Hợp đồng thi công xây dựng gói thầu chỉ định thầu nêu trên đã được ký kết giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa với liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - Công ty cổ phần Xây lắp và cơ khí Phương Nam - Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam, công bố từ tháng 8-2023.
Chiều 19-4, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện tại việc thi công xây dựng đoạn đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột theo hợp đồng với liên danh do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An đứng đầu kể trên vẫn chưa thi công được, vì còn vướng chưa có đủ mặt bằng bàn giao.
Hợp đồng gói thầu chỉ định thầu cho liên danh của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An
Dự án trên được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội (số 58/2022/QH15, ngày 16-6-2022) về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Đồng thời theo nghị quyết của Chính phủ (số 89/NQ-CP ngày 25-7-2022) về thực hiện nghị quyết về chủ trương đầu tư của Quốc hội vừa nêu.
Toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, được chia thành 3 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 có chiều dài 31,5km đều thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa, gồm 4 làn xe đường cao tốc. Dự án thành phần này gồm 10 gói thầu, tổng vốn đầu tư hơn 5.333,3 tỉ đồng.
Trong đó, gói thầu số 1 thi công xây dựng đoạn đường cao tốc gần 22km (từ điểm đầu Km0, tại nút giao giữa quốc lộ 26B với quốc lộ 1, thuộc phía nam khu vực cảng Vân Phong đến Km22 đường cao tốc) có giá hơn 2.297,61 tỉ đồng đã chỉ định thầu, hợp đồng giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện.
Còn gói thầu số 2 có giá trị gần 2.119,5 tỉ đồng, thi công xây dựng đoạn đường cao tốc 10km (từ Km22 đến Km32 tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) đã được chỉ định thầu, giao cho liên danh của 4 công ty kể trên, do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An đứng đầu thực hiện.
Theo hợp đồng đã ký kết và công bố, giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa với liên danh 4 công ty do Công ty CP Tập đoàn Thuận An đứng đầu, giá trị hợp đồng gói thầu số 2 đã được giảm 1,93% so với giá trị dự toán gói thầu (giảm hơn 41,05 tỉ đồng).
Vì vậy, đồng thi công gói thầu số 2 chỉ còn hơn 2.078,44 tỉ đồng.
10 gói thầu của dự án thành phần 1 tại Khánh Hòa
Theo thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp cho tỉnh, sau khi phê duyệt dự án đầu tư, từ tháng 8-2023 chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 thuộc dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa có chức năng, nhiệm vụ tổ chức lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình và các công việc khác thuộc dự án đã nêu.
Toàn bộ dự án thành phần 1 đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gồm 10 gói thầu, có tổng vốn đầu tư 5.333,307 tỉ đồng.
Trong đó, có 5 gói thầu được chỉ định thầu theo "cơ chế đặc biệt", 2 gói đấu thầu rộng rãi và 3 gói chỉ định thầu rút gọn.
Đến đầu tháng 4-2024, chủ đầu tư đã thực hiện, ký kết hợp đồng 9 gói thầu trong số đã nêu.
"Cơ chế đặc biệt" áp dụng hình thức chỉ định thầu trong vòng 2 năm
Về cơ chế đặc biệt, tại nghị quyết của Quốc hội (số 58/2022/QH15) đã cho phép "việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt" (được nêu cụ thể trong nghị quyết).
Còn tại nghị quyết của Chính phủ (số 89/NQ-CP), đối với dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã cho phép: bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Đắk Lắk và người có thẩm quyền "áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư".
Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần, Chính phủ đã quy định "việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng)".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận