07/06/2024 13:10 GMT+7

Hà Nội: Hai thí sinh đặc biệt được mang điện thoại vào phòng thi lớp 10

Hai thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội được mang điện thoại vào phòng thi, để bấm truyền insulin mỗi khi cần.

Hai thí sinh phải truyền insulin 24/24 giờ được sắp xếp thi riêng tại phòng thi dự phòng - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Hai thí sinh phải truyền insulin 24/24 giờ được sắp xếp thi riêng tại phòng thi dự phòng - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bộ truyền insulin bán tự động được hai thí sinh mang vào phòng thi gồm ba thiết bị: máy đo chỉ số insulin trong máu, gắn ở bắp tay; máy tiêm insulin, có màn hình hiện chỉ số và dây gắn với bụng; điện thoại được kết nối bluetooth với máy tiêm, để người dùng nhấn lệnh tiêm khi cần thiết.

Hai thí sinh đặc biệt nhất kỳ thi vào lớp 10

Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội sáng 7-6 cho thấy gần 400 học sinh đã đến điểm thi làm thủ tục dự thi vào lớp 10. Điểm thi này có hai thí sinh đặc biệt nhất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội, cả hai đều cần phải cung cấp insulin 24/24 giờ.

Do vậy khi vào phòng thi, thí sinh sẽ mang theo một bộ truyền insulin bán tự động gắn trên người gồm hai thiết bị và 1 chiếc điện thoại để điều khiển, bấm tiêm insulin khi cần.

Trong hai thí sinh đặc biệt, một em học Trường THCS Đồng Tháp, một em học Trường THCS Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Chị H., phụ huynh của thí sinh học Trường THCS Đồng Tháp, cho biết con chị bị tiểu đường type 1 - thiếu insulin toàn phần. Bệnh khởi phát từ tháng 11-2023, chỉ trong một tuần con bị sụt cân từ 66kg xuống 60kg.

"Con phải lắp một thiếu bị theo dõi đường huyết liên tục, gắn ở tay, để lúc nào đường huyết cũng ở trong định mức cho phép. Nếu cao thì phải tiêm insulin, đường huyết tụt thì cho con ăn. Cao quá hay thấp quá đều bị ngất", chị H. kể.

Theo chị H., chiếc máy cung cấp insulin con đang gắn là máy bán tự động, được điều khiển bằng điện thoại bên ngoài. Mỗi lần bơm insulin sẽ dùng điện thoại để thao tác, nếu không có thiết bị này thì phải tự tiêm trực tiếp.

"Ban đầu khi biết cháu bị bệnh, tâm lý tôi quá tụt dốc. Nhưng giờ cũng có phương án để con sống bình thường. Giờ tôi chỉ ước mong con khỏe mạnh để thi, đạt kết quả cao nhất", chị H. nói.

Bộ thiết bị truyền insulin bán tự động được thí sinh gắn trên người 24/24 giờ, sẽ sử dụng trong phòng thi - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bộ thiết bị truyền insulin bán tự động được thí sinh gắn trên người 24/24 giờ, sẽ sử dụng trong phòng thi - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Kiểm soát thiết bị và điện thoại trong phòng thi ra sao?

Ông Trần Nguyên Hạnh, điểm trưởng điểm thi Trường THPT Thọ Xuân, cho biết điểm thi có 16 phòng thi, 384 thí sinh dự thi, trong đó có 2 thí sinh cần truyền insulin 24/24 giờ.

Khi nhận thông tin về 2 thí sinh này, ông cũng rất lo lắng. Trước tiên là lo sức khỏe của thí sinh, sau đó là lo về mặt kỹ thuật.

"Các thiết bị có thể được gắn kèm thiết bị gian lận, bản thân chúng tôi đã được tập huấn nhưng không có nghiệp vụ", ông Hạnh nói.

Ông cũng cho hay điểm thi đã yêu cầu gia đình hai học sinh ký cam kết, gồm cam kết về sức khỏe các con đảm bảo đi thi, cam kết thiết bị hỗ trợ của các con không gắn các phương tiện thu phát thông tin.

Ngoài ra, đầu giờ mỗi buổi thi, ban chỉ đạo kỳ thi sẽ tổ chức kiểm tra các thiết bị cung cấp insulin và điện thoại do hai học sinh này mang vào phòng thi.

"Vì gia đình các em chỉ có một bộ thiết bị gắn trên người học sinh 24/24 giờ, do vậy trước mỗi buổi thi sẽ có bộ phận kiểm tra thiết bị và ký vào biên bản kiểm tra. Biên bản kiểm tra thiết bị hỗ trợ sức khỏe học sinh phải có công an, giám thị và nhân viên y tế ký vào.

Nhân viên y tế sẽ kiểm tra hoạt động của bộ máy có hoạt động, đảm bảo yêu cầu của y tế không. Đồng chí công an sẽ đảm bảo thiết bị tại thời điểm kiểm tra có gắn các thiết bị thu phát thông tin hay không", ông Hạnh nói.

Điểm thi đã chuẩn bị 1 phòng thi dự phòng, hai học sinh trên sẽ thi ở phòng thi dự phòng này. Phòng thi có 2 giám thị coi thi bên trong và hai giám thị giám sát bên ngoài để hỗ trợ tình huống phát sinh kịp thời.

Về đề thi, hai thí sinh sẽ được sử dụng đề thi trong túi đựng đề thi dự phòng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, Hà Nội (bác sĩ hỗ trợ thí sinh tại điểm thi), bộ thiết bị truyền insulin hai thí sinh đang dùng là thiết bị mới, mới có trên thị trường. Trước đây người bệnh thường phải tiêm trực tiếp theo giờ.

"Quan trọng nhất phải hướng dẫn người nhà cho học sinh ăn uống bình thường, nếu những hôm đi thi các em ăn ít đi sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tụt đường huyết", ông Long nói.

8 học sinh bị gãy tay phải có người chép hộ

Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội diễn ra vào ngày 8 và 9-6, với ba môn toán, văn, ngoại ngữ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngoài hai thí sinh đặc biệt phải truyền insulin liên tục, kỳ thi vào lớp 10 năm nay còn có 8 em học sinh bị gãy tay sẽ dự thi tại các điểm thi thuộc quận Hoàng Mai, Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm và huyện Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ.

Những em này sẽ được bố trí người viết bài hộ. Quá trình thi và nội dung đọc, chép được lưu lại bằng máy ghi âm do cơ quan an ninh kiểm tra và niêm phong.

Mẹ đưa con đi thi lớp 10 trên xe cấp cứuMẹ đưa con đi thi lớp 10 trên xe cấp cứu

4h sáng, bà Nguyễn Thị Ánh Trang (quận 12, TP.HCM) dậy sớm sửa soạn đồ đạc, giấy tờ đi thi lớp 10 cho con gái Nguyễn Thị Yến Nhi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên