08/11/2014 10:02 GMT+7

​Gương

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Sau ly hôn, nhiều phụ nữ phải tự bươn chải một mình lo cho con. Có người kiên định “vững tay chèo” vượt qua những cơn bão cơm áo gạo tiền.

Bà Đinh Ngọc Hà và con trai Lê Duy Khánh sau khi nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Minh Tâm

Nhưng cũng có người trước “sóng dữ” đã hành động sai phạm để rồi tổ ấm của mẹ con chìm xuống sông sâu.

Gặt trái ngọt hay hái trái đắng ngày mai hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa hôm nay mà ra.

1. Vượt qua

6g, khi nắng ban mai chiếu xuống dãy nhà trọ, bà Đinh Ngọc Hà (46 tuổi, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) vội vã đạp xe đến trường tiểu học. Ở đó công việc của bà là bưng bê, dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú.

Đến 17g, công việc xong, bà về nhà. Cuối tuần, cũng giờ đó, Khánh đạp xe từ Trường đại học Cần Thơ về nghỉ. Ăn uống, tắm rửa xong cũng gần 19g, mẹ ngồi vào bàn may, còn Khánh ngồi học cạnh bên.

Bóng hai mẹ con đổ song đôi ấm cúng trong phòng trọ chỉ với diện tích 6m2 trải dài theo câu chuyện...

Ngày nào còn sức, còn hơi, dù đói rách cũng quyết không cho con nghỉ học

Bà Đinh Ngọc Hà

Bà ly hôn chồng sau nhiều năm chung sống không hạnh phúc. Từ đó bà dồn hết tình thương, niềm hi vọng vào đứa con trai duy nhất là Lê Duy Khánh. Bà làm đủ thứ nghề để lo cho con.

Ban đầu bà thuê đất làm ruộng nhưng không đủ sống nên chuyển sang phụ việc ở căngtin. Rồi sau đó bà xin được chân tạp vụ tại trường học.

Cuộc sống hai mẹ con khá chật vật với tiền lương 1,7 triệu đồng/tháng nên bà lãnh thêm đồ về may gia công, mỗi buổi tối cặm cụi ngồi suốt năm tiếng đồng hồ kiếm tiền công 15.000 đồng...

Dù tiêu xài hết sức dè sẻn nhưng mỗi ngày hai mẹ con cũng tốn 30.000 đồng tiền ăn uống. Có những lúc tiền nhà trọ và nhiều khoản chi tiêu khác ập đến đúng lúc bà đang ốm đau khiến bà phải chạy vạy vay mượn, sau đó cố làm trả nợ.

Khó khăn là vậy nhưng quyết không cho con nghỉ học bởi theo bà, đó là con đường để con có tương lai tốt đẹp.

Không ít lần Khánh định nghỉ học lao vào đời mưu sinh phụ giúp mẹ. Nhưng ý nghĩ ấy đã bị người mẹ dập ngay từ lúc manh nha. Bà nói ngày nào còn sức, còn hơi, dù đói rách cũng quyết không cho con nghỉ học.

Khánh tâm sự: “Mẹ làm vất vả suốt cả ngày nhưng tối nào mẹ cũng ngồi may tới khuya. Nhiều đêm em học xong, ngủ được một giấc, giật mình thức dậy, đồng hồ điểm 1g khuya vẫn thấy bóng mẹ còng xuống cặm cụi ngồi may kiếm từng đồng để lo cho mình ăn học mà thương mẹ vô cùng. Vì vậy nên em quyết chí học để sau này có cái nghề, tự lo bản thân và trả hiếu cho mẹ”.

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, Khánh đậu vào ngành khoa học cây trồng Trường ĐH Cần Thơ. Tuy khó khăn vẫn còn phía trước nhưng cánh cửa ước mơ đã bắt đầu mở ra để Khánh đi vào.

Còn bà Hà bộc bạch mình đã quen với gian khổ rồi, mỗi khi gặp khó khăn bà thường tự nhủ phải mạnh mẽ, kiên định rồi sẽ vượt qua cơn bĩ cực tới hồi thới lai thôi...

Người mẹ nở nụ cười hạnh phúc nói rằng  được cái con ngoan hiền, học giỏi, vừa rồi con lãnh học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ nên bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết...

2. Gục ngã

Cuộc sống hôn nhân thất bại đã khiến bà T.T.H. (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) dồn hết tình thương vào đứa con trai duy nhất tên N.T.T.. Bà vất vả bán cà phê vỉa hè, cộng thêm bán bánh mì để quyết chí lo cho con ăn học thành tài.

Cuộc mưu sinh cơ cực chỉ dừng lại ở mức đủ ăn nhưng bà hạnh phúc khi thấy con mỗi năm đều được danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tuy nhiên khoảng thời gian con đang học cấp II, gặp thời buổi kinh tế khó khăn, người bán cà phê, bánh mì ngày càng nhiều nên thu nhập giảm hẳn trong khi vật giá lại lên cao. Lời rủ rê mua bán ma túy của kẻ xấu rơi đúng vào những ngày ế khách, rồi bà cần tiền phẫu thuật bướu cổ.

Tiền chợ búa, tiền học... vây lấy khiến bà nhắm mắt làm liều với suy nghĩ chỉ một lần kiếm mớ tiền cho qua “cái eo”, sau đó sẽ ngưng không làm chuyện tội lỗi này nữa.

Nhưng số tiền lời của việc mua bán chất gây nghiện khiến bà mờ mắt mờ tâm một lần, hai lần... Bàn tay bà nhúng chàm khoảng vài tháng thì bị bắt. Bà bị tuyên án 5 năm tù.

Mẹ ở tù, đứa con trai được gửi về cho dì nuôi dưỡng. Thời gian đầu, T. vẫn lên lớp đều nhưng sau đó T. thường xuyên trốn học. Người dì mải lo kế sinh nhai và chăm sóc con nhỏ nên không có thời gian quan tâm đến việc học hành của cháu.

Đến khi nhà trường báo tin T. trốn học nhiều lần, dì rầy la, khuyên bảo vài tiếng nhưng T. không nghe, suốt ngày chỉ lêu lổng theo đám bạn xấu gây gổ, đánh nhau...

Ngày bà ra tù thì con trai đã bỏ học một năm. Bà khuyên nhủ, năn nỉ nhưng con nhất quyết không quay trở lại học. Bà cho con học sửa xe để có cái nghề nhưng chưa đầy tháng T. cũng bỏ học. Rồi bà hốt hoảng, kinh hoàng khi phát hiện con trai dính vào ma túy.

Lúc đầu không có tiền hút chích, con ăn cắp tiền, trộm đồ đạc nhà đem bán, sau đó đi trộm vặt đồ đạc hàng xóm.

Mặc cho bà lo cuống cuồng khuyên can ngăn cản nhưng con vẫn lao sâu vào vũng lầy. Thậm chí đứa con còn nói rằng ngày trước mẹ kiếm tiền bằng việc mua bán, còn con mới chỉ hút chích mà thôi, vì vậy mẹ đừng nên can thiệp vào chuyện của con.

Cuộc sống nghiện ngập của con phủ bầu không khí thê lương, ảm đạm xuống gia đình. Tuy nhiên cú sốc điếng người không dừng lại ở đó. Đứa con vì cần tiền hút chích đã đi vào con đường phạm pháp và bị bắt vì tội buôn bán ma túy giống như mẹ ngày xưa...

Tại TAND TP Cần Thơ, bà cúi gằm mặt khóc khi nghe thẩm phán luận tội việc con bà mua bán ma túy là tội ác.

Trên cơ sở nhận định hành vi gây án của T. gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội nên tòa bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm T. bị 3 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy...

Người mẹ khóc nói mẹ đã hại con rồi, nếu mẹ đừng vượt qua “cái eo” bằng chuyện phạm pháp thì giờ con đâu rớt xuống hố sâu thảm kịch như vầy...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên