03/08/2017 10:20 GMT+7

Hai hồi ức trận mạc và sự chân thật đậm chất lính

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Hai cuốn hồi ức trận mạc của hai cựu binh chiến trường Campuchia cùng ra mắt đúng dịp 27-7 vừa qua: Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn và Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến.

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Đ.DỤC

​Bây giờ, Đoàn Tuấn là một biên kịch điện ảnh tên tuổi với nhiều kịch bản đã dựng thành phim như Chiếc chìa khóa vàng, Đường thư, Sống cùng lịch sử....; còn Nguyễn Ngọc Tiến đã là một nhà “Hà Nội học” với các cuốn sách Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội...

Nếu hơn 30 năm trước, súng đạn chiến trường không né hai chàng lính trẻ ấy, thì giờ đây làm sao chúng ta có được những bộ phim, những cuốn sách như vừa kể?

Bởi cả Đoàn Tuấn và Nguyễn Ngọc Tiến đều vào lính khi vừa tốt nghiệp cấp III. Cởi chiếc áo trắng học trò thủ đô khoác áo lính quân trường rồi lăn lóc trên rừng núi bưng biền Campuchia - một xứ sở mà những năm tháng đó, với những chàng trai tuổi 18 vẫn vô cùng lạ lẫm.

Đọc những tập hồi ức này mới biết tuổi trẻ bi tráng của những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất bạn. Những người lính ngã xuống không chỉ vì súng đạn lúc giao tranh, có rất nhiều cái chết vì mìn, vì sốt rét, vì khát, vì lạc rừng, vì hổ vồ, rắn cắn...

Những cánh rừng đất Miên hơn 30 năm trước, đọc trong hồi ức cựu binh chiến trường K vẫn hoang dã ma quái không thua gì những cánh rừng già ở Amazon.

Làm sao có thể hình dung được có người lính lên cơn sốt ác tính, thấy suối ngập nước là lên cơn, và người lính ấy chỉ có thể nằm vật ra và hát, hát, hát!

Những bài hát nhạc đỏ nhạc vàng nhạc lính lẫn lộn, hát từ trưa hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau thì trút hơi thở cuối cùng!

Làm sao có thể hình dung được vì đêm xuống, sau cơn sốt khát quá, một thương binh rời bệnh xá, đi mãi về hướng gió mát để tìm nước, anh lao xuống đầm lầy, đầm đã cạn, anh cứ thế lội giữa bùn tìm cho được nước, khi gặp nước, uống no nê, anh gục xuống đầm lầy và hàng ngàn con đỉa như trái chuối bu đến hút máu người lính, hôm sau, đồng đội đi tìm, đưa xác anh về, một tiểu đội ngồi để rứt những con đỉa khát máu ấy ra khỏi thịt da...

Một người lính khác, chỉ vì chuyện nhu cầu con người mà vi phạm kỷ luật, bị xử bắn ngay tại chiến trường, sau này anh em đơn vị về tìm nhà, gia đình anh cương quyết từ chối tiếp cán bộ đơn vị.

Điều làm nên sự hấp dẫn của cả hai cuốn sách là sự chân thật đậm chất lính.

Có lẽ cũng là một sự may mắn khi hai anh viết tập hồi ức này sau 40 năm từ ngày nhập ngũ, có những chuyện mà chỉ có thể đến bây giờ, vào thời điểm này mới được kể ra trọn vẹn và được in.

Chúng ta vẫn đọc hồi ức của nhiều tướng lĩnh, ở đó không có những câu chuyện như hồi ức của các binh nhì, nhưng lịch sử luôn chân thật nhất từ những trang viết như thế này!

Hàng vạn đồng đội của họ đã chết để họ được sống và kể lại câu chuyện của thế hệ mình.

Và chúng ta, trong chừng mực nào đó nếu không biết đến những năm tháng bi tráng của một thế hệ tình nguyện quân trên chiến trường K như thế, chúng ta sẽ vô cùng có lỗi!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên