Thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trước đây, lãi suất huy động vốn thực hiện dự án BOT được khống chế dựa trên lãi suất trung bình của 3 ngân hàng lớn và lãi trần của trái phiếu chính phủ.
Đây là 2 cơ sở để các bên tham khảo đàm phán hợp đồng BOT. Và nguyên tắc nhà đầu tư nào chấp thuận thì vào đàm phán dự án BOT, nếu không thì thôi.
Còn hiện nay, quy định về lựa chọn nhà đầu tư BOT đã theo cơ chế thị trường, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư nào có chi phí thấp nhất sẽ được quyền làm dự án.
Và đã đàm phán, ký kết hợp đồng BOT thì các bên phải tuân thủ hợp đồng, hợp đồng quy định sao thì làm vậy, hợp đồng không quy định thì không được làm vì hợp đồng là quy định pháp lý cao nhất ràng buộc 2 bên Nhà nước và nhà đầu tư BOT. Nếu quá trình thực hiện dự án có rủi ro, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận.
Qua thanh tra tại nhiều dự án BOT trong năm trước thời gian qua, thanh tra Bộ Kế hoạch - đầu tư đã phát hiện khoảng 40% tổng mức đầu tư dự án BOT không đi vào công trình.
Riêng chi phí dự phòng, chi phí trượt giá, khối lượng phát sinh đã chiếm khoảng 30% tổng mức đầu tư của các dự án BOT.
Các hợp đồng BOT thường kéo dài từ 3-4 năm, mức trượt giá được nhà đầu tư tính toán thông thường là 8-10% tổng mức đầu tư/1 năm.
Đó là chưa kể tới việc nhà đầu tư BOT tính toán chi phí đầu tư không chuẩn xác, định mức đơn giá rất lạc hậu, và cách tính toán chi phí nhân công không phù hợp đã đẩy tổng mức đầu tư một số dự án BOT cao ngất ngưởng.
Thực tế có nhiều dự án BOT không sử dụng hết chi phí dự phòng, còn vốn dư. Trường hợp dự án được kiểm soát tốt thì vốn dư được thu hồi, dự án không kiểm soát được thì chủ đầu tư vẽ ra đủ mọi thứ để hợp thức hóa phần vốn dư.
Quy định pháp lý về chi phí dự phòng dự án đầu tư hiện không chặt chẽ, khi đưa chi phí dự phòng vào dự án, các cơ quan nhà nước nhiều khi không hiểu rằng chủ đầu tư hoàn toàn có thể tiêu khoản chi phí dự phòng đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận