07/10/2023 14:53 GMT+7

Du học sinh ở Úc ra trường nhận lương kiểu phân biệt đối xử

Báo cáo mới nhất cho thấy du học sinh tốt nghiệp có thị thực tạm trú tại Úc bị trả lương tương đương với "lao động ba lô" (những người vừa đi du lịch vừa làm việc) và thấp hơn đáng kể so với cử nhân là người bản xứ.

Sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đại học Sydney, Úc - Ảnh: AFP

Sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đại học Sydney, Úc - Ảnh: AFP

Đài SBS (Úc) dẫn báo cáo của Viện Grattan cho biết nhiều du học sinh gặp khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp đã chọn ở lại Úc. Những người tìm được việc làm thường được trả lương rất thấp so với bạn bè người Úc.

Chênh lệch đáng kể về thu nhập

Theo đó, hầu hết sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp giữ thị thực tạm trú đang làm những công việc yêu cầu kỹ năng thấp, một nửa trong số đó kiếm chưa được 53.000 AUD (khoảng 33.800 USD) mỗi năm.

Ngoài ra, gần 75% người giữ thị thực tốt nghiệp tạm thời có thu nhập thấp hơn mức lương trung bình của người lao động Úc trong năm 2021.

Cụ thể, sinh viên quốc tế giữ thị thực tạm trú trung bình kiếm được khoảng 53.300 AUD/năm (33.700 USD/năm), nhỉnh hơn một chút so với thu nhập của những người vừa du lịch vừa làm việc tại Úc.

Con số này thấp hơn đáng kể so với mức thu nhập trung bình 64.400 AUD (40.721 USD) của người Úc từ 20-29 tuổi có bằng cử nhân.

Ở một số lĩnh vực, sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn.

Sinh viên quốc tế tốt nghiệp với bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh kiếm được ít hơn khoảng 58.000 AUD (36.900 USD) mỗi năm so với lao động trong nước có cùng trình độ.

Những người có bằng thạc sĩ máy tính và kỹ thuật kiếm được ít hơn khoảng 40.000 AUD (25.460 USD) mỗi năm.

Sinh viên quốc tế có bằng cử nhân kỹ thuật hoặc máy tính kiếm được ít hơn 12.000 AUD (7.636 USD) so với sinh viên trong nước.

Đối với những người tốt nghiệp ngành kinh doanh, mức chênh lệch là khoảng 10.000 AUD (6.363 USD) mỗi năm.

Tại Úc, sinh viên quốc tế tốt nghiệp các ngành liên quan đến chăm sóc y tế có thu nhập cao nhất, tiếp đến là ngành khoa học, nhưng thu nhập vẫn thấp hơn so với người lao động Úc ở cùng lĩnh vực và có bằng cấp tương đương.

Vì sao người nước ngoài khó tìm việc?

Chỉ một nửa số sinh viên quốc tế có thị thực tạm trú Úc tìm được việc làm toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.

Điều này một phần là do các nhà tuyển dụng không muốn thuê họ vì tình trạng cư trú không chắc chắn. Các sinh viên này cũng gặp khó khăn trong việc theo đuổi đúng ngành nghề.

Đó là chưa kể cả sinh viên quốc tế lẫn sinh viên Úc đều phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động.

Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp thuộc cùng một ngành và khó xin việc chỉ với một tấm bằng. Ngoài ra sinh viên quốc tế còn phải đối mặt với một rào cản khác là không có mạng lưới hoặc kết nối với cộng đồng địa phương.

Theo Viện Grattan, tính đến tháng 7-2023 có khoảng 654.870 sinh viên quốc tế tại Úc, tăng so với 634.000 sinh viên trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Số người có thị thực tốt nghiệp tạm thời tại Úc dự kiến tăng gấp đôi lên khoảng 370.000 người vào năm 2030 do những thay đổi của chính phủ nhằm cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp được ở lại và làm việc lâu hơn.

Ông Brendan Coates, tác giả báo cáo của Viện Grattan, cho rằng chính sách đó sẽ khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp rơi vào tình trạng "thị thực lấp lửng", với ít cơ hội trở thành thường trú nhân hơn.

"Nó làm xói mòn niềm tin của dư luận vào chương trình di trú của Úc", ông Coates nói. Theo đó, nó không chỉ bất công với những sinh viên đã đổ tiền của đi học ở Úc, mà còn gây áp lực về vấn đề nhà ở.

Viện Grattan đưa ra các khuyến nghị, bao gồm yêu cầu tiếng Anh cao hơn và giảm thời hạn thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp.

Họ đề xuất tạo ra một loại thị thực mới có tên gọi là "Tốt nghiệp với năng lực đặc biệt" để cấp tư cách thường trú cho những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp giỏi nhất.

Nhóm tác giả của báo cáo cũng cho rằng Chính phủ Úc chỉ nên gia hạn thị thực cho những sinh viên mới tốt nghiệp có thu nhập ít nhất 70.000 AUD/năm (44.563 USD/năm).

Sinh viên quốc tế tại Úc "chia sẻ giường" đối phó chi phí sinh hoạt caoSinh viên quốc tế tại Úc 'chia sẻ giường' đối phó chi phí sinh hoạt cao

Không chỉ ở chung nhà với người lạ, sinh viên quốc tế tại Úc hiện nay còn tiết kiệm chi phí bằng cách 'hot-bedding': chia sẻ giường với người lạ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên