29/05/2020 16:00 GMT+7

'Dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi tọa đàm 'Tạp văn Sài Gòn - Sài Gòn trong tạp văn', do chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng nhóm Văn học Sài Gòn vừa tổ chức sáng 29-5, ghi nhận thể loại tạp văn vốn có lợi thế phát triển và là nơi lưu giữ ký ức lịch sử về Sài Gòn.

Dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó - Ảnh 1.

Tọa đàm lần này có tính chất gợi mở cho những bàn bạc sâu hơn về các trang viết Sài Gòn - Ảnh: L.ĐIỀN

Nhà văn Trần Nhã Thụy - giám đốc chi nhánh Miền Nam Nhà xuất bản Hội Nhà văn, người giữ vai trò điều phối buổi tọa đàm - nhận định rằng các cây bút viết tạp văn có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam, nhưng để hình thành một vệt tạp văn viết về một vùng đất thì đến nay mới chỉ có hai nơi: Hà Nội và Sài Gòn.

Sài Gòn 'thuận tay' với tạp văn

Có mặt tại buổi tọa đàm, nhà thơ lão thành Hoài Vũ cũng đồng ý rằng mảnh đất Sài Gòn mà rộng ra là giới nhà văn phương Nam có vẻ thuận tay với thể loại tạp văn, bút ký. Điều này được minh chứng từ văn giới trước 1975 và vẫn còn phát triển đến hôm nay.

Cho nên, theo cách nhìn của nhà văn Trần Nhã Thụy, cùng với khối lượng các tác phẩm tạp văn viết về Sài Gòn, bản thân Sài Gòn hiện diện trong tạp văn như thế nào, cũng là một vấn đề để các nhà văn cùng nhau trao đổi nhằm có cái nhìn bổ ích cho công việc viết lách.

"Sài Gòn trong tạp văn có nhiều chiều kích, nhiều góc nhìn, nhiều cung bậc khác nhau; và dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó, có lẽ nhờ vậy mà Sài Gòn trở thành vùng đất để các cây bút tạp văn vẫn còn khai thác mãi", Trần Nhã Thụy tóm lược.

Trong cái nhìn minh định một giá trị cho tạp văn Sài Gòn, nhà văn Phan Hoàng ghi nhận nếu văn chương miền Bắc ghi nhận ký ức về đô thị Hà Nội thì ký ức/ lịch sử Sài Gòn lại được thể hiện qua tạp văn và tùy bút. "Nếu sau này tìm kiếm tư liệu về ký ức đô thị Sài Gòn, các nhà nghiên cứu phải tìm trong những trang tạp văn, tùy bút, bút ký", Phan Hoàng khẳng định.

Dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó - Ảnh 2.

Nhà văn Phan Hoàng cho rằng thể loại tạp văn lưu giữ nhiều ký ức, lịch sử của Sài Gòn - Ảnh: L. ĐIỀN

Đòi hỏi người cầm bút có vốn sống, nói thẳng điều tai nghe mắt thấy...

Trước biến thiên của lịch sử và bao nhiêu tâm sự về Sài Gòn mà các nhà văn nhiều thế hệ đã viết, nhà văn - đạo diễn Tô Hoàng đưa ra một nhận định có phần bất ngờ: Dù là tạp văn, muốn viết hay thì yếu tố quan trọng nhất là tự do tư tưởng. "Tôi không thích định kiến và quy chụp, tự do thoải mái thì viết văn sẽ hay", ông nói.

Đồng cảm với quan điểm của Tô Hoàng, cô giáo Hoàng Kim Oanh đến từ Trường đại học Sài Gòn nêu ý kiến rằng tạp văn có lợi thế là nói thẳng những điều mắt thấy tai nghe. Thế nhưng, cái yêu cầu tự do tư tưởng mà nhà văn Tô Hoàng nêu ra ấy liệu chúng ta đang có như thế nào?

"Chúng ta nên có cách ứng xử nghe lời nói nghịch như thế nào cho phải, vì người ta còn có thương thì mới nói dù cho là lời nói nghịch. Chứ nếu cứ ca ngợi một chiều thì liệu có phải là văn chương không?", Hoàng Kim Oanh thẳng thắn.

Dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó - Ảnh 3.

Nhà báo Trần Nhật Vy lưu ý các tác giả viết về Sài Gòn cần có bước chân thực địa - Ảnh: L. ĐIỀN

Trong khi nhà văn Cao Chiến tự bạch rằng ông viết như một cách để "trả nợ Sài Gòn" - mảnh đất đã cưu mang ông và các nhà văn, nhà báo Trần Nhật Vy nêu ra một kinh nghiệm trong nghề viết là nên có bước chân thực địa.

"Hôm rồi ngồi cà phê, tôi mới được người ta chỉ cho ngôi nhà ở Đa Kao vốn trước kia là của ông Năm Lửa - một nhật vật khét tiếng của lực lượng Hòa Hảo một thời, rồi mộ nhà văn Trương Minh Ký giờ ở đâu, các di tích một thời là dấu mốc không thể thiếu một khi phải viết về những chặng đường lịch sử Sài Gòn... tất cả đều cần các nhà văn có công tìm hiểu thực tế", nhà báo Trần Nhật Vy chia sẻ.

Quả thật, nhà văn nếu có tích lũy vốn sống thực tế như vậy, sự am hiểu về Sài Gòn mới đạt độ sâu, nhìn Sài Gòn không phiến diện mà có sức bao dung, thấy bề nổi của Sài Gòn hôm nay nhưng không quên phần chìm của Sài Gòn từ nhiều thế hệ trước... Từ đó, những tác giả tạp văn về Sài Gòn trong tương lai mới thực sự đưa được Sài Gòn vào trang viết.

Theo ông Phan Hoàng - người đang sinh hoạt cùng nhóm Văn học Sài Gòn - cuộc tọa đàm lần này có tính chất gợi mở để chia sẻ với giới quan tâm một giá trị của tạp văn trên bình diện mối quan hệ với lịch sử văn hóa, ký ức đô thị qua từng góc nhìn của từng cây bút cụ thể.

Đây có thể trở thành đề tài cho các hội thảo sâu hơn về sau hoặc là một đường hướng sáng tác sẽ còn được các nhà văn theo đuổi... chúng ta hãy chờ thực tế cuộc sống trả lời.

​Phạm Công Luận: Tôi viết để sau này con tôi đọc về Sài Gòn ​Phạm Công Luận: Tôi viết để sau này con tôi đọc về Sài Gòn

TTO - Nhiều bạn đọc tại Đường sách TPHCM đã đến tham dự buổi giao lưu gặp gỡ tác giả Phạm Công Luận nhân dịp ra mắt tập 3 bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên