Với nhiều người lao động, số tiền chênh lệch do tăng giá đất, nhà chỉ sau một năm lắm khi bằng tiền tích cóp của họ trong cả chục năm trước đó. Để có được chỗ an cư, người ta lại phải "cày cuốc" nhiều năm và luôn nơm nớp với những cơn sốt giá nhà đất.
Có một thực tế là khi giá nhà đất bốc lên, xu hướng chung của cả xã hội là hồ hởi, bất kể người cần chỗ ở lại lên ruột với giấc mơ an cư. Cũng có một thực tế là sau những đợt giá nhà đất tăng nóng là giá cả nhấp nhổm, lạm phát cao hơn, nợ xấu ở ngân hàng nhiều hơn - những chỉ báo làm cho cuộc sống khó khăn hơn.
Bất động sản là tài sản lớn và việc tăng giá cho thấy xu hướng phát triển của nền kinh tế. Nhưng tăng nóng, thậm chí sốt giá, lên giá chỉ vì những tin đồn, vì thông tin thiếu minh bạch… là hoàn toàn bất thường.
Nhưng trong sự bất thường ấy, mọi người vẫn phải hi vọng và nuôi giấc mơ an cư.Thông tin không minh bạch luôn là ngòi nổ cho những đợt tăng giá bất động sản. Mỗi khi có tin đồn về một dự án mới ở khu vực nào đó, giá đất sẽ tăng lên chóng mặt, dù đó chỉ là tin đồn thổi.
Trong khi đó, những thông tin chính thống - như lần UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan áp dụng các biện pháp để dập cơn sốt giá ảo của giá đất ở ngoại thành - chưa nhiều và chưa đủ mạnh để tạo sự minh bạch cho thị trường này.
Kéo dài tình trạng không minh bạch, hưởng lợi vẫn là những tay cò đất, còn người lao động vẫn miệt mài nuôi giấc mơ an cư.
Trả lại sự minh bạch cho thị trường bất động sản là việc phải làm nhưng lại cần rất nhiều thời gian. Và như vậy, tới đây, thị trường bất động sản khó tránh khỏi những cơn sốt giá giả tạo.
Bên cạnh những nỗ lực minh bạch hóa thông tin trên thị trường bất động sản, cách tốt nhất có thể làm ngay để hạn chế những đợt giá tăng nóng là kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng chảy vào bất động sản, giảm bớt đầu cơ, tung giá.
Kiểm soát vốn tín dụng vào bất động sản là chủ trương đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều năm qua. Tới đây còn phải làm mạnh hơn, chặt chẽ, kiên trì hơn.
Bởi chỉ cần lơi tay là có thể dẫn đến bong bóng giá nhà đất, không chỉ dập tắt giấc mơ có được mái ấm của hàng triệu người, mà còn có thể gây ra lạm phát, nợ xấu, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế như từng xảy ra những năm trước đây.
Bài học của cơn sốt giá năm 2006-2007 còn đó. Phải bịt các kẽ hở, không để tín dụng ngân hàng "lạc lối", hay chảy quá nhiều vào vùng trũng bất động sản cũng chính là góp phần hiện thực hóa giấc mơ an cư của hàng triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận