gắng tìm mọi cách giải ngân tiền cho dân nhưng nếu chi sai sau này rất mệt!", một cán bộ Chi cục Thủy sản nói.

Tìm cách sớm chi tiền cho dân

Trước phản ánh của người dân, ông Nguyễn Công Thanh, phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, đã đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, giải quyết đối với các trường hợp đã đảm bảo thủ tục, hồ sơ theo quy định để kịp thời hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá.

Theo ông Thanh, chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa là chủ trương đúng đắn, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Ngô Tấn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tập trung tháo gỡ để sớm chi hỗ trợ. Theo ông Tấn, giải pháp hiện nay là giải quyết trước cho các tàu tham gia chương trình từ trước tới nay, không có hoán cải. Đối với các tàu hoán cải công suất cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu thêm hướng xử lý.

Đời ngư dân trên phá Tam GiangĐời ngư dân trên phá Tam Giang

Ông Trần Tường năm nay 53 tuổi, cũng là chừng ấy năm gắn bó mặt nước của phá Tam Giang. Từ rất nhiều đời là cư dân vạn đò, cuộc sống lênh đênh "theo đuổi con cá" trên đầm phá này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên