18/05/2016 10:14 GMT+7

Gần dân là sứ mệnh của đại biểu

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG
VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG

TTO - ​Ngày 17-5, cuộc tọa đàm với chủ đề “Vai trò của người đại biểu nhân dân trong thời kỳ mới” đã được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Từ trái qua: Các đại biểu Lâm Đình Thắng, Trần Quốc Tuyên, Tăng Hữu Phong, Trịnh Ngọc Sơn tại buổi 
tọa đàm           - Ảnh: Ngọc Dương
Từ trái qua: Các đại biểu Lâm Đình Thắng, Trần Quốc Tuyên, Tăng Hữu Phong, Trịnh Ngọc Sơn tại buổi tọa đàm - Ảnh: Ngọc Dương

Khách mời đã có thời gian trải lòng về trách nhiệm của cá nhân trước nhiều vấn đề còn ngổn ngang, bức xúc trong đời sống và nói đến khát khao muốn được tham gia góp sức làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Họ là các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tại TP.HCM: anh Lâm Đình Thắng, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP; ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM; anh Trần Quốc Tuyên, bí thư Đoàn Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương và anh Trịnh Ngọc Sơn, bí thư Huyện đoàn Hóc Môn.

Gần dân không phải là một thủ tục

“Tôi đi tiếp xúc cử tri ở quận 3, có một chú nói như vầy: Dân tụi tui mong đại biểu đừng coi chuyện đi gặp chúng tôi là một thủ tục để làm cho có. Mà hãy xem đó là một nhu cầu thật sự cần thiết cho công việc của mình. Ý kiến của cử tri rất đáng suy ngẫm” - anh Lâm Đình Thắng nói.

Từ những trăn trở làm sao để lắng nghe được nhiều nhất, anh Thắng cho biết sẽ xây dựng một kênh tiếp cận với người dân trên mạng Internet.

“Cử tri đến dự các buổi tiếp xúc cử tri thì có 90% là người lớn tuổi, cán bộ hưu trí. Người trẻ dù ít đến họp nhưng họ lại hăng hái góp ý trên các diễn đàn mạng. Vậy thì tại sao chúng ta lại bỏ trống trận địa này?" - anh Thắng đặt vấn đề.

Ông Tăng Hữu Phong đồng tình: “Trách nhiệm của đại biểu là phải gắn bó với cử tri, đó là trách nhiệm luật định. Cho nên chương trình hành động bao giờ cũng có nêu là thường xuyên tiếp xúc cử tri”.

Theo ông Phong, đó không phải là một câu thiệu, không phải để nói cho qua chuyện, cho dân vui lòng, mà đó là trách nhiệm phải làm, nói cao hơn là yêu cầu, là một trong những sứ mệnh của đại biểu dân cử.

Ông Phong nhấn mạnh thêm khâu giám sát thực hiện mong muốn của cử tri. “Tôi nghĩ rằng kênh này hay kênh khác, phương pháp này hay phương pháp khác không quan trọng bằng việc chuyển tải được thông tin và giải quyết mong muốn, nguyện vọng đó như thế nào. Nghe cũng là một trách nhiệm của ứng cử viên hay đại biểu. Nhưng nghe và “kính chuyển” thôi thì chưa đủ mà phải chuyển hóa, giải quyết, giám sát việc thực hiện” - ông Phong nói. 

Dưới góc độ một cán bộ ở cấp cơ sở, anh Trần Quốc Tuyên nhìn nhận: “Thủ tục hành chính của mình còn rất rườm rà, dân rất ngại lên gặp chính quyền. Cho nên nếu đại biểu dân cử thiết lập được nhiều kênh để nghe dân thì quá tốt”.

Anh Tuyên cũng cho rằng đại biểu dân cử là phải dám nghĩ, dám nói những điều người dân gửi gắm.

Góp sức cho một xã hội tốt đẹp

"Ngay ở TP mình cũng như nhiều nơi trên đất nước này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy thực trạng chỉ có người giàu, người có quan hệ tốt mới có thể cho con em mình học trường tốt. Còn với người nghèo - điều đó vẫn ngoài tầm tay. Tôi muốn góp sức để thu hẹp khoảng cách này, để tất cả được tiếp cận công bằng với giáo dục” - anh Lâm Đình Thắng nói về điểm nhấn trong chương trình hành động của mình.

Anh Thắng cũng quyết tâm đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp. Theo anh Thắng, Hội Doanh nhân trẻ của TP hiện có 1.000 thành viên nhưng đã giải quyết việc làm được cho trên 30.000 lao động. Nếu có một làn sóng khởi nghiệp hào hứng, sôi nổi, sẽ có thêm biết bao nhiêu cơ hội nghề nghiệp, cơ hội đổi đời cho tất cả mọi người.

Có cùng mối quan tâm đến giới trẻ, ông Tăng Hữu Phong nói: “Trong nhiều nhiệm vụ mà tôi xác lập, cái mà tôi quan tâm là làm sao thực thi được luật thanh niên, chiến lược phát triển thanh niên của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2020. Với thanh niên, quan trọng là có việc học, việc làm, được vui chơi giải trí…”. 

Nhưng ở góc độ của mình, ông Phong cho biết sẽ tập trung vào việc cấp học bổng, làm sao giúp các em muốn đi học đi làm nhưng vì điều kiện khó khăn không vào được cổng trường, đó là điều mà ông và báo Tuổi Trẻ vẫn làm trong nhiều năm qua. Tiếp theo là gợi mở những cơ hội vào đời, đó cũng là việc mà báo Tuổi Trẻ từng thực hiện nhiều như các chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, tư vấn xét tuyển…

“Khi một người trẻ, một sinh viên ra trường hay những thanh nên trên địa bàn ở tuổi vào đời nhưng chưa có điều kiện thì tôi sẽ liên kết với cơ quan chức năng, những nơi có điều kiện để làm sao kết nối các nhu cầu với nhau, tạo cơ hội và tìm kiếm việc làm cho học sinh, cho thanh niên trên địa bàn” - ông Tăng Hữu Phong nói.

Ứng cử ở huyện Hóc Môn - địa bàn vùng ven TP, anh Trần Quốc Tuyên trăn trở với chuyện người dân có nơi còn phải xài nước phèn, mặn; chuyện quy hoạch "treo" kéo dài khiến bà con nhiều người 5-10 năm không xin được số nhà, chuyện làng xóm không còn bình yên khi tệ nạn xã hội, tội phạm tràn đến vùng nông thôn…

Anh Tuyên cho biết sẽ làm hết sức mình để góp phần giảm bớt phần nào những khó khăn đó cho người dân.

“Tôi làm trong ngành sản xuất thực phẩm, hiểu rõ từng công đoạn chế biến, từng phương pháp thêm phụ gia. Nhìn thấy ngoài chợ Kim Biên hóa chất bán tràn lan, người bán sẵn sàng chèo kéo, mời chào mua đủ loại hóa chất độc hại mà lo. Nếu được trúng cử, với kinh nghiệm của mình, tôi tin mình sẽ góp phần giúp người dân có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn được thực phẩm an toàn cũng như tham gia góp ý, hiến kế cho việc giám sát nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm".

Trưởng thành từ những “áp lực tích cực” 

Rất cởi mở, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP Lâm Đình Thắng chia sẻ rằng khi được bố trí ra ứng cử tại địa bàn các quận trung tâm cùng với nhiều ứng viên “nặng ký” đầy uy tín, nhiều kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng, quả thật anh thấy mình gặp áp lực. “Nhưng đó không phải là áp lực cạnh tranh mà là một áp lực tích cực giúp mình trưởng thành” - anh Thắng nói.

Cụ thể, nghe bà con đề nghị đại biểu không nên chỉ tiếp xúc cử tri 4 lần theo quy định, anh Thắng thấy đúng quá, về xây dựng thêm chương trình tiếp xúc cử tri theo chủ đề, có kế hoạch cụ thể.

“Mỗi một lần đứng trước dân, trước những đòi hỏi, kỳ vọng của bà con, tôi lại thấy mình cần phải chuẩn bị chu đáo hơn nữa, thể hiện tốt hơn nữa hình ảnh của tổ chức Đoàn mà mình đại diện. Và hơn hết, phải xác định những điều mình nói với bà con cũng chính là điều mình thật sự tin, thật sự khao khát thực hiện. Tôi luôn tự nhắc nhở mình: Tôi đang nói và sẽ làm những điều tôi tin. Tôi muốn góp phần cho một xã hội tốt đẹp mà tương lai con cái tôi sẽ được thụ hưởng” - anh Lâm Đình Thắng bày tỏ.

Anh Trịnh Ngọc Sơn kể: “Lúc mới hay tin mình được giới thiệu ra ứng cử, tôi lo lắm vì mình còn quá trẻ, lại chưa bao giờ làm việc này. Nhưng lãnh đạo công ty động viên nhiều. Và rồi những lần đi thực tế, những lần tiếp xúc với người dân đã khiến tôi “lớn” dần lên”.

Anh Sơn đã “lớn lên” khi có chung nỗi trăn trở của người dân trước thực tế các em nhỏ không đủ trường lớp để học mà quỹ đất để xây trường đã hết. Anh bức xúc trước những dự án triển khai nhiều năm vẫn không hoàn thành. Anh lo lắng khi bản thân mình làm trong ngành chế biến thực phẩm, hiểu rõ tận cùng cách chế biến, bỏ phụ gia mà chưa làm gì được trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan.

Và không biết từ khi nào, những e ngại, dè dặt ban đầu đã mất, nhường chỗ cho mong muốn được cống hiến, được góp sức cho những thay đổi. “Tôi đã nghĩ đến những việc mình sẽ làm khi thành đại biểu nhân dân” - anh Sơn nói.

Chia sẻ về điều này, ông Tăng Hữu Phong bày tỏ: “Nếu được bầu làm đại biểu dân cử, chúng ta sẽ có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn chương trình hành động, hay nói đơn giản là những việc mình muốn làm cho xã hội. Nhưng đặt trường hợp không trúng cử, có lẽ cũng không nên quá nặng lòng. Với trách nhiệm của một công dân, trách nhiệm trong từng vai trò, vị trí, công việc cụ thể của từng người, chúng ta đều sẽ có cách để chạm tới mục tiêu mà mình đặt ra nếu thật sự mình mong muốn và quyết tâm”.

 Tuổi trẻ có ưu thế là bầu nhiệt huyết

Phân tích điểm mạnh của ứng cử viên trẻ, anh Lâm Đình Thắng cho rằng người trẻ có nhiệt huyết, nhanh nhạy trong nắm bắt tình hình và năng động, sáng tạo trong đề ra các giải pháp.

Anh Trần Quốc Tuyên nhìn nhận so với các ứng viên lớn tuổi, giới trẻ thua sút về kinh nghiệm, các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, tất cả các khách mời tham gia tọa đàm đều thống nhất không cần đặt nặng chuyện “thắng thua”.

Quá trình gần dân, đồng hành cùng những trăn trở, nguyện vọng của nhân dân sẽ mang lại những giá trị, những lợi ích vô hình giúp mỗi người thực hiện tốt hơn công việc của mình.

 

Tạo điều kiện thu hút người giỏi

Anh Lâm Đình Thắng nhận định thực tế, nhiều bạn trẻ rất giỏi sẵn sàng chịu đựng gian khổ, chấp nhận thiệt thòi về điều kiện vật chất, chế độ đãi ngộ nếu các bạn cảm thấy việc mình đang làm có ý nghĩa với cộng đồng. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, vấn đề là hãy chỉ cho họ những việc thật sự ý nghĩa để họ cống hiến.

Ông Tăng Hữu Phong góp một góc nhìn khác: "Với du học sinh, tôi có thời gian tiếp xúc nhiều, xã hội bây giờ rất rộng mở, cơ hội việc làm cũng tăng lên.

Nếu như đặt vấn đề tất cả du học sinh về làm trong bộ máy nhà nước có khi là chưa hẳn đúng vì số lượng biên chế nhà nước có hạn và đòi hỏi những chuẩn chất phù hợp với tính chất công việc.

Cho nên, có lẽ chúng ta không nên quá nặng lòng việc du học sinh của Việt Nam có về nước hay không, hoặc về nước có làm cho nhà nước hay không.

Điều đó chỉ nên quan trọng khi đi học theo các chương trình của Nhà nước. Còn đại bộ phận du học sinh Việt Nam đi ra nước ngoài bằng chính nguồn của mình thì bộ máy nhà nước cũng khó lòng tiếp cận được hết".

Theo ông Tăng Hữu Phong, nếu nhìn ở góc độ khác, chẳng hạn GS Trần Thanh Vân một thời gian rất dài làm việc tại Pháp và sau đó trở về xây dựng công viên khoa học và mời gọi rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới về nói chuyện giao lưu tại Bình Định. Điều đó quá tốt!

Nếu GS Trần Thanh Vân khi còn trong độ tuổi các du học sinh mà chúng ta đang đề cập, về nước làm việc thì chưa hẳn đã tạo được thành công và đóng góp tốt như vậy.

“Tôi có thời gian học ở Singapore và có biết một bạn học về năng lượng sạch và đang làm cho một tập đoàn nghiên cứu các dự án về năng lượng sạch và hiện muốn đưa các dự án đó về Việt Nam. Rõ ràng điều ấy rất tốt. Cho nên chúng ta không nặng lòng chuyện về hay không về, học xong có về liền hay không mà tùy điều kiện, nhu cầu mỗi cá nhân, cách tiếp cận để quyết định ở lại học cao hơn, đi làm tích lũy kinh nghiệm hoặc trở về…” - ông Phong chia sẻ.

 

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên