31/08/2018 15:22 GMT+7

Hai 'địa chỉ đỏ' tiền khởi nghĩa

ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG
ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Cùng với Hà Nội, Huế, Sài Gòn, những ngày khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu tháng 8-1945 ở Đà Nẵng cũng hào hùng, sôi động...

Hai địa chỉ đỏ tiền khởi nghĩa - Ảnh 1.

Ngoài việc thờ ông nội Cự Tùng, gia đình ông Nguyễn Văn Châu còn thờ các nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh - Ảnh: ĐĂNG NAM

Chuyện về ngôi trường tư thục đầu tiên ở Trung Kỳ do ông Cự Tùng lập nên hay chuyện về hiệu sách Việt Quảng ở Đà Nẵng là một trong số các "địa chỉ đỏ" ít người biết đến.

Trường ông Cự Tùng

Căn nhà số 52-54 đường Trần Bình Trọng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nằm lẩn khuất sau những cây cảnh lớn. Phía trước vốn là một chợ xép khá nổi tiếng có tên Cây Me. Đây là một trong số rất ít căn nhà cổ còn sót lại ở thành phố này kể từ thời Pháp thuộc. 

Chủ căn nhà ấy là ông Nguyễn Văn Tùng (còn gọi là Cự Tùng) - người sáng lập trường tư thục đầu tiên ở xứ Trung Kỳ và là nơi nuôi dưỡng nhiều chí sĩ yêu nước như Đỗ Quang (bí thư chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở xứ Quảng), Lê Văn Hiến (bộ trưởng Chính phủ Cách mạng lâm thời nước VN dân chủ cộng hòa)...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đầy ắp "dấu ấn tiền khởi nghĩa" ấy là một ông già tóc bạc phơ - bác sĩ Nguyễn Văn Châu, tuổi gần 80. Ông Châu là cháu nội ông Cự Tùng. 

Chỉ tay lên tấm liễn bằng gỗ khảm bốn chữ vàng "Khang dân hộ quốc" treo trang trọng giữa nhà, ông Châu bảo dòng chữ đó có nghĩa "làm cho dân giàu, bảo vệ đất nước", là lý tưởng mà ông nội của ông suốt đời đeo đuổi".

Giàu có do làm nghề kinh doanh khách sạn, nhà hàng bên sông Hàn, nên ông Nguyễn Văn Tùng được gọi ông "Cự Tùng". 

"Dù là thương gia rất giàu có, nhưng ông nội tôi lại là người có khuynh hướng độc lập dân tộc. Vì vậy, ông tìm cách kết giao với các chí sĩ yêu nước lúc bấy giờ như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế..." - ông Châu cho biết. 

Những tháng ngày giao lưu với các nhân sĩ trí thức ấy, ông Cự Tùng đã nhìn ra một điều: tiền bạc không phải là số một, cái cần, quan trọng cho xã hội lúc này chính là tri thức.

Những tháng ngày giao lưu với giới nhân sĩ trí thức ấy, ông Cự Tùng đã nhìn ra một điều: tiền bạc không phải là số một, cái cần, quan trọng cho xã hội lúc này chính là tri thức

Bác sĩ NGUYỄN VĂN CHÂU

Năm 1920, ông Cự Tùng quyết định lập nên trường tư thục mang tên mình (nay là số nhà 52-54 đường Trần Bình Trọng). 

Trường có năm lớp dạy tiếng quốc ngữ đầu tiên ở xứ Trung Kỳ với đội ngũ giáo viên là những người có tinh thần khai hóa dân trí. Những lớp học tiếng Việt đầu tiên "ra lò" từ trường Cự Tùng bắt đầu gây tiếng vang, nhiều gia đình giàu có ở Đà Nẵng đưa con đến xin học.

Năm 1927, khi Trường Quốc học Huế bãi khóa, nhiều học sinh đã vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng nhằm tránh đàn áp và được ông Cự Tùng che chở, cưu mang. 

Tháng 6-1927, ban vận động thành lập Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Quảng Nam chuyển hoạt động về Đà Nẵng. Họ móc nối ông Cự Tùng. Các ông Đỗ Quang, Lê Văn Hiến hằng ngày đến trường Cự Tùng dạy học nhưng thực chất là hoạt động cách mạng.

Tháng 9-1927 tại trường Cự Tùng, chi bộ của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Nam được thành lập do ông Đỗ Quang làm bí thư. 

Hoạt động được hai năm, ông Đỗ Quang bị Pháp bắt đi đày ở Lao Bảo. Trường Cự Tùng đóng cửa nhưng vẫn âm thầm trở thành trụ sở bí mật của Tỉnh bộ hội.

Cuối năm 1945 khi cách mạng nổ ra, lo sợ người Pháp trả thù, ông Cự Tùng đưa gia đình tản cư lên Trung Phước (Nông Sơn, Quảng Nam). Hai năm sau ông mất. 

Mãi đến năm 1992, ngôi nhà số 52 mới được Sở Văn hóa - thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đưa vào danh sách đăng ký bảo vệ theo diện di tích cách mạng.

Hai địa chỉ đỏ tiền khởi nghĩa - Ảnh 3.

Căn nhà số 52 -54 đường Trần Bình Trọng (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) được đưa vào danh mục di tích cần bảo quản - Ảnh: ĐĂNG NAM

Từ Việt Quảng đến VietQuang

Không may mắn như trường Cự Tùng, dấu tích nhà sách Việt Quảng giờ chỉ là tấm bia đá lưu niệm trước ngôi nhà số 112 đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Theo ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, hiệu sách Việt Quảng chính là nơi lưu dấu một phần sự nghiệp cách mạng của các nhà lãnh đạo cấp cao như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Theo hồi ký của nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Sơn Trà, chính ông và Lê Văn Hiến là hai người đầu tiên bàn bạc tìm cách mở một cửa hiệu bán sách. 

Họ hỏi thuê một ngôi nhà trên đường Courbet (đường Bạch Đằng ngày nay) để mở hiệu sách tên "Việt Quảng" do ông Lê Văn Hiến đặt và làm chủ hiệu (năm 1936).

Theo Nguyễn Sơn Trà, ngoài bán sách báo, Việt Quảng còn là nơi cung ứng các món thổ sản khác như gạo, bắp, trứng vịt... do hiệu sách về các vùng quê lùng mua đưa lên bán. 

Đang "ngon trớn" thì việc làm ăn tụt dốc. Lý do: nhiều cán bộ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi mượn tiền Việt Quảng mua thổ sản vì nhiều trở ngại đã không mang hàng về Đà Nẵng được khiến Việt Quảng rơi vào nợ nần buộc ông chủ hiệu sách Lê Văn Hiến phải đi tù 6 tháng.

Ông Nguyễn Sơn Trà thay mặt ông Hiến gánh vác hiệu sách bằng cách đi vay 300 đồng, đổi tên hiệu sách từ Việt Quảng sang VietQuang, thay địa chỉ liên tục nhằm che mắt mật thám.

Nếu Việt Quảng lúc đầu có tiếng vang lớn về mặt kinh tế thì VietQuang lại trội về mặt chính trị với các hoạt động như phong trào truyền bá quốc ngữ, cuộc bầu cử Phan Thanh và Đặng Thai Mai, phong trào Đông Dương đại hội với sự hiện diện của những tên tuổi như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Phan Đăng Lưu...

"Cái đinh trong mắt"

ruou vang

Hiệu sách Việt Quảng trên đường Courbet (112 đường Bạch Đằng, Q.Hải Châu) - một "địa chỉ đỏ" trước tiền khởi nghĩa ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG chụp lại

Hiệu sách VietQuang tồn tại là một cái đinh trong mắt mật thám Trung Kỳ, nhất là với tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi.

Năm 1940, tác phẩm Nguc KonTum của ông Lê Văn Hiến bị cấm phát hành. Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Đoàn Bá Từ... bị bắt khiến hiệu sách VietQuang phải giải tán.

----------------

Kỳ tới: Ông trưởng Ban khởi nghĩa

ĐĂNG NAM - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên