14/10/2017 11:59 GMT+7

Dừng cấp phép thủy điện nhỏ có chuyển mục đích rừng tự nhiên

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Sáng 13-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông Nguyễn Xuân Cường kiến nghị như vậy tại hội nghị của Chính phủ về "tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới".

Dừng cấp phép thủy điện nhỏ có chuyển mục đích rừng tự nhiên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị dừng cấp phép thủy điện nhỏ có chuyển mục đích rừng tự nhiên - Ảnh: XUÂN LONG

Không chuyển rừng đặc rừng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất

Tại hội nghị, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng.

UBND tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo đúng tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư.

"Đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi"-ông Cường kiến nghị.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học và được sự xem xét, thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất"-Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ giao bộ Công thương chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc. Dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế.

Doanh nghiệp, địa phương vẫn "xin" khai thác gỗ rừng tự nhiên

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo, từ năm 2017, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương chấm dứt khai thác chính gỗ rừng tự nhiên đối với mọi trường hợp.

"Tuy vậy, hiện nay một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác chính gỗ rừng tự nhiên và cho rằng, việc không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên làm tăng áp lực cho công tác bảo vệ rừng"-ông Cường nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chấm dứt khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết khai thác tận dụng đối với các dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng, không để thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng.

Ông Cường cũng đề nghị cấp địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, rà soát gỗ thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp và đình chỉ ngay những cơ sở vi phạm pháp luật.

Đề nghị Bộ Công an hỗ trợ điều tra phá rừng

Nêu số liệu từ các địa phương việc nhiệm vụ chống chặt phá rừng trái pháp luật, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết trong giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật lên tới 4.218 ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất do cả hành vi vi phạm pháp luật và chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong 9 tháng năm 2017 đã phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, mặc dù số vụ có giảm, tuy nhiên diện tích rừng bị thiệt hại rất lớn, hơn 910 ha.

Riêng khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại 418 ha, tăng 145 ha (53%) so với cùng kỳ 2016.

Về giải pháp chống chặt phá rừng trái pháp luật, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền, đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ để điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Quảng Bình muốn chuyển mục đích đất rừng ven biển

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho rằng nếu thực hiện hiện giải pháp như Bộ NN&PTNT kiến nghị "kiên quyết không chuyển mục đích đất rừng ven biển sang mục đích khác" sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói, "thời gian vừa qua, công tác bảo vệ rừng ở Quảng Bình có thể tự hào làm tương đối tốt".

Theo ông Hoài, điều đó thể hiện bằng các chỉ tiêu như độ che phủ rừng của Quảng Bình hơn 67,5%, đứng thứ hai toàn quốc.

Về vấn đề phá rừng, ông Hoài khẳng định tại Quảng Bình cũng chỉ có một số vụ nhỏ, những vụ phá rừng lớn không còn.

Tuy nhiên, trước kiến nghị của Bộ NN&PTNT về các giải pháp bảo vệ rừng, trong đó có giải pháp kiên quyết không chuyển mục đích đất rừng ven biển sang mục đích khác, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài bày tỏ sự không đồng tình.

"Chúng tôi cho rằng đưa vào giải pháp kiên quyết không chuyển mục đích đất rừng ven biển sang mục đích khác sẽ ảnh hưởng đến Quảng Bình"- ông Hoài nói.

Theo ông Hoài, ở Quảng Bình cũng như một số tỉnh ven biển hiện nay có hai việc đang thực hiện.

Thứ nhất là chương trình phát triển du lịch, trong đó ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, việc này cũng đã được trung ương xác định.

Vì vậy, ông Hoài cho rằng, nếu kiên quyết không chuyển mục đích đất rừng ven biển sang mục đích khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch của Quảng Bình. "Do vậy, chúng tôi cho rằng không nên đưa giải pháp này vào thực hiện"-ông Hoài kiến nghị. 

Thứ hai, theo ông Hoài, vấn đề trồng rừng ven biển ở Quảng Bình và các tỉnh miền Trung đã được thực hiện từ những năm 1960, tuy nhiên quá trình trồng rừng ven biển là cực kỳ khó khăn và tốn kém. 

"Trong khi đó, các khu nghỉ dưỡng, các khu du lịch, sân golf, trong quá trình phát triển đã tạo ra môi trường rất tốt cho vấn đề sinh thái. Nó không chỉ giúp cho phòng ngừa những bãi cát cháy mà còn tạo ra hệ sinh thái, vừa đảm bảo môi trường cũng như phát triển du lịch. Chúng tôi đề nghị không nên đặt vấn đề kiên quyết không chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác"-ông Hoài kiến nghị tiếp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả những dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Thủ tướng cũng kết luận không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

"Vừa rồi tôi đi Hà Lan nghiên cứu, tôi đã đi đồng bằng sông Cửu Long, tôi xin nói rừng ven biển vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ người, giữ nước, ngăn cản sự tàn phá của thiên thiên đối với vùng ven biển. Chỉ có rừng ngập mặn và cây bám đất thôi đã giải quyết được rất nhiều việc, vừa bồi lấp, vừa giữ đất, vừa chống sạt lở. Cho nên rừng ngập mặn cần quy hoạch làm cụ thể từng dự án khi giải quyết vấn đề đưa dân vào trong rừng này" - Thủ tướng nêu rõ.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên