10/11/2023 16:59 GMT+7

Giữ lại đôi chân cho cô gái mắc u tế bào khổng lồ xương

Cô gái trẻ 25 tuổi tưởng chừng đã phải cắt cụt đùi do mắc phải căn bệnh u tế bào khổng lồ xương. Thế nhưng, các bác sĩ đã giữ lại trọn vẹn đôi chân cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã giữ lại trọn vẹn đôi chân cho bệnh nhân mắc u tế bào khổng lồ xương - Ảnh: BVCC

Các bác sĩ đã giữ lại trọn vẹn đôi chân cho bệnh nhân mắc u tế bào khổng lồ xương - Ảnh: BVCC

Chị Đ.T.T.H. (25 tuổi, trú tỉnh Đắk Lắk) mắc u tế bào khổng lồ xương, được điều trị tại nhiều cơ sở y tế và được phẫu thuật nạo u xương 2 lần. Thế nhưng, khối u tái phát lan rộng gây biến dạng khớp gối phải, mất khả năng vận động.

Chị H. tái khám, được chỉ định cắt cụt đùi do không có khả năng bảo tồn. Ở độ tuổi còn rất trẻ, chị H. không thể tin mình sẽ trở thành người khuyết tật.

Với hy vọng ít ỏi còn sót lại, chị H. đến Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) thăm khám. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ xác định chị H. có khối u kích thước 15 x 20cm nằm ở cẳng chân phải, lan lên 1/3 dưới đùi phải. 

Kết quả giải phẫu bệnh của bệnh nhân H. là u tế bào khổng lồ xương.

Bác sĩ Hoàng Tuấn Anh - trưởng khoa ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K - xác định đây là một ca khó vì u rất to, lan rộng cả đùi gối và cẳng chân phải, liên quan với các mạch máu, thần kinh lớn vùng đùi khoeo chân phải.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u và thay khớp gối cho bệnh nhân.

Bác sĩ Tuấn Anh cho hay ca mổ rất khó khăn vì u to, vị trí u ôm xung quanh bó mạch thần kinh.

Khối u tái phát len lỏi trong các bó cơ nên việc lấy toàn bộ khối u cần đảm bảo triệt căn, không còn u. Đây là vấn đề mấu chốt hạn chế tái phát sau mổ.

"Đầu tháng 10, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân được cắt rộng xương chày có u, một phần đầu dưới xương đùi và các bó cơ thâm nhiễm.

Đồng thời, thay toàn bộ khớp gối phải, dạng Modul chuôi dài cá thể hóa theo tổn thương u của bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng đã diễn ra thành công", bác sĩ Tuấn Anh thông tin.

Trải qua ca phẫu thuật với thời gian dài, cùng với sự chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng ngay sau mổ, chị H. tiến triển và hồi phục rất nhanh chóng.

Chị H. đã tập đi lại được dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế ngay trong tuần đầu hậu phẫu tại khoa, hiện đã tự đi lại có nạng.

"Hiện bệnh viện đã ứng dụng rất nhiều phương pháp hiện đại để điều trị các bệnh ung bướu và đạt được nhiều thành công.

Vì vậy, người bệnh mắc ung thư không nên bi quan, hãy tin tưởng vào sự phát triển của các kỹ thuật và các phương pháp trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung bướu hiện đại", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Theo các bác sĩ, u tế bào khổng lồ xương, chiếm 5 - 10% các khối u xương nguyên phát, thường gặp nhất ở độ tuổi lao động từ 30 - 40, tỉ lệ nữ mắc bệnh gấp khoảng 1,3 - 1,5 lần so với nam giới. U tế bào khổng lồ có nguy cơ tái phát rất cao từ 10%-50%

Việc điều trị u tế bào khổng lồ xương gặp rất nhiều khó khăn do u thường gây tiêu hủy hết xương, nếu khối u phát triển ở phần khớp thì bệnh nhân không còn điểm tựa để thay khớp.

Phương pháp điều trị mổ lấy u là chủ yếu, nhưng u vẫn có thể tái phát với tỉ lệ rất cao, tạo nên vòng luẩn quẩn của việc u gây tiêu xương, mổ lấy u, u lại tái phát gây tiêu xương tiếp tục, lại phải mổ lấy u… dẫn đến nhiều bệnh nhân buộc phải cắt cụt chân tay và tàn phế.

60% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật60% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật

Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có trên 182.000 ca mắc ung thư mới, trong đó có những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung chỉ mới 15 tuổi. Tuy nhiên, cũng có tới 60% bệnh ung thư được chữa khỏi bằng phẫu thuật đơn thuần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên