Nhật Bản (phải) bị loại sau trận thua Syria - Ảnh: AFC
Không ai nói nhiều về việc liệu HLV Hajime Moriyasu có bị sa thải hay không sau trận thua 1-2 của U23 Nhật Bản trước U23 Syria. Đó là trận thua tiễn Nhật khỏi giải đấu, đồng thời khiến họ đối mặt nhiều chỉ trích vì Nhật sẽ là chủ nhà Olympic 2020 mùa hè tới.
Thua vì vắng ngôi sao châu Âu
Olympic Tokyo 2020 còn nửa năm nữa là khai mạc. Nhiều CĐV Nhật kỳ vọng VCK U23 châu Á sẽ là bước đệm để hướng đến một kỳ Thế vận hội thành công với môn bóng đá. Nhưng kỳ vọng đó là khá bất công với HLV 51 tuổi Moriyasu, khi ông có lẽ chỉ mang tới đất Thái đội hình hai của U23 Nhật Bản.
Những ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu chính là sự khác biệt với hầu hết các đội bóng châu Á. Ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên là những nước xuất khẩu cầu thủ nhiều nhất sang nền bóng đá tiên tiến nhất thế giới.
Nhưng chuyện gì cũng có hai mặt. Các ngôi sao đã sang châu Âu thì khó lòng trở về tập trung cùng đội tuyển trẻ vào những thời điểm CLB của họ đang có lịch thi đấu dày đặc.
Nếu như ở Asian Cup 2019, quá nửa đội ngũ trong tay ông Moriyasu - cũng là HLV trưởng ĐTQG Nhật Bản - đang khoác áo các CLB châu Âu, và kết quả là Nhật Bản vào tới chung kết.
Tuy nhiên, Asian Cup 2019 là giải hạng A của hệ thống FIFA, việc các CLB phải trả quân cho ĐTQG là bắt buộc. VCK U23 châu Á thì không như thế: việc các ngôi sao lớn có tề tựu đủ hay không là tùy vào quyết định của CLB, như trường hợp Đoàn Văn Hậu đã không thể hội quân cùng U23 VN vì CLB Hà Lan Heerenveen không chấp thuận.
Trong một ví dụ khác, Musa Al-Taamari - ngôi sao lớn nhất của bóng đá Jordan - chỉ được CLB của anh APOEL chấp nhận cho về tham dự VCK U23 châu Á sau hai lượt trận đầu tiên (và đã vắng mặt ở trận hòa 0-0 với VN). Với U23 Nhật Bản, trung vệ Takehiro Tomiyasu (21 tuổi) - gương mặt sáng giá bậc nhất trong lứa trẻ của bóng đá Nhật hiện giờ - đang đá chính ở Bologna, CLB hiện xếp hạng 13 tại Serie A.
Danh sách đó của Nhật còn dài: tiền vệ trung tâm Tatsuya Ito (22) và tiền đạo Yuma Suzuki (23) đều đang chơi ở đội hạng nhất Bỉ Sint-Truiden, hay trung vệ Yuta Nakayama (PEC Zwolle) và tiền vệ phòng ngự Ko Itakura (FC Groningen) đều ở Hà Lan.
Bóng đá Nhật thật sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho Olympic 2020. Ở Copa America 2019 - giải đấu mà họ tham dự với tư cách khách mời, Nhật mang đến Brazil cả thảy 18 cầu thủ từ 22 tuổi trở xuống. 18 cầu thủ đó hiện đều trong độ tuổi U23, sẵn sàng cho Olympic 2020.
Nhưng chỉ có 8 người được triệu tập tham dự VCK U23 châu Á 2020, và cả 8 đều không đang chơi bóng ở châu Âu. Toàn bộ đội U23 Nhật Bản 23 người tới Thái Lan chỉ một mình Ryotaro Meshino là đang đá ở nước ngoài, cho CLB Scotland Hearts.
Không phải cứ ngôi sao ở châu Âu mới đá tốt cho các đội tuyển quốc gia, nhưng cần phải hiểu cho hoàn cảnh của ông Moriyasu. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cầu thủ của ông liên tục bị thay đổi, và đội ngũ mang đến Thái Lan chỉ là một tập thể chắp vá. Thất bại ở U23 châu Á 2020, vì thế, không hề đại diện cho bóng đá Nhật ở Olympic 2020.
Và thua vì... quá nhiều ngôi sao châu Âu
Vấn đề của Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với Nhật Bản: các cầu thủ của họ chịu thiệt thòi vì có quá nhiều ngôi sao châu Âu và Nam Mỹ đang "kiếm cơm" ở Trung Quốc, hạn chế rất nhiều cơ hội của các cầu thủ trẻ nội địa.
Trong hai trận thua đầu tiên của Trung Quốc ở VCK U23 châu Á, tiền vệ mang áo số 10 Hu Jinghang (Hồ Tĩnh Hàng) là một trong những cái tên gây thất vọng nhất. Tầm quan trọng của Hu với U23 Trung Quốc thể hiện qua số áo của anh: là người tổ chức lối chơi.
Nhưng ngay từ đầu, nhiều CĐV Trung Quốc đã thắc mắc về lý do tiền vệ đang khoác áo CLB Shanghai SIPG này chiếm suất đá chính trong đội: ở SIPG, anh mòn mỏi trên ghế dự bị, chủ yếu được mang cho mượn và chỉ ra sân 13 trận cho đội bóng Thượng Hải từ năm 2015 tới nay!
Khó có thể trách Hu khi mà trên hàng công SIPG, anh phải cạnh tranh với ba tên tuổi lẫy lừng Oscar, Hulk và Marko Arnautovic. Người hâm mộ bóng đá châu Âu hẳn không xa lạ với bộ ba này. Oscar và Hulk từng là các tuyển thủ quốc gia Brazil chơi cho những đội hàng đầu châu Âu như Chelsea hay Porto.
Tuyển thủ Áo Arnautovic thì trước khi sang Trung Quốc chơi bóng từng là trụ cột của các đội Premier League Stoke City và West Ham. Ba ngoại binh của SIPG khiến hàng công đội bóng này trở nên quá chật chội cho những tài năng bản địa như Hu Jinghang: cả mùa giải vô địch Trung Quốc 2019, anh chỉ ra sân vỏn vẹn 170 phút cho CLB sở hữu mình.
Jinghang là trường hợp điển hình với các cầu thủ trẻ Trung Quốc hiện giờ. Tầm thường, nhỏ bé và vất vưởng ở chính giải vô địch quốc gia quê nhà. Từ khi cơn sốt mua sắm ngoại binh bùng nổ 5 năm trước, China Super League đã vươn mình trở thành giải đấu đắt giá nhất châu Á. Nhưng các ngôi sao lớn càng đổ đến Trung Quốc đông đảo, thì trình độ của cầu thủ bản địa lại càng bị đặt dấu hỏi.
Hai năm trở lại đây, ban tổ chức CSL đã phải siết chặt các quy định về ngoại binh. Theo đó, mỗi đội bóng có thể sở hữu tối đa bốn cầu thủ ngoài châu Á, nhưng cùng một thời điểm trong trận đấu chỉ được sử dụng nhiều nhất ba người. Nhưng các quy định đó có vẻ là chưa đủ để các tài năng nội địa có nhiều cơ hội hơn.
Cả mùa giải vừa rồi, hàng công quen thuộc của SIPG là Arnautovic đá cắm, Hulk bên cánh phải và Oscar ở vị trí tiền vệ tấn công. Tình hình tương tự ở hầu hết các CLB hàng đầu Trung Quốc khác. Với đội giành 8/9 chức vô địch Trung Quốc gần nhất, Guangzhou Evergrande Taobao (chức vô địch kia là của SIPG) chẳng hạn, những ngôi sao lớn nhất của họ là Paulinho, Anderson Talisca (đều Brazil) và Park Ji Soo (Hàn Quốc).
Thật ra thì bóng đá Trung Quốc, bất chấp được đầu tư rất mạnh tay thời gian qua, đã "phú quý giật lùi" được một thời gian dài.
Từ vô số những tiêu cực trong giới quan chức liên đoàn cho tới thành tích bết bát của gần như mọi cấp đội ĐTQG ở hầu hết các giải đấu, đất nước đông dân nhất hành tinh có thể đang vươn lên mạnh mẽ về nhiều mặt, nhưng riêng với bóng đá, họ ít ra sẽ còn phải chờ đợi một thời gian nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận