01/02/2024 09:53 GMT+7

Hăm ba ông Táo chầu trời, bình vôi ở lại chịu đời đắng cay

23 tháng chạp, Táo quân chầu trời để lại bao phong vị cho văn hóa Việt Nam lẫn nghi lễ của cả đời người.

Mua vật phẩm cúng ông Táo tại chợ Thiếc (quận 10, TP.HCM) - Ảnh: NHẬT XUÂ N

Mua vật phẩm cúng ông Táo tại chợ Thiếc (quận 10, TP.HCM) - Ảnh: NHẬT XUÂ N

Theo Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính, ta thường cho ngày 23 tháng chạp là ngày vua bếp lên chầu trời.

Nguyên ở trong đạo Lão Tử có nói ngày đó Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.

Ông Táo, đệ nhất gia chi chủ

Một trong những lễ thức quan trọng vào cuối năm là lễ tiễn ông Táo về trời vào 23 tháng chạp. Dân gian có câu: "Hăm ba ông Táo về trời/ Bình vôi ở lại chịu đời đắng cay". Vì sao vậy?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho biết ông Táo (còn gọi là Táo quân) được tôn là "đệ nhất gia chi chủ", tức đứng đầu trong tất cả các gia thần.

Khoảng thời gian sau lễ ông Táo đến 30 tháng chạp (lễ rước ông bà kèm cúng đón rước ông Táo) là lúc ông Táo không tồn tại trong gia đình.

"Sau khi tiễn ông Táo về trời, gia chủ dọn dẹp bếp núc sạch sẽ rồi đem bộ ba ông Táo cũ bỏ ra gốc đa hoặc cạnh miếu... 

Bộ ba ông Táo cũ được gọi là "quỷ Táo", trú ngụ chung với bình vôi hay các đồ thờ hư cũ khác", ông nói.

Trong thời gian ông Táo chầu trời, người ta kê tạm mấy hòn gạch để đun và đến 30 tháng chạp, sau khi rước ông Táo về, các gia đình mới đặt ba ông Táo mới rồi nhóm lửa bếp mới.

Còn sao đắng cay? Thực ra, theo ông Trảng, đó chỉ là một cách nói của dân gian. Tương tự có câu: "Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay".

Trầu mà ăn cùng với vôi thì có cay, có đắng, có nồng. Ông bà ta mượn hình ảnh đó để nói lại một tín ngưỡng văn hóa dân gian in đậm dấu ấn trong đời sống người Việt.

Bộ ba Táo gồm một bà Táo, còn gọi là bà Táo chúa, và hai ông Táo vừa là một bộ ba tôn kính vừa tạo nên ba điểm của "thế cân bằng bền" đỡ nồi, niêu, xoong, chảo... không nghiêng lệch, ngã đổ.
Tranh thờ Táo Quân trong sách Kỹ thuật của người An Nam - Technique du peuple Annamite (Henri Oger)

Tranh thờ Táo Quân trong sách Kỹ thuật của người An Nam - Technique du peuple Annamite (Henri Oger)

Bà Táo mới là trùm

Một trong số các tích cũ kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được người chồng giàu có.

Một hôm cúng đốt vàng mã ngoài sân, có một người vào ăn xin, người đàn bà trông thấy nhận ra đó là chồng cũ của mình, động lòng thương cảm đem cơm gạo tiền bạc ra cho.

Người chồng sau biết chuyện, nghi ngờ vợ. Vợ xấu hổ đâm đầu vào đống lửa mà chết. Người chồng cũ cảm tình ân nghĩa cũng đâm đầu vào đống lửa chết theo.

Người chồng sau thương vợ cũng nhảy vào nốt, thế là chết cháy cả ba. Thượng đế thương cho ba người cùng có nghĩa mới phong họ là vua bếp.

Cứ đến ngày ấy (23 tháng chạp), dân mua hai mũ ông và một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân chầu trời.

Nhiều người biết tích ấy, nhưng có một điểm thú vị ít ai biết hoặc để ý. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng dẫn câu ca dao xưa: "Tưởng là bà Táo thật thà/ Ai dè bà Táo một bà hai ông".

"Ta hay gọi là ông Táo nhưng thực ra bà Táo mới quan trọng, bà Táo mới là trùm", ông Trảng nói.

Ông Trảng dẫn lập luận của X. A. Tôcarev trong Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng để nói bà mẹ lửa/ bà chủ lửa là tàn dư của các tập tục chế độ thị tộc mẫu quyền.

Một số dữ liệu dân tộc học của người Khmú, Xinh Mun, Thái... cũng cho thấy bà chủ lửa, mẹ lửa, bà Táo là thần/ma bảo hộ thị tộc mẫu hệ.

"Nghi lễ cúng tiễn ông Táo vốn là hình thức tôn giáo cổ xưa, là tín ngưỡng thờ thần bảo hộ của thị tộc mẫu hệ. Sau này chịu ảnh hưởng của chế độ phụ hệ, ta mới gọi cúng bà Táo thành cúng ông Táo", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trao đổi.

Mua bán cá chép ở chợ đầu mối Bình Điền dịp đưa ông Táo 2023 - Ảnh: PH.QUYÊN

Mua bán cá chép ở chợ đầu mối Bình Điền dịp đưa ông Táo 2023 - Ảnh: PH.QUYÊN

Mỗi miền mỗi vẻ

Tập tục thờ Táo quân thay đổi và khác nhau tùy từng vùng, miền. Trong đó có cả những nhầm lẫn thành nếp.

Ông Trảng kể ở miền Bắc có hiện tượng đa số người dân đều thờ ông Táo và thổ công (thần đất) nên hay đồng nhất hai vị thần này. Lễ tiễn Táo quân về trời thậm chí còn được gọi là "tết ông Công".

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, "đây là hệ quả của tập quán gộp chung các gia thần vào một nơi thờ tự nhằm giản tiện trong việc thờ cúng, tiết kiệm không gian".

Xem lại công trình Technique du peuple Annamite (sau này tập hợp thành sách có tựa Kỹ thuật của người An Nam) do Henri Oger chủ xướng với bốn nghệ nhân người Việt minh họa và khắc gỗ thực hiện vào năm 1908 - 1909 cũng cho thấy hai bức tranh ký họa hai bàn thờ gia thần riêng biệt: bàn thờ ông Táo "một bà hai ông" với bài vị chữ Hán "Táo quân vị" và bàn thờ ông Công "một ông một bà" với bài vị chữ Hán "Thổ công vị".

Về cúng lễ, lệ thường vào ngày 23 tháng chạp. Bài vị, ba cỗ mũ, áo, hia cũ được thay mới; đồ cũ đốt đi. Người dân cũng mua cá chép để ông Táo cưỡi về trời. Cúng xong, cá được đem thả sông hoặc thả ao.

Sau bảy ngày trên trời, người dân rước ông Táo trở về an vị trên bàn thờ cũ đã được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm với áo, mũ, hia mới.

Thả cá chép ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh: HÀ QUÂ N

Thả cá chép ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh: HÀ QUÂ N

Ở Huế, mỗi gia đình thường lập một trang thờ gọi là "tran Ông" để thờ tự bộ ba thần đất - thần nghề nghiệp - thần bếp.

Riêng Táo quân, ngoài việc thờ tự chung trên còn có một án thờ đặt dưới bếp, ngay trên bếp lửa của gia đình.

Ở đây, tập tục thờ Táo quân tuân theo tín lý của Táo vương chơn kinh (Huế 1909), theo đó chức năng giám sát công tội của con người được coi trọng.

Ngoài việc giữ cho bếp được thanh khiết, có những kiêng cữ: hằng tháng tối 30, mùng 1 và tối 14, rằm đều dâng cúng hoa quả, trầu nước.

Ngày thường mỗi tối đều chong đèn suốt đêm trong bếp. Khi giỗ chạp, gia đình đều thắp hương, khấn vái xin Táo quân chứng giám...

Vào 23 tháng chạp, cúng xong đem ba ông Táo ra đặt ở nơi cột mốc làng, cây cổ thụ hay một góc của am miếu trong xóm...

Chiều 30 tháng chạp rước ông Táo về, sáng mùng 1 an vị bộ ba Táo mới, nhóm bếp lửa đầu năm.

Còn ở Nam Bộ tới đầu thế kỷ 19 vẫn duy trì tục thờ bộ ba ông Táo như miền Trung, Bắc. 

Song tới đầu thế kỷ 20, do hệ quả của giao lưu văn hóa, phổ biến thêm vị thần Trương Táo quân, tức Trương Thiên Táo (vốn là một phán quan đời Tống, Trung Quốc).

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho hay ở miền Trung và miền Bắc, theo tín niệm cá chép vượt vũ môn hóa rồng, người dân thường dùng cá chép làm lễ vật cúng.

Ở miền Nam, thay cho cá chép, người dân lại dùng bộ giấy in mộc bản hình "cò bay ngựa chạy" (theo ý ngựa chở Táo đi đường bộ rồi cưỡi cò bay về trời) do ảnh hưởng bởi nghi thức "xá mã, xá hạc" của Đạo giáo.

Ngoài nhang đèn, ba chung nước nhỏ, bộ "cò bay ngựa chạy", mâm cúng ông Táo đặc biệt không thể thiếu món kẹo "thèo lèo cứt chuột" (một dạng kẹo lạc mè đen).

"Cúng cái gì ngọt ngọt hối lộ ông Táo để ông tâu với Ngọc hoàng những lời tốt đẹp về gia chủ", ông Trảng nói vui.

Hăm ba ông Táo chầu trời, bình vôi ở lại chịu đời đắng cay- Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - Ảnh: QUỲNH MY

* Sao chỉ cúng áo mà không cúng quần cho Táo quân?

Dân gian có câu:

"Ông Táo mặc áo hổng mặc quần". Tập tục chỉ cúng áo mà không cúng quần cho Táo quân.

Lý do là gì tới bây giờ vẫn chưa truy nguyên được.

Còn mũ, áo, hia, mỗi năm một màu trong ngũ sắc, tương ứng vào hành (thuộc ngũ hành) của thiên can năm đó.

(Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng)

Tết ông Táo báo hiệu mùa Tết cổ truyền về

Chiều Xuân và cành đào đầu tiên của Tết Giáp Thìn - Ảnh: NVCC

Chiều Xuân và cành đào đầu tiên của Tết Giáp Thìn - Ảnh: NVCC

Căn bếp có ý nghĩa rất quan trọng đối với tâm thức mỗi người Việt.

Có đầm ấm, khỏe mạnh, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình ra sao, cứ nhìn vào bếp khắc rõ.

Vì thế, hằng năm với lễ tiễn ông Táo, gia đình tôi luôn chuẩn bị một cách cẩn thận.

Thêm nữa, Tết ông Táo là cái Tết đầu tiên báo hiệu một mùa Tết cổ truyền sắp sửa về, cũng là một lời nhắc, để lỡ có ai tham công tiếc việc thì sực tỉnh, nhớ thu xếp để về với gia đình. Ý nghĩa lắm.

Đợt này, tôi đang quay một bộ phim mới của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, rất bận nhưng ngày cúng ông Táo cũng phải chạy về nhà, cố gắng luộc một nồi măng để nấu canh măng, chân giò...

Đây là món ăn quen thuộc của gia đình Chiều Xuân mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Bên cạnh đó, nấu thêm nồi canh bóng, làm một đĩa nộm cộng với đồ mà con gái Hồng Mi mang sang như thịt quay, nem, bồ câu quay, má lợn nướng... Thế là có một mâm cỗ khá tươm tất.

(Diễn viên Chiều Xuân)

Cá chép ông Công ông Táo giá rẻ nhưng bán Cá chép ông Công ông Táo giá rẻ nhưng bán 'chậm sốt cả ruột'

Sát ngày cá chép "cõng" ông Công ông Táo về trời nhưng sức mua chưa lớn, tiểu thương chợ cá Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội sốt ruột vì nhập nhiều hàng hơn năm ngoái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên