Làm sao để những nạn nhân may mắn sống sót có thể vượt qua cú sốc này?
Trẻ hoảng loạn khi không có người thân
Rạng sáng 13-9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận những trường hợp cấp cứu đầu tiên của vụ cháy, trong đó có không ít trẻ nhỏ. Kể lại thời điểm các nạn nhân được chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện, bác sĩ Lê Thị Lan Anh - phó giám đốc Trung tâm nhi khoa bệnh viện này - chia sẻ sau khi cấp cứu, bảy bệnh nhi được chuyển về trung tâm tiếp tục điều trị.
"Lúc này, một số bệnh nhi không có người thân đi cùng do cha mẹ, người thân cũng gặp nạn. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cố gắng ổn định tâm lý, chăm sóc hồi sức, làm các xét nghiệm cho trẻ. Không có người thân, các trẻ rơi vào trạng thái hoảng loạn, các bác sĩ phải chăm sóc cả về tinh thần, động viên, trấn an trẻ", bác sĩ Lan Anh nói.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sau bốn ngày xảy ra hỏa hoạn, hai cha con nạn nhân vụ cháy vẫn không thể ổn định tâm lý bởi hai người thân còn lại đã không còn. Đó là những câu chuyện đau lòng mà người ở lại phải gánh chịu, họ sẽ phải vượt qua những ám ảnh của vụ cháy, của việc mất đi người thân.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho hay khi đối mặt với tình huống nguy hiểm đến tính mạng của mình hoặc chứng kiến người thân, người cùng sống trong chung cư mini tại Khương Hạ hoảng loạn hoặc bị chết, chắc chắn đó là "sự kiện" sang chấn tâm lý lớn của những người còn sống.
"Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ trong một vài ngày hay một vài tháng mà thậm chí cả vài năm hoặc vài chục năm. Những sự kiện sang chấn sẽ được lưu trữ trong phần trí nhớ dài hạn của mỗi người và họ sẽ gần như không thể quên được trong suốt cuộc đời mình", chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng chia sẻ.
ThS Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - cho hay chúng ta dễ bị sang chấn tâm lý khi gặp những biến cố lớn trong cuộc sống. Nếu tình trạng này không được can thiệp, giải tỏa thì dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn tâm lý.
Tại khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã từng tiếp nhận thăm khám, tư vấn, điều trị một số bệnh nhân bị sang chấn tâm lý do gặp những cú sốc như bị thương tật sau tai nạn, mất người thân đột ngột... Những bệnh nhân này phải mất khoảng một năm theo dõi, điều trị tâm lý mới trở lại cuộc sống bình thường.
Dễ bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý
ThS Quang TrọngTrọng cho hay trạng thái cảm xúc của các nạn nhân thường có những biểu hiện điển hình với năm giai đoạn.
Giai đoạn đầu: chối bỏ, không chấp nhận người thân bị mất nhưng mình lại sống. Giai đoạn 2: tức giận, có xu hướng trách móc bản thân rằng tại sao bản thân không cứu người nhà, không cẩn thận phòng tránh. Giai đoạn 3: thương lượng, chính bản thân họ phải đưa ra giải pháp và cố gắng xoa dịu. Giai đoạn 4: trầm cảm. Giai đoạn 5: chấp nhận sự việc.
"Một trong năm giai đoạn này không đi theo một mô hình tuyến tính nào. Mỗi người có giai đoạn khác nhau. Có người ở giai đoạn chối bỏ xong đến chấp nhận, nhưng có người trải qua từng giai đoạn. Năm giai đoạn này thường dưới một tháng, thường 1-2 tuần. Nếu không vượt qua được, họ có thể đối diện rối loạn stress sau sang chấn", ông Trọng chia sẻ.
Theo ông Trọng, việc nhận biết các triệu chứng ban đầu khi bị rối loạn stress sau sang chấn rất quan trọng, giúp cảnh báo nạn nhân và người thân biết cách giải tỏa, tìm người hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể các triệu chứng đó gồm: cảm giác tái hiện cú sốc đã xảy ra, cảm giác tránh né những sự việc tương tự, nhạy cảm quá độ, phản ứng quá mức. Những triệu chứng này có thể kéo dài một tháng và dễ tái hiện. Bên cạnh đó, những vấn đề về thể chất như bị bỏng, bị thương... cũng là yếu tố cấu thành "góp phần" dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn.
Làm sao để vượt qua sang chấn tâm lý?
Để vượt qua giai đoạn sang chấn tâm lý ban đầu, ThS Trọng khuyến cáo bệnh nhân phải hiểu và chấp nhận tình trạng của bản thân, học cách đối diện với sự thật, dừng lại việc tự đổ lỗi cho bản thân, cải thiện giấc ngủ, thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, nên gặp gỡ và chia sẻ với bạn bè, người thân nhiều hơn.
Bên cạnh đó, người thân cần chú ý nhận biết bệnh nhân ở giai đoạn nào sau cú sốc để tìm cách giải quyết phù hợp. "Chẳng hạn nếu nạn nhân ở giai đoạn chưa chấp nhận biến cố, trong khi chúng ta chia sẻ, quan tâm không tinh tế, thì có thể vô tình gợi lại nỗi đau buồn, mất mát của họ", bác sĩ Trọng nói và khuyến cáo đưa bệnh nhân đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời nếu bị sang chấn tâm lý kéo dài trên hai tuần.
Chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng cho biết thêm, giai đoạn phục hồi sức khỏe tinh thần cho các nạn nhân là rất quan trọng. Những hoạt động có thể thực hiện bao gồm khám, đánh giá mức độ sang chấn, đưa ra phác đồ hỗ trợ cụ thể, thực hiện các liệu pháp trị liệu, các kế hoạch sử dụng hóa dược trong điều trị là những ưu tiên hàng đầu.
Tiếp theo, với sự hỗ trợ của các cán bộ công tác xã hội, các chuyên viên tâm lý... để có thể lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và giúp các nạn nhân cân bằng cảm xúc, chấp nhận mất mát, dần vượt qua sợ hãi để quay lại với cuộc sống", ông Hoàng nói.
Đối với những người trực tiếp bị sang chấn cũng cần có các biện pháp tự chăm sóc bản thân để có được sức khỏe tinh thần và thể chất một cách tốt hơn. Có thể cân bằng cuộc sống bằng việc đưa ra những kế hoạch, dự định trong tương lai, làm việc, kết nối với những người xung quanh. Kết nối với chuyên gia, bác sĩ ngay khi có những lo lắng, căng thẳng, sợ hãi xuất hiện mà bản thân không thể tự mình vượt qua được.
Cần có kế hoạch hỗ trợ nạn nhân trong vụ cháy một cách dài hạn
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng cho rằng dư âm của sang chấn trên sức khỏe tinh thần của các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua sẽ kéo dài, thậm chí cả vài chục năm. Vì vậy các kế hoạch hỗ trợ không nên là những kế hoạch ngắn hạn và tự phát, mà nên là những kế hoạch dài hạn có định hướng từ vài năm đến trên 10 năm để có thể hỗ trợ kịp thời nhất (có những đánh giá lại thường xuyên về sức khỏe tinh thần trên những nạn nhân).
Vụ cháy chung cư mini tác động tâm lý trẻ ra sao?
Việc đối diện với lửa, khí ngạt đã là một điều kinh khủng với trẻ em; việc phải đón nhận các thương vong của người thân yêu còn để lại sang chấn kinh khủng hơn.
Khi gặp phải lửa, khói ngạt, đám đông hoảng loạn là một sự đe dọa tới sự sống còn, các em sẽ lập tức bị kích hoạt cơ chế phản ứng mạnh mẽ của cơ thể lẫn tâm trí. Và các phản ứng đó sẽ kéo dài về sau, ngay cả khi tình huống khẩn cấp qua đi.
Nhiều trường hợp các em có thể phản kháng mạnh như la hét, khóc lóc hoặc trở nên khép kín, từ chối tương tác, tiếp xúc sau đó.
Trong trường hợp gia đình có người tử vong, các mất mát vô cùng đột ngột. Nhiều trẻ sẽ sốc, không dễ dàng để đón nhận thực tế này. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ phát triển, nhận thức của mỗi trẻ mà phản ứng của các em có thể khác nhau.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Lancet năm 2020 chỉ ra những người có tình trạng lo lắng, cô đơn, căng thẳng do Covid-19 hoặc có các triệu chứng trầm cảm dự báo sẽ gặp vấn đề mất ngủ và ý định tự sát.
Ở các bệnh nhân sống sót sau cơn bệnh "thập tử nhất sinh", ghi nhận mức độ lo âu, trầm cảm và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) kéo dài đến hơn một năm kể từ ngày xuất viện. Đối với các bệnh nhân suy hô hấp cấp tính nặng còn gặp phải tình trạng suy giảm khả năng chú ý, tập trung, giảm trí nhớ và tốc độ xử lý.
Để biết chính xác mức độ sang chấn cần đưa trẻ đến các bệnh viện, trung tâm có chuyên ngành tâm lý - tâm thần để được đánh giá và trợ giúp.
ThS tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận