05/01/2014 07:29 GMT+7

Môn ngoại ngữ - chìa khóa mở cánh cửa hội nhập

TS NGUYỄN TÙNG LÂM (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)
TS NGUYỄN TÙNG LÂM (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)

TT - Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ, nhiều chuyên gia và bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến đến báo Tuổi Trẻ đề xuất các phương án đưa môn này vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT.

Băn khoăn môn ngoại ngữThi tốt nghiệp THPT: 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọnCải tiến thi tốt nghiệp THPT: giáo viên băn khoăn, học sinh hớn hở

FG9lrftq.jpgPhóng to
TS Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh do tác giả cung cấp

* “Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn”

Tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT đổi mới mạnh mẽ việc thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong năm nay sẽ nhận được ủng hộ của dư luận xã hội vì thể hiện rõ việc chuyển động tích cực sau khi có nghị quyết Trung ương 8, góp phần khôi phục niềm tin của người dân với giáo dục. Nhưng có lẽ việc đổi mới cần tính toán chặt chẽ và phải triệt để, tránh đưa ra những giải pháp nửa vời.

Tôi nghĩ phương án 2 (thi bắt buộc ba môn văn, toán, ngoại ngữ và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại) không hợp lý. Vì trong khi kết quả xét tốt nghiệp có 50% là điểm trung bình môn học lớp 12 thì việc thi năm môn vẫn là nhiều. Hơn nữa xét ở khía cạnh thực tiễn, khó có thể bắt buộc tất cả học sinh trên toàn quốc thi ngoại ngữ được.

Một điều quan trọng nữa cần phải thừa nhận là cách thức thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay không giúp chất lượng dạy học môn này nâng lên mà lại kéo lùi chất lượng. Vì vậy nếu lấy việc “bắt buộc thi ngoại ngữ” là giải pháp cốt yếu đảm bảo chất lượng dạy học môn này, trong khi vẫn giữ cách thi cũ thì mục đích không đạt được. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thi bốn môn, trong đó có hai môn ngữ văn, toán thi bắt buộc. Hai môn còn lại thí sinh được tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học. Nếu áp dụng cách này, tôi nghĩ đa số học sinh thành phố sẽ vẫn thi ngoại ngữ, nhưng học sinh các vùng không có điều kiện dạy học tốt ngoại ngữ sẽ chọn môn khác.

Tôi không tán thành phương án “cộng điểm” đối với môn ngoại ngữ. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình THPT, vì thế không nên cộng điểm ưu tiên, khuyến khích hay xếp loại, càng không nên đưa vào tiêu chí xem xét thi đua của các địa phương. Có làm như thế thì kỳ thi tốt nghiệp THPT mới khách quan. Cũng với quan điểm trên, tôi không đồng ý phương án mở rộng đối tượng miễn thi cho học sinh giỏi với tỉ lệ 20% cho năm. Nên để học sinh dự thi công bằng như nhau.

Còn một điều nữa tôi muốn nói là Bộ GD-ĐT cần đổi mới việc thi tốt nghiệp phổ thông trong bối cảnh đổi mới toàn diện nền GD-ĐT, đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ nên cần đưa ra những quyết định để có tính tiếp nối, thống nhất trên toàn hệ thống. Trong tương lai ta sẽ bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh “3 chung” và giao về cho các trường tự chủ tuyển sinh. Vì vậy, cần tính tới việc sử dụng kết quả tốt nghiệp làm một căn cứ quan trọng trong xét tuyển sinh vào ĐH-CĐ, TCCN. Các trường có thể căn cứ vào kết quả xét tốt nghiệp nhưng cũng có thể căn cứ vào điểm thi của những môn tương ứng với yêu cầu của từng ngành, trường để tuyển sinh.

* Môn bắt buộc

Thế giới đã chứng kiến một Singapore phát triển vượt bậc nhờ vào việc họ đã xem trọng việc học và sử dụng tiếng Anh. Bộ GD-ĐT cần có cách nhìn xa hơn trong việc dạy tiếng Anh cho học sinh. Dạy tiếng Anh là để sử dụng trong giao tiếp với phần còn lại của thế giới, để hội nhập vào thế giới, để hiểu những gì thế giới nói và nói cho họ hiểu những gì chúng ta muốn nói và muốn làm hoặc cùng họ sẽ làm. Ngày nay, học sinh và các bậc phụ huynh đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần thể hiện trách nhiệm của mình, làm tiếng Anh thật sự trở thành một nguồn lực cho việc hội nhập trong 5-10 năm tới đây. Tiếng Anh nên trở thành một môn thi bắt buộc cũng giống như toán, văn.

* Lo cho khả năng giao tiếp

Nên để ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Trong trường sẽ có những bạn học kém môn này, dẫn đến ngại học ngoại ngữ. Lúc thi các bạn này sẽ chọn môn khác chứ không phải ngoại ngữ. Vậy khả năng giao tiếp với thế giới của thế hệ trẻ sẽ đi về đâu?

Lấy ý kiến trong vòng một tháng

Bộ GD-ĐT sẽ trưng cầu ý kiến rộng rãi về dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong một tháng, kể từ ngày 2-1-2014. Theo đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, muộn nhất là ngay sau Tết Nguyên đán sẽ quyết định chính thức phương án thi và công nhận văn bằng năm 2014.

Như vậy thay vì phải chờ tới cuối tháng 3 để biết môn thi tốt nghiệp, học sinh lớp 12 năm nay sẽ có thể xác định môn thi tốt nghiệp sớm hơn gần hai tháng. “Có thêm thời gian ôn thi, phương án thi, công nhận tốt nghiệp phù hợp, giảm bớt căng thẳng sẽ là những yếu tố khiến tình trạng học đối phó, thi tiêu cực giảm mạnh” - ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, phân tích.

TS NGUYỄN TÙNG LÂM (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên