Nhiều gợi ý rằng: “Chất nhờn có trong thân nha đam khi vào cơ thể sẽ giúp cho cơ quan tiêu hóa của bạn hoạt động tốt hơn, vừa giúp giải độc mà vẫn hấp thụ được dinh dưỡng. Khi sử dụng nha đam sẽ giúp bạn tạo cảm giác mau no và no lâu hơn, từ đó sẽ kiềm chế được các cơn đói cũng như hạn chế quá trình tích tụ mỡ thừa”.
Điều đó có đúng không về y học hiện đại và y học cổ truyền?
Hiện nay, chỉ có một số nghiên cứu tác dụng giảm cân của nha đam nhưng chỉ thực nghiệm trên chuột, nghiên cứu trên người rất hạn chế, mặt khác hiệu quả giảm cân trên chuột cũng không cao.
Đồng thời theo Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, nha đam còn có một số độc tính nếu dùng quá liều hoặc kéo dài sẽ gây tổn thương gan (viêm gan cấp, tăng men gan...), suy thận, ảnh hưởng thai nhi, hạ huyết áp, rối loạn chức năng tuyến giáp, tương tác thuốc (Digoxin chữa suy tim, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông, thuốc chống rối loạn nhịp, thuốc kháng giáp...). Tác dụng không tốt này chủ yếu do các thành phần có trong nhựa cây (nhựa vàng chảy ra sau khi cắt lá nha đam).
Trong khi đó, chúng ta thường sử dụng gel nha đam (phần trắng, nhớt sau khi gọt bỏ vỏ xanh) trong ăn uống và làm đẹp, nhưng qua nghiên cứu đo lường cho thấy dù rửa trôi phần nhựa vàng thì phần gel này vẫn còn các hoạt chất anthraquinone trong gel, tuy với liều thấp hơn nhựa cây.
Theo y học cổ truyền, thành phần nhựa cây nha đam thường được sử dụng với mục đích thanh nhiệt, thông tiện, là chất tẩy xổ mạnh, chữa táo bón, có tính hàn.
Nhưng dùng lâu dài sẽ làm rối loạn đặc tính hàn - nhiệt của cơ thể, làm mất quân bình âm - dương, là nguyên nhân gây rối loạn, giảm sút dương khí, chính khí không vững mạnh, cơ thể sẽ cảm thấy lạnh hơn, tiêu hóa kém, hay tiêu chảy, phân sống, rối loạn tiểu tiện, điều nhiệt...
Do vậy khi dùng nha đam giảm cân thông qua tác dụng tẩy xổ của anthraquinone không những không làm giảm cân mà còn gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng về lâu dài. Vì vậy xin đừng dùng nha đam trong giảm cân!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận