01/01/2023 09:28 GMT+7

Đừng để bỡ ngỡ khi không còn hộ khẩu giấy

Từ ngày 1-1-2023, người dân cả nước chính thức bước vào thời kỳ quản lý cư trú điện tử. Cần làm gì để không bỡ ngỡ khi không còn sổ hộ khẩu giấy?

Đừng để bỡ ngỡ khi không còn hộ khẩu giấy - Ảnh 1.

Bệnh viện Gia Định bố trí thiết bị đọc chip CCCD của người khám bệnh diện BHYT - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ ngày 1-1-2023, người dân cả nước chính thức bước vào thời kỳ quản lý cư trú điện tử. Cần làm gì để không bỡ ngỡ khi không còn sổ hộ khẩu giấy?

Tuổi Trẻ trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM) về việc này, hướng hoàn thiện để người dân thực sự thụ hưởng tiện lợi của phương thức quản lý mới.

Vẫn còn những "e ngại"

* Bà nhận định thế nào về phương thức quản lý cư trú điện tử mới và tâm lý đón nhận của người dân?

- Bỏ sổ hộ khẩu (SHK) giấy là xu thế tiến bộ, không thể khác được. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, triển khai từ lâu của Nhà nước. Phương thức mới này sẽ nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như quản lý vận hành chung của xã hội.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì người dân vẫn còn nhiều e ngại với sự thay đổi trong khi đáng lẽ ra họ phải là người hồ hởi vì là đối tượng được thụ hưởng thành quả của sự tiến bộ.

* Bà có thể nói rõ hơn về sự e ngại và nguyên nhân?

- Tôi nhận thấy người dân còn thụ động, e ngại trong việc hưởng ứng tham gia vào quá trình chuẩn bị công cụ, phương tiện kết nối dữ liệu (đi làm CCCD gắn chip, đăng ký mã định danh, cài ứng dụng VNeID) cũng như sử dụng tiện ích (ứng dụng để làm các thủ tục hành chính, giao dịch...). Tình trạng này có nguyên nhân đến từ cả hai phía người dân và cơ quan nhà nước.

Về phía người dân, trước hết SHK giấy đối với nhiều thế hệ người dân đó là một "tài sản" cực kỳ quan trọng để giải quyết rất nhiều quyền lợi thiết thân trong rất nhiều thủ tục, giao dịch. Bỏ SHK người dân không khỏi hẫng hụt, hoài nghi, lo lắng về một hộ khẩu điện tử "vô hình" liệu có thể thay thế được SHK hay không dù từ lúc Luật cư trú hiện hành được thông qua đến nay là hai năm - khoảng thời gian không hề ngắn để chuẩn bị tâm lý cho các thay đổi cần thiết.

Về phía Nhà nước, có thể thấy thời gian qua khâu tuyên truyền là chưa đủ. Nhiều người chưa biết đến chủ trương số hóa và việc bỏ SHK. Người dân chưa thấu hiểu hết mục đích, ý nghĩa của "hộ khẩu điện tử", chưa đồng cảm được giá trị to lớn của sự thay đổi mang lại cho cả xã hội mà trung tâm và trên hết chính là người dân được thụ hưởng.

Bên cạnh đó, dù đã bỏ SHK nhưng đến nay sự đồng bộ, kết nối, chia sẻ các hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như các cơ quan, tổ chức là chưa cao. Vẫn còn những rắc rối, bất tiện phát sinh cho người dân khi thực hiện thủ tục, giao dịch liên quan dù cơ quan chức năng cũng đã rất cố gắng có hướng dẫn các giải pháp thay thế.

Đừng để bỡ ngỡ khi không còn hộ khẩu giấy - Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Công an phường Linh Trung (TP Thủ Đức), hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử VNeID - Ảnh: MINH HÒA

Cải tiến ứng dụng, tăng tuyên truyền

* Để người dân không còn e ngại với các tiện ích mới cần có giải pháp như thế nào?

- Giải pháp quan trọng nhất gắn với vai trò của Nhà nước. Nhà nước cần điều chỉnh công tác tuyên truyền cũng như cải tiến kỹ thuật, công nghệ. Thực tế, có cự ly về nhu cầu và thói quen sử dụng công nghệ của người trẻ và người cao tuổi, giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Phương thức tuyên truyền, hướng dẫn sao cho trực quan, gần gũi, dễ hiểu cho người dân, ví dụ cần các clip hướng dẫn trên mạng xã hội. Cần tiếp tục đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu, đồng thời cải tiến các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công thiết yếu.

Người dân có thói quen tương tác khi làm thủ tục muốn gặp cán bộ hướng dẫn điền thông tin, giải đáp thắc mắc. Dịch vụ công trực tuyến còn thiếu tương tác, dân thắc mắc không biết hỏi ai hoặc không được hướng dẫn kịp thời.

Đó là chưa kể lỗi ứng dụng, lỗi đường truyền... khiến người dân phải làm đi làm lại không xong. Những việc này cần phải cải tiến. Có thể xem xét đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra "cán bộ ảo" giải đáp, hướng dẫn ngay khi người dân thắc mắc việc điền thông tin một mục nào đó trong hồ sơ điện tử.

* Người dân cần chuẩn bị gì để hòa nhập, ứng dụng phương thức quản lý mới?

- Về phía người dân cũng cần vượt qua sức ì tâm lý khi gắn quá lâu với thói quen cầm hồ sơ, giấy tờ xếp hàng giải quyết thủ tục. Với phương thức quản lý mới, người dân buộc phải thay đổi, thích nghi, không thể khác được. Trước hết là phải đăng ký tài khoản, tải các ứng dụng để thực hiện được các dịch vụ công thiết thân như đăng ký tạm trú, thường trú, khám chữa bệnh, đăng ký điện nước, bảo hiểm, học tập...


7 cách thay thế

Theo nghị định 104/2022, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2023, Bộ Công an cũng có hướng dẫn bảy hình thức sử dụng thay thế chứng minh thông tin cư trú.

Thứ nhất là sử dụng thẻ CCCD gắn chip. Thứ hai là sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD gắn chip. Thứ ba là sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ. Thứ tư là tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thứ năm là sử dụng ứng dụng VNeID trên các thiết bị điện tử. T

hứ sáu là sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú. Thứ bảy là sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an TP.HCM cũng quán triệt công an các địa phương nhanh chóng cấp thông báo số định danh, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi công dân có yêu cầu để thực hiện các thủ tục, giao dịch liên quan.

Thượng tá LÊ MẠNH HÀ (phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM)


Ngành điện, nước TP.HCM đã kết nối dữ liệu định danh

Theo đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, từ 1-1-2023, các công ty cấp nước trong hệ thống tổng công ty vẫn tiếp tục thu thập mã định danh của khách hàng để cấp định mức nước, kể cả trẻ mới sinh. Khu vực nào chưa thu thập kịp thì tạm thời giữ nguyên định mức cũ đã được cấp. Ngành cấp nước vẫn đang làm "cuốn chiếu" việc thu thập số liệu vì khối lượng công việc lớn, tuy nhiên ngành nước sẽ đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân.

Còn ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết hệ thống dữ liệu ngành điện TP đã kết nối vào cổng dữ liệu công quốc gia. Ngành điện đã kết nối ổn định và xử lý nhanh nhất có thể khi người dân đăng ký dịch vụ.

LÊ PHAN


Tự đăng ký thường trú, tạm trú trực tuyến

Anh Trần Tuấn Hùng, trưởng ban quản trị tòa nhà Landmark 2 (1 trong 18 tòa của Landmark 81), cho hay cả tòa nhà có 633 căn hộ với khoảng 1.800 - 2.000 cư dân. Vào khoảng tháng 9-2022, cơ quan công an các cấp phối hợp với công an phường và ban quản trị tổ chức mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn cư dân làm khai báo tạm trú, tạm vắng, làm CCCD, cài định danh điện tử VNeID, tích hợp các giấy tờ như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm, giấy tờ xe...

"Nhờ hỗ trợ cài VNeID và hướng dẫn nên một số cư dân đã có thể thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến như đăng ký tạm trú, thường trú...", anh Hùng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Danh Duy, trưởng ban quản trị chung cư Prosper Plaza (phường Tân Thới Nhất, quận 12), phấn khởi: "Sau thời gian được cơ quan công an địa phương hướng

dẫn, nhiều cư dân đã biết rành rẽ cài đặt mã định danh, xác thực điện tử và chỉ dẫn lại cho người khác...".

Quên giấy tờ tùy thân vẫn được lên máy bay

Mới đây, ngày 23-12-2022, anh N.T.N. (thường trú quận 7, TP.HCM) có chuyến bay đi Đà Lạt từ sân bay Tân Sơn Nhất nhưng quên ví ở nhà. Đang rất lo sẽ trễ chuyến nếu phải chờ người nhà mang giấy tờ đến, anh mở điện thoại di động, truy cập tài khoản định danh VNeID (anh đã đăng ký xác thực định danh mức độ 2) và xuất trình cho nhân viên làm thủ tục. Và anh được chấp nhận cho lên máy bay bình thường vì trên VNeID có đủ hình ảnh và thông tin cá nhân của anh.

Công chứng nhà đất: không quá lo!

Công chứng viên Hoàng Mạnh Thắng, trưởng Phòng công chứng số 7 (TP.HCM), cho hay các giao dịch mua bán nhà đất, khai nhận di sản là nhà đất... tại phòng công chứng vẫn còn cần xác minh "nhân khẩu, hộ gia đình". Đây là mối quan tâm lớn nhất của người dân khi không còn dùng sổ hộ khẩu.

Từ ngày 1-1, theo hướng dẫn của Bộ Công an, phương án thay thế sẽ là giấy xác nhận cư trú do công an phường cấp. Giấy này sẽ có giá trị để xác nhận là có bao nhiêu nhân khẩu cùng đăng ký thường trú.

ÁI NHÂN

Hộ khẩu giấy hoàn thành sứ mệnhHộ khẩu giấy hoàn thành sứ mệnh

Từ sau ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ hết hiệu lực; thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và thuế VAT sẽ trở về mức cũ, tăng phụ cấp nghề với một số cán bộ y tế, tăng lãi suất cho vay mua nhà ở...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên