10/11/2023 11:23 GMT+7

Ép ăn uống quá no có thể là nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ

Nhiều cha mẹ trẻ, có khi cả ông bà, khi chăm con cháu rất lo ngại khi thấy các bé thường bị ọc sữa (thức ăn) khi vừa ăn xong. Lo ngại không biết các bé có bệnh lý gì không, có khi xử lý sai lầm khiến tình trạng trẻ nôn trớ càng nhiều hơn.

Cho trẻ bú vừa đủ và đúng tư thế sẽ làm giảm ọc sữa, nôn trớ ở trẻ - Ảnh: Internet

Cho trẻ bú vừa đủ và đúng tư thế sẽ làm giảm ọc sữa, nôn trớ ở trẻ - Ảnh: Internet

Bác sĩ Bùi Thị Phương Anh - khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trả lời:

Nôn trở ở trẻ là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng, do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là do sai lầm trong cách ăn uống và chăm sóc trẻ. Cụ thể, người chăm sóc là cha mẹ, ông bà thường cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, ép ăn quá ngưỡng cơ thể.

Trong quá trình ăn uống, có thể cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế (hoặc bú bình chưa đúng cách), làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dày gây nôn trớ. Khi trẻ vừa ăn no đã đặt nằm ngay; có thể trẻ bị quấn tã hay băng rốn quá chặt...

Một số trường hợp trẻ nôn trớ nhiều do các bệnh nội khoa: bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày…); Bệnh viêm đường hô hấp trên; bệnh ở hệ thần kinh trung ương…

Có trường hợp trẻ nôn do bệnh lý ngoại khoa: dị tật đường tiêu hóa; hẹp phì đại môn vị, hẹp tá tràng bẩm sinh, thoát vị hoành, teo thực quản. Các trẻ bị tình trạng này thường nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh; một số trường hợp nôn do tắc ruột, xoắn ruột thường kèm theo nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng…

Cách xử trí ngay sau khi trẻ nôn trớ, phải nghiêng ngay đầu sang một bên để không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng, và mũi (miệng trước, mũi sau) bằng cách hút hoặc quấn khăn, gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.

Sau đó dùng bàn tay khum lại vỗ nhẹ trên lưng, giúp trẻ ho bật nốt chất nôn còn lại trong họng ra ngoài. Dùng khăn lau bằng nước ấm và thay quần áo có dính chất bẩn.

Sau khi bé đã hết cơn nôn, có thể cho bú mẹ hoặc bú bình lại từ từ được. Các bậc phụ huynh không nên dùng thuốc chống nôn ói khi chưa có ý kiến của bác sĩ. 

Đối với các trẻ bị sặc chất nôn (dị vật đường thở) do hít phải chất nôn trớ, không được cố dùng tay móc họng, mà phải làm ngay nghiệm pháp Heimlich để tống dị vật ra. Sau đó, nếu trẻ còn mệt phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Làm gì để trẻ hết nôn trớ sau khi ăn uống?

Các trường hợp trẻ sơ sinh thường gặp tình trạng ọc sữa, nôn trớ sau ăn uống do sai lầm về ăn uống và chăm sóc (nôn trớ cơ năng), các gia đình cần điều chỉnh chế độ ăn uống, chăm sóc và theo dõi tại nhà.

Bà mẹ cần cho trẻ bú đúng tư thế, bú từ từ, đủ cữ, không nên ép trẻ ăn uống quá no. Khi pha sữa, thức ăn cho trẻ cha mẹ chú ý pha chế đúng công thức theo hướng dẫn, không nên tự ý pha trộn gia giảm về số lượng… Khi đã ăn no, người chăm sóc nên ẵm và vỗ lưng cho trẻ ợ hơi, sau đó mới đặt xuống. Không nên bế xốc hay đùa khi trẻ vừa ăn no.

Nếu trẻ thường bị nôn trớ sau khi ăn uống, ba mẹ nên học cách massage quanh rốn nhẹ nhàng giúp làm giảm co bóp dạ dày, có thể làm hạn chế nôn trớ. Sau đó có thể massage bụng trẻ mạnh và sâu hơn theo đường đi của khung đại tràng, giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, giúp bài tiết phân đều đặn hằng ngày, làm giảm chướng bụng và nôn trớ.

Lưu ý các bà mẹ cần theo dõi trẻ trước và sau khi ăn, nếu trẻ bị nôn trớ thường xuyên, nhiều và liên tục nghi ngờ nôn do bệnh lý phải tìm hiểu nguyên nhân và đưa đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

Chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhàChuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà

Khi trẻ bị sốt, nhiều phụ huynh rất bối rối và thực hiện nhiều cách như chườm mát, truyền nước cho trẻ… Những điều này có giúp trẻ hết sốt không? Chườm mát liệu có đúng?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên