08/11/2014 12:16 GMT+7

​Hàng chục lao động bị “bán đứng”

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Hàng chục hộ gia đình dân tộc Ba Na ở hai xã Chư H’reng và Đắk Rơ Wa (TP Kon Tum) như ngồi trên lửa khi con em họ bị “bán đứng”...

Những người mẹ ở làng Kon Hra Kơ Tu, xã Chư H’reng (TP Kon Tum) lo lắng ngóng chờ tin con

Con em họ bị “bán đứng” đi thu hoạch cà phê đến nay không tin tức

Y Te - một trong 21 thanh niên tại xã Chư H’reng, vừa trốn thoát trở về - kể: “Ban đầu người tuyển dụng nói đi thu hoạch cà phê, làm nhẹ nhàng mà lương cao.

Ai ngờ đến nơi bị bắt làm nặng nhọc mà còn bị quát mắng dữ quá nên tôi và Y Giang - người cùng làng - bàn nhau bỏ trốn. 1g sáng, hai đứa lẻn ra khỏi vườn, bị chó đuổi dồn rồi cứ thế cắm cổ chạy.

Tới gần sáng thì may mắn được một người chạy xe ôm bắt xe khách cho về nhà”. Bà H’Nhứt - mẹ Y Te - cho biết sáng 28-10, một người làm nghề xe ôm chạy vào làng Kon Hra Kơ Tu giới thiệu cần tuyển thanh niên trẻ đi thu hoạch cà phê.

Thấy có việc làm, ông A Blứt - làng Kon Hra Kơ Tu - mời người này vào nhà rồi tự nguyện đi kiếm thanh niên trong làng tập hợp về nhà mình để giao cho người này. Có 21 thanh niên (9 nữ, 12 nam, từ 16-22 tuổi) được đưa lên xe 16 chỗ để “đi hái cà phê”.

Người chạy xe ôm lúc này nhận tiền từ chủ xe khách rồi biến mất. “Xe đi tới 2g sáng thì tất cả được dồn vào một ngôi nhà và được giới thiệu là trung tâm môi giới việc làm. Sáng hôm sau, mỗi người được người lạ dẫn đi các nơi mà không biết đi về đâu, làm việc gì” - Y Te kể.

Theo Y Te, trước khi được dẫn đi về chỗ làm, người chủ xe soạn các hợp đồng và yêu cầu các lao động phải ký vào giấy nợ, mỗi người nợ 1,8-2 triệu đồng. “Chúng em hỏi nợ gì thì mấy người đó nói là nợ tiền xe, tiền ăn dọc đường. Không ký vào thì bị đánh nên ai cũng phải ký” - Y Giang nói.

Sáu lao động ở Kon Hra Kơ Tu trốn thoát trở về cho biết họ được dẫn đến các trang trại trồng hoa, chế biến hoa quả chứ không hề có việc hái cà phê. Tại đây, họ bị ép buộc lao động cực nhọc, các chủ cơ sở đóng cửa giam lỏng, thu hết điện thoại và nói không thể rời khỏi trang trại vì tất cả đã nợ 1,8-2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ tịch UBND xã Chư H’reng - cho biết công an xã đã đến các gia đình nắm tình hình.

Hiện đã có sáu lao động ra khỏi được các trang trại và trở về nhà, một số lao động vẫn không thể liên lạc được. Trung tá Trần Ngọc Tuấn - đội trưởng đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Kon Tum - cho biết đã cử lực lượng đi phối hợp cùng chính quyền xã xác minh, tìm kiếm những lao động chưa trở về địa phương.

Ông Tuấn nói qua xác minh ban đầu thì đối tượng đi xe ôm vào xã Chư H’reng tuyển lao động là một “cò” môi giới.

Sau khi bị công an mời đến làm việc, đối tượng này khai chuyên nhận tuyển lao động để lấy hoa hồng cho một trung tâm giới thiệu việc làm “ma” tại tỉnh Đắk Lắk, cứ một lao động tuyển được thì trung tâm này trả cho người môi giới khoảng 300.000-500.000 đồng.

Sau khi tuyển được, trung tâm này bán các lao động về các trang trại, các cơ sở có nhu cầu. “Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương để đưa các lao động trở về nhà, nhưng việc xử lý hình sự các đối tượng cò mồi, bán đứng lao động là cực kỳ khó. Chủ yếu là công an phối hợp cùng xã tuyên truyền, vận động bà con không nhẹ dạ cả tin” - ông Tuấn nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên