Tổng quan thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay
Đến thời điểm Công ty TNHH dầu khí Idemitsu Q8 (Idemitsu) tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, cả nước có 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cửa hàng xăng dầu.
Nhưng thực tế giá xăng trên thị trường dường như không có sự cạnh tranh. Tại thị trường Hà Nội, hiện tất cả doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu dường như đang bán đồng giá.
Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 là 17.990 đồng/lít và xăng RON 95 là 18.890 đồng/lít. Chỉ có Idemitsu bán khác một chút ở dòng xăng RON 95 là 18.690 đồng/lít - thấp hơn các doanh nghiệp khác 200 đồng/lít.
Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng hướng đến không chỉ là giá mà còn nhiều tiêu chí khác. Và có vẻ như người Nhật tuy mới bước đầu kinh doanh xăng dầu nhưng đã "nắm thóp" được thực trạng thị trường xăng dầu Việt Nam.
Các nhân viên của trạm xăng Idemitsu Q8 luôn cúi chào mỗi khi khách đến và đi - Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT
Qua đó, họ đưa ra cung cách phục vụ ân cần, cam kết về đong đo sản phẩm và cho thấy có sự khác biệt. Đây chính là những điều mà xưa nay khách hàng tìm kiếm ở các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp Việt.
Trong cùng thời điểm, người ta thấy các cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex căng khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trả lời báo chí, đại diện Petrolimex nói rằng đây chỉ là sự trùng hợp. Việc treo băngrôn nhằm hưởng ứng chương trình của Bộ Công thương phát động nhiều năm nay về việc khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
"Chương trình này chúng tôi đã triển khai trước rồi. Không phải ngay sau khi IQ8 mở cây xăng chúng tôi mới làm. Đây là chương trình chung chứ không phải vì một cửa hàng của IQ8 mà chúng tôi phải làm như thế" - đại diện Petrolimex khẳng định.
Người tiêu dùng chắc hẳn không bàn đến việc khẩu hiệu đó có trước hay có sau. Bởi rõ ràng cái họ cần là sự tử tế trong kinh doanh chứ không phải là khẩu hiệu. Họ có con mắt lựa chọn khắt khe hơn dựa trên các tiêu chuẩn thương trường. Họ nhìn vào chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ của nhân viên, giá trị thương hiệu và kể cả soi xét trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp.
Đã và sẽ không còn kiểu hưởng ứng phong trào như ngày xưa nữa. Và thực tế, nhiều thương hiệu Việt thay đổi chất lượng, phong cách phục vụ đã được ưa dùng.
Chuyển động này rất nhanh, đừng ỉ lại thương hiệu như thói quen xưa nay. Thương hiệu ưa dùng hôm nay có thể bị khai tử ngay ngày mai vì sự cố truyền thông hay vì tụt hậu.
Với sự hội nhập ngày càng sâu hơn của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là về thị trường bán lẻ, doanh nghiệp Việt hãy thay đổi trước khi quá muộn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận