21/02/2019 09:56 GMT+7

Hà Nội - điểm đến hòa bình

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Hai thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh là 'Thành phố vì hòa bình', Hà Nội trở thành nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, bàn về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới.

Hà Nội - điểm đến hòa bình - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội treo quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên chào đón hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cả thế giới đang hướng về Hà Nội, không khí ở thủ đô cũng chộn rộn với công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Ở trung tâm thành phố, công nhân đang gấp rút trang trí cờ hoa, thảm lại mặt đường, tăng cường hệ thống chiếu sáng, cây xanh tại các tuyến phố chính, đặc biệt là khu vực sân bay Nội Bài - đường Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.

Đã có nhiều phân tích về việc Hà Nội được chọn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều: do đáp ứng tốt các điều kiện an ninh, địa lý, hậu cần... 

Tuy nhiên, còn có lý do Hà Nội là thành phố đậm chất phương Đông và là biểu tượng, được thế giới vinh danh là thành phố hòa bình như lời chia sẻ của nguyên đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức, người gắn bó với Triều Tiên ngót nghét 2 thập kỷ.

Cũng là cơ duyên khi Việt Nam từ chỗ là bên liên quan tham gia các hội nghị tại Geneva năm 1954 quyết định chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương và sau đó là Hội nghị Paris năm 1973 với việc ký kết Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. 

Nay, Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam - trở thành nơi tổ chức hội nghị hòa bình cho các quốc gia khác, khu vực và thế giới.

Nếu Geneva và Paris được lưu lại sử sách là nơi bàn về hòa bình ở Việt Nam, nay Hà Nội là nơi góp phần kiến tạo hòa bình ở bán đảo Triều Tiên, từng bên miệng hố chiến tranh cuối năm 2017 khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho có khả năng vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ. 

Tình hình thời điểm đó căng thẳng đến mức có sự so sánh nút bấm hạt nhân của nước nào to hơn...

Sau thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ nhất mang tính chất phá băng quan hệ giữa hai nước từng xem nhau là kẻ thù vào tháng 6 năm ngoái song không thu được kết quả cụ thể, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên được kỳ vọng đạt một kết quả thực chất hơn tại Hà Nội.

Việt Nam cũng muốn làm hết mình để kỳ vọng đó thành hiện thực. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Triều Tiên cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này.

Kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, dù kết quả thế nào, cuộc gặp thượng đỉnh lần hai vẫn mang tính biểu tượng lớn khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã tìm kiếm con đường hòa bình ở một thành phố hòa bình - Hà Nội. 

Vì thế cũng có nhiều kỳ vọng cho chủ nhà Việt Nam từ đất nước "thụ hưởng" hòa bình như ở Geneva và Paris năm nào sang vai trò quốc gia "kiến tạo" hòa bình thông qua một "Tuyên bố Hà Nội" cho bán đảo Triều Tiên trên danh nghĩa vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Hà Nội - điểm đến hòa bình - Ảnh 2.

Công nhân trang trí chào mừng cuộc gặp Mỹ - Triều - Ảnh: NAM TRẦN

Hà Nội - điểm đến hòa bình - Ảnh 3.

Nhiều tuyến đường Hà Nội bắt đầu trang trí, treo cờ chào mừng cuộc gặp Mỹ - Triều - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Ông Trump và ông Kim sẽ ăn tối chung trong ngày đầu ở Hà Nội? Ông Trump và ông Kim sẽ ăn tối chung trong ngày đầu ở Hà Nội?

TTO - Với thời gian cuộc gặp thượng đỉnh lên tới hai ngày, một trong những suy đoán được đưa ra bao gồm Tổng thống Mỹ Trump sẽ có một buổi ăn tối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngay ngày đầu tiên gặp nhau ở Hà Nội.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên