13/10/2018 14:58 GMT+7

Giáo viên hợp đồng tại Cà Mau trở lại lớp, tiếp tục cống hiến

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Gánh lo đã vơi đi sau khi UBND tỉnh Cà Mau chủ trương không cắt giảm cơ học biên chế giáo viên hợp đồng, tiếp tục hợp đồng với số giáo viên còn thiếu.

Giáo viên hợp đồng tại Cà Mau trở lại lớp, tiếp tục cống hiến - Ảnh 1.

Một lớp học có giáo viên vừa được tái hợp đồng tại Cà Mau - Ảnh: THÙY TRANG

Nhiều giáo viên nói giờ đây họ chỉ mong tiếp tục được đứng lớp, được cống hiến cho nghề bằng tất cả đam mê sau những ngày chờ đợi.

Bây giờ tỉnh vẫn hợp đồng thì chúng tôi tiếp tục dạy, nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn do năm nay như vậy rồi. Chúng tôi cũng phập phồng lo sợ không biết năm sau có nguy cơ cắt giảm nữa hay không, còn hiện tại vẫn giữ nghề đến khi nghề không giữ nữa sẽ tìm con đường khác

Cô ĐỖ THỊ HẠNH NGUYÊN (giáo viên Trường THCS Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi, Cà Mau)


Năm nay cứ vui...

Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau có chủ trương xin UBND tỉnh để năm học 2018-2019 tiếp tục duy trì hợp đồng với 264 giáo viên, hợp đồng mới 126 người để đảm bảo công tác dạy - học và hoạt động các trường trên địa bàn tỉnh.

Sau khi UBND tỉnh chấp thuận, nhiều nhà giáo trước đây thấp thỏm với nỗi lo cắt giảm hợp đồng bây giờ đã có thể bình tâm thoải mái, sớm ổn định tinh thần trở lại lớp.

Chia sẻ về "bước ngoặt" này, cô Đỗ Thị Hạnh Nguyên - giáo viên Trường THCS Quách Văn Phẩm (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) - nghẹn ngào nói: "Khi nhận được thông báo, tôi cùng chồng rất mừng vì tôi cùng chồng được hợp đồng lại, cả hai vợ chồng không phải chuyển công tác.

Chúng tôi được trở lại lớp dạy học trò, vơi bớt nỗi lo về cơm áo. Vợ chồng tôi vẫn đồng hành dạy học, vẫn được ở lại trường cũ chia sẻ trách nhiệm cho nhau, nếu cắt giảm thì cuộc sống cả hai không biết sẽ như thế nào...".

Hoàn cảnh của cô Nguyên (dạy môn văn) và chồng - thầy Dương Chí Nguyện (dạy môn sinh học) khá đặc biệt. Cả hai đều là giáo viên hợp đồng, hai đầu lương của vợ chồng gộp lại cũng chỉ gần 6 triệu đồng/tháng và đang nuôi con nhỏ 20 tháng tuổi khá chật vật, thầy cô chưa có nhà riêng, đang ở tạm nhà công vụ của trường, vẫn cần sự giúp đỡ của ông bà nội ngoại hỗ trợ để nuôi con tốt hơn.

Năm học 2017-2018, thầy cô được hợp đồng dài hạn, đến hè có thêm chút tiền hỗ trợ đầy đủ nhưng niềm vui chưa đong đầy thì ngay trong hè nhận được thông tin cắt giảm giáo viên hợp đồng. Cả hai vợ chồng đều hoang mang, thấp thỏm như ngồi trên lửa nhưng không ngừng nuôi hi vọng được trở lại lớp.

Trải lòng về thời gian trước đây mỗi khi hè về không có lương, gia đình cô Nguyên - thầy Nguyện phải gửi con cho ông bà ngoại. Hai vợ chồng vất vả ngược xuôi đi về nhà nội tìm nguồn trái cây buôn bán cho khách vãng lai kiếm thêm tiền tã, sữa cho con.

Số tiền lời không bao nhiêu nhưng phần nào giảm được gánh nặng mưu sinh, đưa gia đình vượt qua những tháng hè để đến những năm học mới. Sinh kế níu vạt áo mà cô thầy vẫn "cháy" hết mình với nghề khi là giáo viên giỏi cấp trường, cả hai vợ chồng đều là lao động tiên tiến được nhận giấy khen từ cấp trên.

Nhiều tâm trạng khi nhận được tin vui tái hợp đồng, cô Nguyên vẫn còn trăn trở: "Gia đình hai thế hệ đều làm nghề giáo nên mọi người đặt niềm tin rất lớn vào nghề, theo đuổi ước mơ đến khi đi dạy nỗ lực bằng tâm huyết truyền đạt kiến thức cho học trò.

Biết được tin không hay, cả cha mẹ, vợ chồng tôi đều hụt hẫng, nếu cắt hợp đồng thì vợ chồng sẽ tìm việc khác, gửi con cho ông bà nuôi giúp".

...Và nuôi động lực tiếp tục cống hiến

Chưa lập gia đình, đồng lương của giáo viên hợp đồng giúp cô Trịnh Thúy Hằng - giáo viên Trường THCS Tân Dân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) - giữ lửa yêu nghề. Dù đang trong diện giáo viên hợp đồng dài hạn nhưng trước thông tin cắt giảm biên chế, cô Hằng cũng mất bình tĩnh, tinh thần sa sút ngay sau đó.

Nhớ lại thời gian cả tỉnh xôn xao về chủ trương cắt giảm hợp đồng giáo viên, cô Hằng cho biết hiện cô là giáo viên "biệt phái" qua trung tâm cộng đồng của xã làm công tác phổ cập giáo dục. Cấp trên chủ trương cắt giảm thì những giáo viên hợp đồng như cô sẽ mất việc, không còn đi dạy nghĩ lại rất buồn và thương học trò, cuộc sống gia đình cũng sẽ rất khó khăn.

"Nghe thông tin được hợp đồng lại, nghĩ mình vẫn còn may mắn và mong được xem xét thấu đáo để nhà giáo chúng tôi không thiệt thòi" - cô Hằng chia sẻ.

Cô Hằng có thâm niên hợp đồng dài hạn gần 6 năm, hiện cô sống với cha mẹ nên khoản lương đủ chăm lo cuộc sống. Gắn bó với vị trí giáo viên phổ cập, cô vui vì vận động nhiều học sinh bỏ học tại địa phương quay trở lại lớp, chia sẻ hoàn cảnh gia đình khó khăn với các em để mỗi học sinh được tiếp thêm nghị lực đến trường.

Nhiều năm tập trung cho công tác phổ cập giáo dục tại địa phương, trong quá trình dạy và học cô phấn đấu trở thành lao động tiên tiến của trường, được cấp huyện tặng giấy khen ghi nhận.

Cô Hằng kiên định: "Trước khi có quyết định chính thức, tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ công tác phổ cập, không suy nghĩ chuyển ngành nghề khác. Được đứng lớp, được làm giáo viên dạy học ở đâu trong ngành giáo dục của tỉnh Cà Mau tôi cũng sẵn lòng".

Điều xót xa cho những giáo viên trong diện hợp đồng là họ đều là giáo viên trẻ, có tâm huyết với nghề giáo, cố gắng mỗi ngày để chung tay giáo dục học sinh tỉnh nhà hoàn thành các mục tiêu giáo dục, và trường học vùng khó rất cần đội ngũ nhà giáo như thế.

Mang thân phận hợp đồng họ vẫn chưa đủ vững tâm, họ vẫn tha thiết vị trí biên chế chính thức để dành toàn lực cho giáo dục.

Cống hiến cho nghề rồi bị hất hủi, ai hiểu cho giáo viên hợp đồng? Cống hiến cho nghề rồi bị hất hủi, ai hiểu cho giáo viên hợp đồng?

TTO - 'Chúng tôi dành cả thanh xuân, cuộc đời của mình cho nghề nhưng khi không còn giá trị sử dụng thì bị phủi một cách sạch trơn...'

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên