10/03/2013 14:48 GMT+7

Đừng sợ thừa nhân lực ngành kinh tế!

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia tư vấn tại phiên tư vấn thứ hai trong khuôn khổ Ngày hội Tư vấn tuyển sinh- Hướng nghiệp 2013 tại Hà Nội chiều 10-3.

X6VdYBYG.jpgPhóng to
Hàng vạn học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 tại Hà Nội - Ảnh Nguyễn Khánh
Op3mjJwD.jpgPhóng to
Xem thông tin tại ngày hội - Ảnh: Quang Thế

Trong bốn nhóm tư vấn, bất ngờ là các nhóm Tư vấn tâm lý- Gỡ rối hướng nghiệp và tư vấn sức khỏe mùa thi lại được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm hơn cả.

31TSWAhb.jpgPhóng to
Một học sinh đặt câu hỏi về nhóm ngành Khoa học xã hội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhiều “ca khó” được đặt ra cho các chuyên gia gỡ rối

Có em băn khoăn khi từng thấy các anh chị sinh viên đã học năm thứ 2, thứ 3 ĐH hoặc đã tốt nghiệp ĐH mà không thực sự yêu thích ngành mình học và phải đi làm nghề khác. Một thí sinh khác chia sẻ: Trong việc thảo luận về nghề nghiệp, em với bố mẹ có tranh cãi và bố mẹ giận. Xin thầy cô chỉ cho em cách làm bố mẹ hết giận, em lại được lựa chọn đúng ngành học của mình?

WwPJXxLf.jpgPhóng to
Khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi thu hút nhiều thí sinh - Ảnh: Việt Dũng

Thức đêm ôn thi, nghiện trà thì phải làm sao?

Tại gian tư vấn sức khỏe- dinh dưỡng mùa thi chiều 10-3, PGS-TS Lê Bạch Mai hết sức vất vả vì các câu hỏi liên tiếp từ các thí sinh. Ai cũng băn khoăn có nên uống trà đặc, cà phê đen để có thể thức khuya hơn một chút, có thêm chút thời gian để học thêm. Liệu sau mùa thi có…nghiện trà, cà phê không? PGS Mai khuyên ngay: Không nên lạm dụng trà, cà phê, nếu không não có thể lâng lâng được một lúc nhưng sau đó thì mệt xỉu. Hơn nữa ngày nào cũng uống cà phê, trà đặc sẽ làm não quen với chất kích thích, tác dụng hỗ trợ để thức khuya cũng không đạt mà các bạn có thể bị ốm trước khi thi.

Làm thế nào để giảm áp lực tâm lý trước khi vào phòng thi cũng là một vấn đề nhiều thí sinh gặp phải. Theo bà Mai, trước khi đi thi ai cũng căng thẳng. Các cụ bảo “học tài thi phận”, nhưng thật ra nếu chuẩn bị bài vở tốt thì tâm lý sẽ tự tin. Tự tin, bình tĩnh là đạt 50% thắng lợi, còn lại 50% là do bài vở. Giờ còn thời gian thì học đi, đến khi vào phòng thi thì bình tĩnh, tự tin, vậy là đạt 100% thắng lợi. Bà Mai cũng hướng dẫn trước khi vào phòng thi phải được ngủ đủ, dinh dưỡng đủ, tuyệt đối không nhịn ăn sáng, dù chỉ là ăn nhẹ buổi sáng vẫn tốt hơn nhiều so với người nhịn ăn, não không còn năng lượng để nuôi. Một mẹo nhỏ để bình tĩnh trước khi vào phòng thi là bạn hãy hít thở thật sâu trong 10 lần, thở thật sâu, sau đó sẽ quên hết những áp lực để bình tĩnh làm bài thật tốt.

ThS Trần Hà Thu, Khoa Tâm lý- Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn- ĐHQGHN tư vấn: Bố mẹ là những người có kinh nghiệm, từng trải và cũng rất hiểu mình. Khi bố mẹ nêu ý kiến thì đừng ngay lập tức phủ nhận, phê phán hay nổi nóng với bố mẹ. Hãy suy nghĩ một cách thấu đáo ý kiến của bố mẹ để xem tại sao bố mẹ lại mong muốn như vậy. Còn nếu giao tiếp gặp khó khăn thì chúng ta nên chọn cách khác, thay vì đối đầu theo kiểu mới gặp nhau đã cãi nhau rồi ai về phòng người đó, thì hãy dùng ngôn ngữ viết. Hãy viết thư trình bày với bố mẹ, nêu mong muốn, tâm tư nguyện vọng của mình. Cũng như các đôi bạn yêu nhau vậy, dù cãi nhau tóe lửa nhưng sau khi trở về nhà thì chỉ cần 1 tin nhắn là có thể hòa giải.

Tại khu tư vấn “gỡ rối”, không chỉ có học sinh năm cuối THPT mà còn có một số sinh viên muốn “quay lại điểm xuất phát”. Một sinh viên trần tình: Bố mẹ em thích em học kinh tế. Vì niềm đam mê kĩ thuật em lại chọn Bách Khoa. Sau 3 năm lê lết ở giảng đường ĐH em băn khoăn vì nó cứ bằng phẳng thế nào. Em có nên thi lại hay không? Tuổi trẻ phải gặp nhiều thách thức?

TS Phạm Mạnh Hà nhận xét bạn sinh viên trên là “người thích thử thách” nhưng TS Hà cũng khuyên “làm kỹ thuật thì đòi hỏi sự trầm tĩnh. Thầy nghĩ rằng em nên tiếp tục con đường của mình vì em chỉ còn 2 năm nữa thôi. Sau khi ra trường có thể chọn học thêm một ngành khác. Lúc nãy hãy tập trung vào xây dựng đồ án, xây dựng kế hoạch thời gian tới. Nếu thiếu kiến thức có thể đi học thêm để bù đắp. Còn nếu giờ nếu em quay lại từ điểm xuất phát ban đầu, thì em sẽ mất 4-5 năm năm nữa mới ra trường, khi đó em sẽ trở nên lạc hậu với xã hội. Nếu em còn năng lượng, ý thích thì hãy tìm những công việc khác bên ngoài như kinh doanh, công tác xã hội để thử thách chính bản thân mình.

Tại khu tư vấn Tâm lý gỡ rối, rất nhiều thí sinh thích thú với các bàn “làm bài tập trắc nghiệm” và nhiều “ca khó” đã được các thầy, cô tâm lý khéo léo tâm sự, chia sẻ. Nhóm trợ lý các thầy cô tư vấn tại nhóm này là sinh viên khoa tâm lý của trường Khoa học xã hội & Nhân văn cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với các thí sinh đúng với tinh thần “gỡ rối” trong thời điểm đang “rối” nhất của các em.

Nhiều băn khoăn của thí sinh nữ

Một số nữ sinh thích công nghệ thông tin nhưng lo không có công việc phù hợp với mình. PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ- ĐHQG HN trao đổi lại với thí sinh: Công nghệ thông tin cũng có những công việc liên quan đến thiết kế, phát triển nội dung… Những việc này các bạn nữ cũng thích hợp. Công nghệ thông tin là ngành Công nghệ, nhưng nó khác với nhiều ngành Công nghệ khác chỉ thích hợp với sự mạnh mẽ của nam giới, mà nó cần sự tỉ mỉ, tinh tế, tính sáng tạo…Với những yêu cầu này, nhiều khi nữ lại phát huy thế mạnh hơn nam.

Tại Khu tư vấn Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật- Công nghệ, Y Dược, Nông lâm cũng có một số thí sinh nữ thích thú với các ngành kỹ thuật của trường ĐH Bách Khoa.

Yêu hay là học?

Một thí sinh hỏi: sắp đến kỳ thi đại học, có một bạn nữ rất có cảm tình với em. Em cũng không muốn mình trượt ĐH nhưng cũng không muốn mất cơ hội làm quen và tiến tới với bạn ấy?

TS Phạm Mạnh Hà: Lớp 12 là lứa tuổi các em đã có những cảm nhận của riêng mình, có tình cảm với người khác giới. Nhưng trong những thời điểm mình phải đặt mục tiêu cho cuộc đời. Những tháng ngày này phải tập trung vào việc học để thực hiện mục tiêu trước mắt, thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình. Một người bạn gái thực sự yêu bạn, vì bạn thì sẽ mong người yêu mình có chí tiến thủ, có sự nghiệp, biết con đường đi của bản thân.

Bằng đại học là giấy thông hành, làm sao đây?

Một thí sinh đặt câu hỏi: Có nên học trung cấp không khi đào tạo liên thông đang thắt chặt, trong khi bằng đại học là “giấy thông hành” để xin việc? PGS-TS Hoàng Minh Sơn khẳng định “Nếu các em lựa chọn ngành nghề đúng năng lực, sở trường và học tập tốt, chắc chắn cơ hội việc làm sẽ mở ra. Không phải ai có bằng đại học cũng xin được việc làm tốt, trong khi trong xã hội quan điểm tuyển dụng lao động cũng đang thay đổi theo hướng tuyển dụng người theo nhu cầu công việc và theo trình độ người tuyển dụng. PGS-TS Hoàng Minh Sơn cũng khuyên thí sinh nên tìm hiểu thêm nhiều “ngã rẽ” ngoài con đường vào đại học.

Y, dược có nhiều câu hỏi

PGS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan tới ngành Y, dược.

Thầy Tú đã giải thích cho thí sinh sự “khổ luyện” của người học ngành y, dược. Nên không phải cứ thích là có thể chọn, ngoài kiến thức, sự chăm chỉ học tập, người học cần nhiều tố chất khác như tính kiên nhẫn, đặc biệt là nhiệt huyết với nghề thì mới có thể “khổ luyện” thành công.

Học Y học cổ truyền các em cũng phải học 4 năm học và 1 năm tiếp học Y học cổ truyền… Nhưng đó chỉ là kiến thức rất cơ bản, các em phải tiếp tục học tiếp thì mới có thể theo nghề. Như vậy con đường học tập của sinh viên trường Y dài hơn các trường khác” - thầy Tú giải thích.

ZX4Uo7S6.jpgPhóng to
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng phòng kế hoạch tuyển sinh, Cục đào tạo Bộ công an trả lời câu hỏi về nhóm ngành công an - Ảnh: Nguyễn Khánh

Không nên sợ thừa nhân lực ngành kinh tế

Đó là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn nhóm ngành kinh tế khi có rất nhiều băn khoăn, lo lắng từ phía thí sinh trước chủ trương hạn chế mở ngành kinh tế của Bộ GD-ĐT và những cảnh báo liên quan đến việc dư thừa nhân lực ngành này.

Bốn năm nữa, kinh tế sẽ thế nào, ngành kế toán, quản trị kinh doanh sẽ ra sao là những băn khoăn của nhiều thí sinh. Bên cạnh đó, nhiều em cho rằng đây chính là cơ hội để học sinh trung bình có thể vào được trường kinh tế “top” trên lâu nay điểm chuẩn cao chót vót. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chọn trường, chọn ngành kinh tế phải phù hợp với năng lực thực sự của các em và căn cứ vào mức điểm chuẩn hàng năm của các trường.

Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu - hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing TP.HCM, điểm chuẩn các trường đều phải trên điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Những năm gần đây có thể chia các trường thành ba nhóm điểm chuẩn: trên 20 điểm, từ 15-19 điểm, từ điểm sàn đến 15 điểm. Em có học lực trung bình thì phải xác định rõ học lực có thể đạt khoảng điểm nào trong ba nhóm kể trên. Từ việc lượng sức mình, các em so sánh với điểm chuẩn từng năm, từng trường để cân đối và lựa chọn cho phù hợp” - PGS Hậu khuyên.

Thầy Hậu cũng nhắn nhủ việc lựa chọn trường không nên chỉ căn cứ vào một năm để đánh giá xu hướng lâu dài. “Quy luật thị trường là nên mua khi xã hội không thích và bán cái mà xã hội đang cần. Nếu tôi là thí sinh thì tôi vẫn chọn ngành kinh tế. Có thí sinh nữ chỉ vì lo lắng sự suy giảm của kinh tế mà do dự việc chuyển sang ngành kỹ thuật dù biết rằng điều kiện sức khỏe là không bảo đảm. Các em nên tỉnh táo và lắng nghe những chuyên gia tư vấn như chúng tôi” - ông Hậu khẳng định.

Thành viên ban vấn muốn gặp riêng thí sinh thích Toán

TS Trịnh Thị Thúy Giang cảm động khi có một thí sinh nữ cho biết rất đam mê Toán và muốn học tiếp Toán ở bậc học trên mặc dù nhiều người can ngăn. Cô Giang nói “Tôi rất muốn được gặp em trực tiếp và tôi sẵn sàng tư vấn riêng những gì em băn khoăn và cần thông tin. Tôi là một TS Toán và yêu thích Toán nên rất vui nếu có những học sinh thích Toán nói riêng và Khoa học cơ bản nói chung. Cô Giang cũng cho biết “Nhà nước sẽ có nhiều ưu đãi cho người học các ngành Khoa học tự nhiên vì đây là những ngành đang cần thu hút người có năng lực”.

Nữ học Vật lý hạt nhân, giao thông, xây dựng và…quay phim được không?

Khá nhiều nữ sinh tại phiên tư vấn chiếu 10-3 quan tâm tới các ngành kỹ thuật vốn được xem dành cho nam. Trả lời thí sinh về câu hỏi ngành Vật lý hạt nhân, TS Trịnh Thị Thúy Giang cho biết ngành Vật lý hạt nhân hiện đang có nhiều cơ hội việc làm. Khu vực phía Bắc có hai trường là ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Bách khoa HN đào tạo ngành này.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn bổ sung thêm “Lĩnh vực Vật lý hạt nhân không chỉ có điện hạt nhân như nhiều thí sinh nghĩ mà còn có các chuyên ngành ứng dụng hạt nhân, ví dụ như kỹ thuật hạt nhân ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có y tế. Đây là một ngành cũng thú vị. Những thí sinh thích “môi trường nghiên cứu” thì thi vào ngành này có nhiều “đất” thể hiện.

Một số thí sinh nữ khác quan tâm tới các ngành kinh tế trong lĩnh vực Giao thông vận tải, xây dựng, nhưng lo sẽ phải “đi công trường” như nam giới. Sự phân tích cặn kẽ của các thầy, cô khiến các em này yên tâm hơn với lựa chọn trong lĩnh vực kỹ thuật.

eqftjEoL.jpgPhóng to
Nhiều thí sinh chăm chú làm trắc nghiệm tại khu vực máy tính - Ảnh: Việt Dũng

Một bạn đặt câu hỏi khá thú vị đối với ngành quay phim “em là nữ nhưng lại có nguyện vọng tha thiết được cầm máy quay dù biết nữ có vẻ không hợp lắm với ngành này khi trọng lượng máy quay thường không nhỏ”. TS Mai Đức Ngọc- trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí vàTuyên truyền xác nhận ngành quay phim có tính chất vất vả, nên năm 2013 Học viện có khuyến cáo sức khỏe đối với thí sinh thi ngành này. Theo đó, tiêu chuẩn sức khỏe với nữ phải cao từ 1,6m trở lên và nam bắt buộc cao từ 1,65m trở lên. TS Ngọc cũng thông tin thêm điểm chuẩn chuyên ngành quay phim năm 2012 khối D là 17 điểm và khối C 18 điểm.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên